Các lực lượng chức năng khắc phục sạt lở đê biển Tây. |
Trước đó, vào chiều ngày 3/8, gió lớn và triều cường dâng cao bất ngờ đã tạo nên những cột sóng to ập vào đất liền, tàn phá nhiều đoạn ven đê biển Tây, trong đó thiệt hại nặng nhất là tại khu vực bờ Bắc Cống Kênh Mới thuộc địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Ngay sáng ngày 4/8, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đến khảo sát và làm việc với các lực lượng đang triển khai công tác khắc phục hậu quả, gia cố đê ở điểm xung yếu vừa xảy ra sạt lở.
Sau gần 1 tiếng sóng lớn áp sát chân đê, đã làm cho 316 m đê tại khu vực Kinh Mới bị uy hiếp, gây sạt lở nghiêm trọng. Trước nguy cơ đê biển bị phá vỡ bất cứ lúc nào, tỉnh Cà Mau đã huy động trên 200 lực lượng là bộ đội, dân quân tự vệ tham gia hộ đê. Thiết bị máy móc cũng được khẩn trương tập kết đến hiện trường. Lực lượng làm nhiệm vụ đã cắm hơn 1.500 cây cừ tràm dưới chân đê, dùng bạt để trải tràn và gia cố 12.000 bao đất dọc theo chân đê bị sạt lở. Dự kiến đến chiều 4/8 sẽ gia cố xong phần đê bị sạt lở.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh kiêm Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho biết: biển Tây mực nước qua quan trắc chỉ khoảng 1,5 m trở lại, trong khi đó đỉnh đê theo quan trắc hiện nay đã là dương 3 m nhưng hôm qua nước vẫn tràn qua. Đây là hiện tượng bất thường mà 20 năm gần đây trên khu vực này không có hiện tượng trên.
Qua khảo sát, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đôn đốc lực lượng tham gia hộ đê và chỉ đạo, bằng mọi giá phải hoàn thiện công việc trong ngày, trước khi con nước lớn bắt đầu có thể tái diễn đợt triều cường tiếp theo làm hư hỏng đê biển Tây. Đồng thời cho biết, hiện nay tỉnh có những dự án và tờ trình kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí cho địa phương triển khai các công trình khẩn cấp, kè khẩn cấp để bảo vệ toàn tuyến đê biển Tây cũng như biển Đông. Tuy nhiên, nguồn vốn còn khó khăn, trước mắt Tỉnh tập trung xử lý các đoạn xung yếu nhất, có nguy cơ vỡ cao để bảo vệ bờ biển, bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân sống bên trong đê.