Tại lễ công bố điều chỉnh quy hoạch KKT mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050; 15 năm thành lập Thaco-Chu Lai, khi nói đến đoạn này, ông Trần Bá Dương đã nghẹn lời:
“Năm 2003, Chu Lai là vùng đất nghèo, còn hoang sơ và Thaco chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh và sửa chữa ô tô tại Đồng Nai, bản thân tôi chỉ mơ ước là làm kinh tế cho gia đình và lo cuộc sống cho 300 anh chị em cộng sự. Sau 15 năm đầu tư tại Chu Lai, Thaco đã trở thành tập đoàn tư nhân hàng đầu tại Việt Nam và tôi cũng đã trở thành một doanh nhân lớn của đất nước. Có thể nói 15 năm Chu Lai là giai đoạn vươn mình trưởng thành của Thaco và cuộc đời doanh nhân của tôi”.
Ông Trần Bá Dương xúc động khi nói về hành trình 15 năm đặt chân đến Chu Lai |
Đó là những câu từ ngắn gọn, súc tích của tỷ Phú Trần Bá Dương nhưng chứa đựng trong đó là quá trình miệt mài vượt qua khó khăn để đến với những thành công được đan xen bằng những xúc cảm khó ai có thể cảm nhận hết. Và khi, giọng ông chùng xuống, như nghẹn lại, thì tất cả mọi người trong hội trường bỗng lặng im, như để cảm nhận và chia sẻ. Và rồi, những tràng pháo tay vang lên trong hội trường, những tràng pháo tay vang dội khi những giọt nước mắt rơi, nước mắt của niềm kiêu hãnh, của thành công và tự hào!
Để rồi, ghi nhận những đóng góp của THACO sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gọi ông một cách gần gũi: “Phát biểu của ông Trần Bá Dương, kĩ sư ô tô đã nói lên sự thành công, trọn vẹn. Tại Chu Lai đã tìm thấy giá trị gia tăng mới trên thị trường định hướng XHCN”.
Ghi nhận những thành quả mà THACO đem lại cho Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Chủ tịch THACO Trần Bá Dương món quà ý nghĩa. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khơi gợi lại kỉ niệm: “Khi chúng tôi vào thuyết phục anh Dương đi (đến đầu tư tại Chu Lai), chị vợ anh Dương, chị Hoa (Viên Diệu Hoa-PV), hôm nay cũng có mặt ở đây đã khóc nhiều nhất. Chôn những thùng vàng dưới đất để bắt đầu cuộc sống, nhưng lại móc thùng vàng lên để đầu tư vào đây. 5 giờ sáng đã đi đến Quảng Nam xa xôi hẻo lánh. Chính vai trò ấy của người vợ đã thúc đẩy vai trò người chồng thành công”. “Hôm nay, không chỉ cảm ơn Trần Bá Dương mà cả cảm ơn chị Hoa, vợ anh Dương nữa” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ngừng nói, tiếng vỗ tay tán thưởng vang dội cả hội trường.
“15 năm trước, vào năm 2003, cũng tại chính địa điểm này, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai và Thaco khởi công xây dựng nhà máy xe tải, bus có công suất 25.000 xe/năm, diện tích 38 ha, tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng, là nhà máy đầu tiên tại Khu kinh tế mở Chu Lai”- ông Trần Bá Dương nhắc lại.
15 năm sau, cũng tại Chu Lai, Thaco mở rộng đầu tư 32 công ty, nhà máy, 1 tổ hợp cơ khí, trường cao đẳng nghề, hệ thống logictics với tổng vốn đầu tư trên 80.500 tỷ đồng và được chia thành 2 khu: Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai - Trường Hải và Khu cảng và hậu cần cảng Chu Lai.
Những cá nhân là người lao động của THACO nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những đóng góp cho Chu Lai, cho Quảng Nam |
Chia sẻ về chiến lược đầu tư giai đoạn mới, chủ tịch THACO Trần Bá Dương không dấu diếm: “Tại Chu Lai, Thaco tiếp tục bước vào chu kỳ đầu tư lần thứ 4 với các dự án lớn và có tính động lực: Đầu tư mở rộng khu phức hợp cơ khí ô tô thêm 126 ha và đổi tên thành khu công nghiệp cơ khí và ô tô Thaco - Chu Lai có tổng diện tích 335 ha nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho xe du lịch đạt trên 40% hướng đến xuất khẩu; phát triển thêm cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí thiết bị công nghiệp. Đồng thời triển khai xây dựng ngay Trung tâm R&D tập trung có tổng diện tích 38.6 ha và tổng vốn đầu tư lên đến 800 tỷ đồng với đầy đủ các phần mềm thiết kế, mô phỏng, tính toán động lực học và các máy móc thiết bị thử nghiệm cùng với đường thử lòng chảo và đầy đủ các loại đường địa hình dài 8 km và một số các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô chính yếu.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch THACO (bên trái) nhận Giấy chứng nhận đầu tư từ ông Đinh Văn Thu (Chủ tịch tỉnh Quảng Nam) để bắt đầu cho chu kì đầu tư thứ 4 của THACO tại Khu KTM Chu Lai. |
Bên cạnh đó là đầu tư Khu công nghiệp chuyên nông lâm nghiệp mà chủ lực là trái cây và đồ gỗ xuất khẩu có diện tích 451 ha có tổng vốn đầu tư khoảng 13.800 tỷ đồng được phân kỳ đầu tư trong 5 năm. Ngay trong năm 2019, sẽ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp với công suất thiết kế trên 200.000 tấn/năm và tổng kho bảo quản để xuất khẩu trái cây tươi và các nhà máy sản xuất chế biến trái cây có công suất thiết kế trên 120.000 tấn/năm với các sản phẩm cấp đông, sấy dẻo, nước cốt xuất khẩu với chi phí đầu tư khoảng 3.425 tỷ đồng nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị trái cây khép kín cho Hoàng Anh nông nghiệp Gia Lai tại vùng trồng ở Nam Lào, Tây nguyên và là đầu ra ổn định cho nông dân ở vùng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung; Đầu tư bến cảng nước sâu chiều dài 350m có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn, tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng…