Dự án Nhà ở xã hội HQS do Công ty cổ phần bất động sản Hà Quang làm chủ đầu tư. Ảnh: P.V |
Sau khi Báo Đầu tư đăng tải loạt bài "Nhà ở xã hội hay “chợ đen?”, Văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa vừa cho biết, các nội dung về việc mua, bán, cho thuê mua nhà ở xã hội được thực hiện theo Điều 19, Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Đối với nội dung người mua nhà ở xã hội bán lại nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định tại khoản 12, Điều 1, Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ.
Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa khẳng định, việc bán nhà ở xã hội khi chưa đủ 5 năm mà không bán lại cho chủ đầu tư hoặc không bán lại cho các đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và không thực hiện việc bán lại theo quy định tài Điều 62 Luật Nhà ở và quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sẽ không được pháp luật công nhận.
Trong thời gian tới, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội đối với chủ đầu tư, tổ chức và cá nhân có liên quan tại một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
“Trường hợp phát hiện vi phạm, sẽ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật”, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho hay.
Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho rằng, cơ quan này không có trách nhiệm xét duyệt nhu cầu đăng ký mua nhà ở xã hội. Việc xem xét hồ sơ đăng ký thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư dự án theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 20, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/10/2015 và điểm đ, khoản 1, Điều 20 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/10/2015 được sửa đổi bổ sung theo quy định tại điểm a, khoản 13, Điều 1, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ.
Như Báo Đầu tư đã phản ánh, chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhất là các dự án ngoài ngân sách, có rất nhiều chiêu để “nắm đằng chuôi”, giành lợi thế, thậm chí “gài bẫy” người mua. Trong khi đó, nhiều người mua được nhà ở xã hội, lại không có nhu cầu để ở, tiến hành chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật. Từ một loại hình nhà ở mang tính nhân văn, nhà ở xã hội đã bị biến thành hàng hóa để mua bán như ở “chợ đen”.
Tại Khánh Hòa, nhà ở xã hội tại nhiều dự án (Dự án Chung cư Đường sắt Nha Trang (còn gọi là Chung cư CT1, Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, TP. Nha Trang, Khánh Hòa); Chung cư XH 1 và XH 2 thuộc Dự án Nhà ở xã hội VCN Phước Long II (phường Phước Long); Dự án Nhà ở xã hội HQS…) dù chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, đã rao bán công khai như… cá ngoài chợ trên mạng xã hội. Đáng nói là hành vi này của các cá nhân rao bán chưa được cơ quan chức năng phát hiện, chế tài kịp thời.
Theo luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM), nhà ở xã hội đã bị pháp luật hạn chế về việc chuyển nhượng, cụ thể là sau 5 năm mới được mua bán, thì mọi giao dịch trong thời gian này là vô hiệu. Nếu mua bán nhà ở xã hội khi chưa đủ điều kiện, cả người bán và người mua đều có lỗi.
“Nếu cơ quan nhà nước phát hiện bên A (chủ sở hữu căn hộ xã hội chưa đủ 5 năm) vi phạm các quy định về quản lý nhà ở xã hội, xử lý thu hồi căn hộ, thì bên B (người mua lại căn hộ xã hội chưa đủ 5 năm) và bên A sẽ xảy ra tranh chấp. Lúc này, giao dịch mua bán căn hộ không có giá trị pháp lý và hai bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận. Còn các văn phòng công chứng nếu biết rõ loại hình nhà ở xã hội đang bị hạn chế chuyển nhượng bởi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, nhưng vẫn công chứng hợp đồng mua bán căn hộ xã hội cũng không đảm bảo thủ tục theo quy định của pháp luật”, luật sư Trần Bá Học phân tích.
Vị luật sư này cũng chỉ ra, các hình thức giao dịch nhà ở xã hội chưa đủ 5 năm giữa bên bán và bên mua như giấy tờ viết tay hoặc hợp đồng công chứng nhưng không đăng ký sang tên người mua… nhằm hạn chế rủi ro cho người mua, thực chất là chiêu “lách luật”.
Về công tác quản lý nhà nước đối với nhà ở xã hội, luật sư Trần Bá Học cho rằng, Sở Tư pháp địa phương cần phải có ý kiến phổ biến đến các văn phòng công chứng nhà nước và văn phòng công chứng tư nhân không được công chứng chuyển nhượng tài sản là nhà ở xã hội dưới 5 năm để tránh phát sinh tranh chấp không đáng có và khó xử lý về sau.