Công nhân làm việc trong nhà máy dệt may tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn |
Thông tin này vừa được đưa ra tại "Báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với một số ngành công nghiệp chính của Việt Nam, đề xuất khuyến nghị chính sách và giải pháp cho phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid-19" do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) thực hiện.
Cụ thể theo Báo cáo, dịch Covid-19 làm cho tình hình kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chịu áp lực từ các khoản chi phí rất lớn để duy trì hoạt động như: chi phí thuê mặt bằng, chi trả lãi vay ngân hàng, trả công cho lao động, chi phí thường xuyên khác…
Nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm lương lao động, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.
Do tác động của dịch Covid, có tới 66,8% số doanh nghiệp phải áp dụng các giải pháp liên quan đến lao động.
Giải pháp cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên có 39,5% doanh nghiệp lựa chọn, cao nhất trong các giải pháp về lao động; có 28,4% doanh nghiệp áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; 21,3% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và 18,9% doanh nghiệp giảm lương lao động.
Trong khi trả công lao động là gánh nặng lớn nhất của doanh nghiệp lúc này thì mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp hiện thời là thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.
Về vấn đề này, có tới 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho rằng, thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh.
Đáng chú ý, trong các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, có tới 47,2% doanh nghiệp khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được. Giai đoạn hiện nay, thị trường tiêu thụ trong nước và thị trường xuất khẩu đều gặp khó khăn.
Đây là hệ quả tất yếu khi đại dịch bùng phát, người dân Việt Nam và các nước thuộc thị trường xuất khẩu truyền thống của nước ta (Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật..) phải thực hiện giãn cách xã hội, lao động mất việc làm, thu nhập giảm sút nên nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh.
Tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động đến thị trường tiêu thụ |
Nếu xét theo loại hình thì có 61,2% doanh nghiệp FDI chịu tác động từ thị trường tiêu thụ và có đến 53,8% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu không xuất khẩu được hàng hóa.
Theo sau thách thức về trả công lao động và thị trường tiêu thụ thì câu chuyện thiếu nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp diễn.
Dịch Covid-19 càng kéo dài, nguyên vật liệu đầu vào dự trữ của doanh nghiệp càng cạn kiệt.
Đây là vấn đề dễ dàng nhận thấy khi thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam đều là các nước phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ dịch như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản (điều này thể hiện rõ nhất trong giai đoạn đầu dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc)…
Tại thời điểm điều tra, đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành may mặc và da giầy cần sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lên tới 70,3% đối với ngành may mặc và 71,0% đối với ngành da giày.
Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử và sản xuất ô tô có tỷ lệ thiếu hụt nguyên vật liệu nhập khẩu lần lượt là 62,1% và 58,1%.
Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch Covid-19 càng cao. Điều này có thể lý giải, các doanh nghiệp có quy mô lớn thường là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi giá trị liên kết trong nước và quốc tế chặt chẽ, rộng hơn nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ chịu tác động lan tỏa nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu.
Nhóm doanh nghiệp lớn (hiện chiếm 2,8% tổng số doanh nghiệp) là nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất với 92,8%.
Theo loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI là đối tượng đang chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 nhất, với 88,7%.