Viễn thông - Công nghệ
Khát vọng làm chủ công nghệ xây dựng hạ tầng dữ liệu số, thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam
T.H - 28/08/2024 07:57
Tập hợp số liệu theo phương châm “đúng, đủ, sạch, sống” trước khi biểu diễn và quản trị dữ liệu lớn, Nền tảng Phân tích dữ liệu lớn của Viettel (Viettel Big Data Analytics Platform) giúp các nhà quản trị có cái nhìn toàn cảnh và trực quan, mở ra nhiều tiềm năng to lớn trong kỷ nguyên 4.0.

Chỉ cần dựa vào màu sắc của biểu đồ, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) có thể xác định ngay lập tức chỉ tiêu nào có nguy cơ không đạt trong nhóm chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Cũng chỉ với 1 thao tác, lãnh đạo thành phố có thể đưa ra yêu cầu giải trình tới các đơn vị. Ngay lập tức, đơn vị được yêu cầu sẽ nhận thông báo qua tin nhắn điện thoại và email, sau đó có thể truy cập hệ thống để phản hồi với độ trễ rất thấp so với gửi văn bản giải trình thông thường.


Lãnh đạo TP HCM tin rằng khi đi vào vận hành, Hệ thống quản trị thực thi TP.HCM trên nền tảng số sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 1-3% mỗi năm, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng từ các cuộc họp hành, giấy tờ chỉ đạo...

“Câu chuyện” của những con số

Hệ thống quản trị thực thi TP.HCM được ví như “bộ não số” với chức năng tổng hợp thông tin tổng thể tình hình kinh tế - xã hội, giám sát việc chỉ đạo điều hành của thành phố. Hệ thống được thiết kế để giúp các lãnh đạo ra quyết định chính xác và kịp thời dựa trên chính tình hình địa phương theo thời gian thực. Nền tảng còn được liên thông với hệ thống chỉ đạo của Chính phủ và có khả năng mở rộng tích hợp các hệ thống thành phần khi cần thiết.

Hệ thống được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa Nền tảng Phân tích dữ liệu lớn Viettel (Viettel Big Data Analytics Platform – Viettel DAP) của Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel (Viettel AI) và Trung tâm Điều hành Thông minh (Viettel IOC) do Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel phát triển. Cả 2 doanh nghiệp đều là thành viên Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).

Việc được TP.HCM - thành phố lớn nhất cả nước, lựa chọn là đối tác xây dựng “bộ não số” là một minh chứng cho thấy năng lực của Viettel trong công cuộc kiến tạo xã hội số.

Ông Hoàng Tuấn Minh - Phó Giám đốc Khối Nền tảng Phân tích dữ liệu lớn, Viettel AI, cho biết: “Hệ thống tại TP.HCM có thể tạo nên một xu hướng mới về phát triển Chính quyền số ở các tỉnh lân cận và trên cả nước. Nhiều tỉnh/TP, các cơ quan ban ngành đã thăm quan và học tập mô hình triển khai của TP.HCM, mở ra tiềm năng cho sản phẩm Viettel DAP mở rộng mô hình này trong tương lai gần”.

Với giải pháp mà chính người Việt Nam hoàn toàn làm chủ về mặt công nghệ, những con số vô hồn đã có thể kể được câu chuyện lớn phía sau. Và ý nghĩa của những câu chuyện đó sẽ đặc biệt lớn nếu Hệ thống quản trị thực thi TP.HCM trên nền tảng số có thể đóng góp tăng trưởng 1% mỗi năm - mức khiêm tốn nhất mà lãnh đạo thành phố kỳ vọng. Với quy mô GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) đạt khoảng 65,5 tỷ USD năm 2023, kinh tế TP.HCM chiếm khoảng 15,5% GDP của cả nước. Như vậy, mỗi điểm phần trăm tăng trưởng GRDP của TP sẽ đóng góp 0,15% tăng thêm của GDP cả nước.

Khát vọng làm chủ công nghệ xây dựng hạ tầng dữ liệu số của Việt Nam

Viettel DAP là nền tảng quản lý và phân tích dữ liệu đầu tiên được phát triển bởi người Việt, cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam với mức chi phí phù hợp hơn rất nhiều so với các nền tảng nước ngoài.

Từ những số liệu được thu thập và đồng nhất, Viettel DAP có thể dự báo và phân tích rủi ro, phát hiện bất thường trong quản lý, từ đó đưa ra đề xuất giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình, tối ưu hóa lưu trữ và nâng cao năng suất lao động. Với đồ thị trực quan giúp người sử dụng dễ dàng theo dõi, Viettel DAP cũng thay thế loạt công cụ khác trong quản trị và phân tích dữ liệu.

Để Viettel DAP có thể gia tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm từ các đối thủ hàng đầu thế giới trên chính sân nhà, Viettel AI đang tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản phẩm. Ông Hoàng Tuấn Minh cho biết: “Việc áp dụng AI vào quản trị dữ liệu sẽ mang lại lời giải cho những vấn đề và khó khăn mà hiện nay các doanh nghiệp, tổ chức đang gặp phải trong quá trình quản trị dữ liệu”.



Cụ thể, AI sẽ giúp tổ chức giảm chi phí khai thác hiệu quả dữ liệu thông qua các ứng dụng như tự động biểu diễn dữ liệu theo mệnh lệnh (Text-to-Dashboard); tự động hóa các quy trình quản trị và phân tích dữ liệu; trợ lý ảo giúp đơn giản hoá kênh giao tiếp nhưng tăng cường hiệu quả chỉ thông qua 1 mệnh lệnh đơn giản.

Bên cạnh đó, Viettel AI tiếp tục tập trung vào phát triển mảng phân tích dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud Data Management) để bắt kịp với xu hướng chung của thế giới cũng như giúp sản phẩm tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn.

Trong một dự báo, Cloud Data Management sẽ có quy mô thị trường lên tới 137,31 tỷ USD vào năm 2030. Riêng tại châu Á, con số này là 48,06 tỷ USD. Với thị trường Việt Nam, dù tốc độ tăng trưởng trong mảng Cloud Data Management không cao như các khu vực dẫn đầu nhưng vẫn được dự đoán ở mức 0,44 tỷ USD, tương đương 11.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tiềm năng phát triển Viettel DAP ở Việt Nam còn đứng trước nhiều cơ hội. Theo Chiến lược xây dựng hạ tầng số quốc gia, đến năm 2025, 100% cơ quan chính phủ sẽ sử dụng điện toán đám mây. Trên phương diện doanh nghiệp, con số này là 70%. Trong khi luật An ninh mạng (Nghị định 53) quy định dữ liệu người dùng phải được lưu trữ tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030, trong đó nêu rõ “Phát triển thị trường dữ liệu, hoàn thành thí điểm, thử nghiệm 5 sàn giao dịch dữ liệu tạo môi trường mua bán, trao đổi dữ liệu có sự giám sát đảm bảo an toàn, tuân thủ quy định của pháp luật”. Định hướng này sẽ trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng phân tích dữ liệu trong các nhu cầu thực tiễn; và việc triển khai những hệ thống như DAP sẽ là các viên gạch góp phần hiện thực hóa định hướng này.

Tuy nhiên, Viettel DAP cũng còn nhiều chướng ngại cần vượt qua. Mức độ trưởng thành số của các tổ chức tại Việt Nam còn thấp nên việc nhận thức rõ giá trị của quản trị dữ liệu là một vấn đề không dễ, sau đó mới đến việc triển khai ứng dụng. Thế nhưng, câu chuyện của Hệ thống quản trị thực thi TP.HCM sẽ là một ví dụ sống cho hiệu quả của việc quan tâm sớm đến dữ liệu, giúp thúc đẩy kiến tạo tương lai số cho đất nước.

Tin liên quan
Tin khác