Kho chứa đường ống dùng thi công dự án Keystone XL tại làng Gascoyne, bang North Dakota, Mỹ vào tháng 1/2017. Ảnh: Reuters |
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hủy bỏ giấy phép của dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL trị giá 9 tỷ USD vào ngày đầu tiên nhậm chức 20/1, giáng một đòn chí mạng vào dự án đã tồn tại từ lâu với công suất vận chuyển 830.000 thùng dầu cát/ngày từ tỉnh Alberta (Canada) đến bang Nebraska (Mỹ).
Các nhà hoạt động môi trường và cộng đồng bản địa hoan nghênh động thái này của tân Tổng thống Mỹ, nhưng thương nhân và các nhà phân tích nhận định, các đường ống dẫn dầu giữa Mỹ và Canada vẫn đủ công suất để xử lý khối lượng dầu thô hàng ngày được chuyển ra khỏi Canada - nhà cung cấp dầu mỏ chính của Mỹ.
Canada hiện xuất khẩu khoảng 3,8 triệu thùng dầu/ngày sang Mỹ, theo số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ. Các nhà phân tích kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 4,4 triệu thùng/ngày trong vài năm tới, từ mức 4,2 triệu thùng.
Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy ước tính, các dự án đường ống dẫn dầu đang được mở rộng sẽ giúp tăng lượng dầu xuất khẩu của Canada lên hơn 950.000 thùng dầu/ngày vào năm 2025.
Trong khi đó, Cơ quan quản lý năng lượng Canada cho biết hiện có đủ năng lực xuất khẩu hơn 4 triệu thùng dầu/ngày sang Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề ra mục tiêu khử cacbon, giảm sự phụ thuộc của nước Mỹ vào dầu khí và hạn chế các chất gây ô nhiễm không khí. Phần lớn nguồn cung năng lượng của Mỹ vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch.
Gina McCarthy, Điều phối viên hàng đầu về chính sách khí hậu trong nước của Tổng thống Biden, cho hay: "Bất kể lợi ích nào mà dự án Keystone mang lại thì giờ cần phải được xem xét lại với tình hình kinh tế hiện nay". Ngay cả không còn dự án Keystone XL, Mỹ vẫn phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ từ Canada bởi hơn một nửa lượng dầu nhập khẩu đến từ quốc gia này. Trong khi đó, một số dự án đường ống dẫn dầu thô giữa Canada và Mỹ đang trong quá trình mở rộng.
Đơn cử, dự án thay thế tuyến đường ống số 3 mà Tập đoàn vận tải năng lượng Enbridge đang triển khai sẽ giúp tăng gấp đôi công suất vận chuyển lên khoảng 760.000 thùng dầu thô/ngày từ tỉnh Alberta đến thành phố Superior, bang Wisconsin (Mỹ) vào cuối năm nay.
Chính phủ Canada cũng đang nâng cấp tuyến đường ống dẫn dầu Trans Mountain với công suất tăng từ 590.000 thùng/ngày lên 890.000 thùng/ngày. Tuyến đường ống này kết thúc tại cảng Vancouver, từ đây có thể chuyển dầu xuống tàu về Mỹ.
Cách xa dự án đường ống Keystone XL, năm ngoái TC Energy đã được Mỹ chấp thuận cho mở rộng dự án đồng ống dẫn dầu Keystone, giúp bổ sung 170.000 thùng/ngày vào công suất hiện tại 590.000 thùng/ngày đến vùng Trung Tây và Bờ Vịnh của Mỹ.
Mark Oberstoetter, Giám đốc nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn và nghiên cứu Wood Mackenzie cho rằng: "Chúng ta sẽ dư thừa đường ống dẫn dầu khi các đường ống dẫn dầu khác hoàn thành đúng kế hoạch". "Nếu cộng tất cả các dự án đường ống dẫn dầu đó lại, có thể khiến những tranh luận về dự án Keystone XL trở nên thừa thãi".
Việc xây dựng dự án đường ống Trans Mountain và dự án thay thế tuyến đường ống số 3 vẫn có thể bị trì hoãn bởi các cuộc biểu tình kêu gọi bảo vệ môi trường. Thế nhưng, không giống như dự án Keystone XL, cả hai tuyến đường ống này đã vượt qua các rào cản pháp lý và quy định.
Theo ước tính của RBN Energy, sản lượng dầu mỏ ở miền Tây Canada trong năm 2021 sẽ cán mốc mới 4,45 triệu thùng/ngày, từ mức 3,9 triệu thùng/ngày trong năm 2020, nhưng phần lớn sản lượng này sẽ được xuất khẩu sang Mỹ.
Canada hiện nhà sản xuất dầu thô lớn thứ 4 thế giới, nhưng nhiều năm qua phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn đường ống dẫn dầu. Điều này gây ra tình trạng dư thừa dầu mỏ tại các bể chứa ở tỉnh Alberta, khiến giá dầu đi xuống và buộc tỉnh này phải áp dụng các biện pháp cắt giảm sản lượng để giải thoát lượng tồn kho kỷ lục.
Vào tháng 11/2020, các biện pháp cắt giảm sản lượng dầu mỏ ở tỉnh Alberta được dỡ bỏ, từ đó sản lượng dầu tại khu vực tăng lên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận chuyển dầu mỏ đã tăng cường hiệu quả vận chuyển trên các đường ống hiện có thông qua việc sử dụng các chất giảm lực cản.