Y tế - Sức khỏe
Khám chữa bệnh từ xa: Phao cứu sinh giữa mùa dịch
Dương Ngân - 12/09/2021 13:07
Nhờ thực hiện chuyển đổi số nhanh mà trong cuộc chiến với Covid-19 hiện nay, nhiều cơ sở khám chữa bệnh vẫn đảm bảo thông suốt việc khám, điều trị cho bệnh nhân.
Hệ thống Telehealth giúp các bác sỹ khám bệnh từ xa đạt kết quả tốt

Vững vàng nhờ công nghệ

Hàng chục cơ sở y tế bị cách ly do liên quan tới các ca bệnh Covid-19 đang khiến nhiều bệnh nhân tuyến cơ sở có nhu cầu lên tuyến trên khám chữa bệnh đành phải tạm gác.

Theo yêu cầu phòng chống dịch ở thời điểm hiện tại, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân ở các tuyến dưới không dồn lên tuyến trên. Thoạt nghe, nhiều người khá lo lắng, bởi lâu nay họ vẫn lựa chọn tuyến trung ương cho hành trình khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số nhanh mà nhiều cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh tự tin áp dụng khám chữa bệnh từ xa (Telehealth), thu hẹp khoảng cách tuyến trên và tuyến dưới, có kinh nghiệm cấp cứu, xử trí các ca bệnh khó, mang lại niềm tin cho người bệnh.

Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế Lê Văn Khảm cho biết, Bộ Y tế đã yêu cầu Vụ Bảo hiểm y tế phối hợp với Vụ Kế hoạch - tài chính khẩn trương xây dựng giá dịch vụ y tế khám, chữa bệnh từ xa do bảo hiểm y tế chi trả. Nếu quy định được giá cụ thể của từng loại hình khám, chữa bệnh từ xa, thì bảo hiểm y tế sẽ có cơ sở thanh toán cho người bệnh. Khi đó, kinh phí duy trì triển khai khám, chữa bệnh từ xa được giải quyết, quyền lợi cho người bệnh được bảo đảm.

Với các ca bệnh thông thường, trong bối cảnh Covid-19, khi tới bệnh viện, người bệnh sẽ được phân loại, sàng lọc, sau đó sẽ được thăm khám và điều trị theo quy trình. Nếu gặp các ca bệnh nặng, khó, vượt quá khả năng, hệ thống Telehealth được thiết lập để nhận sự trợ giúp của các chuyên gia tuyến trên.

Ví dụ như siêu âm tim, một kỹ thuật vốn chỉ thực hiện được tại bệnh viện, thì nay, theo PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bác sỹ ngồi tại nơi này vẫn có thể siêu âm tim cho bệnh nhân đang ở một nơi khác bằng hệ thống công nghệ hiện đại.

Một minh chứng về hiệu quả của Telehealth là trường hợp của sản phụ Trần Thị T. (30 tuổi), ở  huyện Ba Đồn (Quảng Bình), mang thai ở tuần 35, có nguy cơ sinh non, có hội chứng tăng đông máu, nguy cơ tắc mạch máu rất hiếm gặp ở Việt Nam và trên thế giới, đã được cứu sống kịp thời cả mẹ và con nhờ thực hiện tốt hội chẩn trực tuyến giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba và Bệnh viện Trung ương Huế thông qua Telehealth.

Cũng nhờ Telehealth, vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cứu sống một bệnh nhân sốc phản vệ, ngừng tim gần 60 phút.

Tương tự, Trung tâm Tư vấn khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã triển khai 1 buổi/tuần để kết nối với 37 điểm cầu ở các đơn vị y tế tuyến dưới. Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ông Nguyễn Duy Ánh chia sẻ, với hệ thống Telehealth, kiến thức và trình độ của bác sỹ ở tuyến trên được phát huy triệt để, giảm thiểu tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. “Không ít ca bệnh được tuyến dưới chẩn đoán quá muộn, bỏ qua “thời gian vàng” cấp cứu. Việc hội chẩn từ xa bởi các bác sỹ đầu ngành về sản khoa sẽ giảm được số ca chẩn đoán, xử lý sai của tuyến dưới”, ông Ánh cho biết.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, từ năm 2020, khi tham gia hội chẩn trực tuyến từ xa qua hệ thống Telehealth với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện có thêm cơ hội được tiếp cận với các kiến thức chuyên sâu và có những chỉ định kịp thời với các ca bệnh cần phải chuyển tuyến.

Xu thế của tương lai

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự chuyển dịch của một mô hình mới -  khám chữa bệnh từ xa, phát huy lợi ích của công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số. Mô hình này không chỉ là giải pháp cho đợt khủng hoảng này, mà sẽ là xu thế của tương lai.

Trong đại dịch, những người có những triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như ho khan và sốt (một số triệu chứng khác bao gồm mệt mỏi, khó thở, mất cảm giác mùi vị) có thể được thăm khám nhanh qua video với bác sỹ mà không cần đến bệnh viện, nơi chật kín những người có khả năng đã nhiễm bệnh. Những người này cũng không thể lây bệnh cho các nhân viên y tế.

Tuy nhiên, con đường để khám chữa bệnh từ xa trở thành hình thức phổ biến không hoàn toàn bằng phẳng, cần vượt qua nhiều trở ngại về pháp lý và thương mại, cũng như cần có nền tảng kỹ thuật số đảm bảo kết nối an toàn giữa bệnh nhân và bác sỹ.

Là cơ sở y tế đang làm khá tốt Telehealth, song theo ông Nguyễn Lân Hiếu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội còn nhiều khó khăn khi triển khai hệ thống Telehealth.  “Không chỉ Việt Nam, mà thế giới vẫn chưa xây dựng được nền tảng kỹ thuật số để thực hiện khám chữa bệnh từ xa. Ngoài ra, vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn để triển khai mô hình một cách cụ thể. Đơn cử, chưa có hướng dẫn thanh toán khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân, chi trả chi phí cho bác sỹ tham gia hội chẩn từ xa, thanh toán chi phí đường truyền…”, ông Hiếu nói.

Để việc khám, chữa bệnh từ xa hiệu quả, theo ông Nguyễn Duy Ánh, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa tuyến trên và tuyến dưới. Các cơ sở y tế tuyến dưới phải thường xuyên kết nối, phối hợp với tuyến trên. Người tiếp cận hệ thống này phải coi đây là công cụ để học tập, nâng cao trình độ. “Chúng ta phải làm sao phát huy tối đa hiệu quả của Telehealth, chứ không phải chỉ là công cụ  dùng trong mùa dịch”, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác