Hệ thống xe buýt của Công ty TNHH Quyết Thắng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Linh Đan |
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ký Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quy định về cơ chế ưu đãi trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (kèm theo Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND ngày 29/8/2018 của UBND tỉnh).
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 4. Cụ thể, đối với hệ thống kết cấu hạ tầng, gồm đường dành riêng cho xe buýt, điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng, biển báo, nhà chờ, điểm trung chuyển, bãi đổ xe buýt, trạm điều hành, trạm bảo dưỡng sửa chữa, trạm cung cấp năng lượng cho xe buýt và công trình khác phục vụ các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá từ ngân sách nhà nước, Sở Giao thông vận tải trình UBND tỉnh đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên cơ sở căn cứ quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được duyệt và nhu cầu thực tế.
Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh xây dựng Trung tâm điều hành giao thông công cộng để thực hiện công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng nói chung, hoạt động vận tải bằng xe buýt nói riêng và đầu tư, quản lý, bảo trì, sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Trong thời gian chưa có Trung tâm điều hành giao thông công cộng, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm đầu tư, quản lý, bảo trì, sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ nguồn chi sự nghiệp giao thông của ngân sách nhà nước tỉnh theo quy định.
UBND tỉnh Khánh Hòa sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 1, Điều 6. Theo đó, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan xây dựng phương án giá vé xe buýt, quy trình nghiệm thu sản phẩm, thanh toán bao gồm cả việc hỗ trợ giá vé cho các đối tượng chính sách khi đi xe buýt, trình UBND tỉnh ban hành để làm cơ sở thanh toán tiền trợ giá cho doanh nghiệp; thực hiện việc giám sát, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng sửa đổi điểm c, khoản 1, Điều 6: “Trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát và khả năng lường trước làm ảnh hưởng đến khả năng cung cấp sản phẩm dịch vụ xe buýt thì doanh nghiệp lập hồ sơ, đề nghị hỗ trợ, gửi Sở Giao thông vận tải. Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Tài chính và các ngành liên quan xem xét, tham mưu UBND tỉnh quyết định mức hỗ trợ theo quy định”.
Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa bổ sung khoản 3 vào Điều 6 về cơ chế điều chỉnh đơn giá trợ giá xe buýt (điều kiện xem xét) là sau khi các tuyến xe buýt đã đi vào hoạt động, đơn giá trợ giá tính theo 1km xe hoạt động được xem xét điều chỉnh nếu có biến động (tăng hoặc giảm) về giá nhiên liệu từ 10% trở lên, làm ảnh hưởng đơn giá trợ giá. Theo UBND tỉnh, căn cứ để xác định giá nhiên liệu theo thông báo hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thời điểm xét điều chỉnh lần đầu tiên phải đảm bảo điều kiện đã nêu ở trên so với thời điểm đã được điều chỉnh mức trợ giá lần liền kề trước đó và việc xem xét giữa 2 lần điều chỉnh cách nhau tối thiểu 3 tháng.
Doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng phương án điều chỉnh đơn giá (bao gồm các biến động về chi phí câu thành đơn giá như nhiên liệu, vật tư, tiền lương và các chi phí khác) gửi Sở Giao thông vận tải. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các ngành liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định…