Đầu tư
Chu Lai - đầu tàu phát triển của Quảng Nam
Nguyên Phương - 26/03/2017 08:22
Quay tròn một vòng chiếc bút phản quang, gói gọn vùng Đông Quảng Nam trên bản đồ treo trên tường với màu sắc đánh dấu các mảng phân bố ngành, lĩnh vực đã đầu tư và đang kêu gọi đầu tư, ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai nói vắn tắt, khu vực này với hơn 10.000 ha đất, Quảng Nam dành để thực hiện thành công 6 nhóm dự án chiến lược.

Từ khu kinh tế “ba không”

Nhắc đến Khu kinh tế mở Chu Lai, ông Đỗ Xuân Diện có thể nói cả ngày, say sưa như “lên đồng”, bởi ông tường tận mọi ngõ ngách của khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước này.

Khi mới được thành lập, Chu Lai được mệnh danh là… tất cả đều không, nhưng rõ nhất là “ba không”: không hạ tầng, không nguồn nhân lực và không nguyên liệu. Mặt bằng khi đó là những trảng cát dài, những đụn phi lao và những bụi cây dại mọc bên những hố bom còn lại sau chiến tranh. “Nhưng đó lại là điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng sạch cho các dự án đầu tư. Không những vậy, suất đầu tư làm nhà máy công nghiệp trên nền địa chất này cũng rất thấp”, ông Diện cho biết.

Khu kinh tế mở Chu Lai là khu kinh tế ven biển đầu tiên của tỉnh Quảng Nam, là động lực giúp tỉnh phát triển

Điều này được ông Phạm Văn Tài, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) xác nhận: “Phát triển công nghiệp ô tô bền vững cần nhiều quỹ đất, không chỉ là lắp ráp, mà còn phát triển công nghiệp phụ trợ. Chu Lai có quỹ đất rất tốt, đủ điều kiện để chúng tôi đầu tư sản xuất”.

Theo dõi Chu Lai từ những ngày mới thành lập, cũng đã có lúc nhiều người hoài nghi về mô hình phát triển này. Bởi trên thực tế, giai đoạn đầu kêu gọi đầu tư khi mới thành lập, dự án đến nhiều, sau đó Chu Lai chững lại. Nhưng quan trọng là Chu Lai biết xác định lối đi riêng, đó là tập trung huy động các nguồn lực riêng có, thực hiện cơ chế nhà đầu tư bỏ vốn giải phóng mặt bằng và trừ dần vào tiền thuê đất hàng năm. Đây là cơ chế huy động vốn bên ngoài của Quảng Nam để phát triển kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế mở Chu Lai, trên tinh thần dự án đến đâu xây dựng đến đấy.

Bên cạnh đó, ngay từ khi thành lập, định hướng của Chu Lai đã được xác định là thu hút nhà đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Chính sự lựa chọn này đã giúp Chu Lai vượt qua giai đoạn suy thoái 2007 - 2008 và 2011 - 2012, đặc biệt là năm 2012.

“Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai – khu kinh tế ven biển đầu tiên tại Quảng Nam là một quyết định đúng đắn. Nếu Quảng Nam không có Chu Lai thì kinh tế tỉnh sẽ còn rất khó khăn. Đến nay, khu vực này đã đóng góp hơn 70% ngân sách tỉnh, gần 40% giá trị sản lượng công nghiệp của tỉnh và tạo ra hơn 20.000 việc làm. Chu Lai đã thành công khi trở thành đầu tàu kinh tế của tỉnh và góp phần tạo ra vùng kinh tế động lực miền Trung, gắn liền với sự ra đời và phát triển của nhiều doanh nghiệp, trong đó có Thaco với mục tiêu ghi danh công nghiệp ô tô Việt Nam trên bản đồ thế giới”, ông Diện đánh giá.

Đến bản lề của 6 nhóm dự án chiến lược

Hơn 13 năm trước, khi Khu kinh tế mở Chu Lai mới hình thành, khó ai hình dung được rằng, Chu Lai sẽ được tỉnh Quảng Nam lấy làm bản lề để vạch ra chương trình 6 nhóm dự án chiến lược, quyết định cho Quảng Nam phát triển.

Với tầm nhìn chiến lược, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đang trên đà hiện thực hóa các mục tiêu trên từ hai trục đối xứng: trục tung (theo hướng Đông - Tây, vùng động lực phía Đông và phía Tây đã được quy hoạch); trục hoành theo hướng Bắc - Nam, bằng việc tận dụng các tuyến Quốc lộ 1A, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến đường sắt và đặc biệt tuyến ven biển kéo dài từ Điện Bàn qua Hội An đến cầu Cửa Đại, chạm vào dự án Nam Hội An qua Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ vào Khu kinh tế mở Chu Lai. 

6 nhóm Dự án, chương trình trọng điểm phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai

Nhóm dự án Khu đô thị, dịch vụ Nam Hội An

Nhóm công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô

Nhóm công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ

Nhóm dự án chương trình phát triển công nghiệp sạch và dịch vụ gắn với Sân bay Chu Lai

Nhóm dự án khí - điện và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí

Nhóm chương trình, dự án hệ thống cảng cá và khu neo đậu, tránh bão

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh phác thảo sơ bộ 6 nhóm dự án động lực mà Quảng Nam sẽ dốc lực “đánh lớn” thời gian tới là: nhóm du lịch -  dịch vụ với hạt nhân là Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An; nhóm công nghiệp dệt may - da giày với hạt nhân là Công ty Panko (Hàn Quốc) đã đầu tư 100 triệu USD và đi vào sản xuất tại Khu công nghiệp Tam Thăng; nhóm công nghiệp cơ khí ô tô đa dụng, mà hạt nhân là Chu Lai - Trường Hải; nhóm công nghiệp hàng không với Sân bay Chu Lai là hạt nhân; nhóm dự án khí - điện với hạt nhân là mỏ khí Cá Voi Xanh đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch các nhà máy điện khí tại Chu Lai và Dung Quất. Cuối cùng là nhóm dự án thủy - hải sản mà hạt nhân là Cảng cá Tam Quang...

Theo ông Lê Trí Thanh, vùng Đông là vùng động lực, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đây cũng tăng cường các mối quan hệ liên kết tác động tương hỗ phát triển đối với TP. Đà Nẵng và Tổ hợp công nghiệp Dung Quất với hai khu vực phát triển: phía Bắc là khu vực công nghiệp - du lịch Hội An - Điện Nam - Điện Ngọc; phía Nam là Khu kinh tế mở Chu Lai và TP. Tam Kỳ.

“Để hiện thực hóa phải là một quá trình, phải đủ lượng nhất định thì mới chuyển thành chất. Câu chuyện ở đây giống như chuyện “quả trứng, con gà”, nhưng vấn đề là con gà phải có đủ thời gian để lớn. Và con gà muốn lớn thì cần có thức ăn và người chăm sóc, cũng giống như 6 nhóm dự án này muốn thành công thì cần có nhà đầu tư”, ông Đỗ Xuân Diện lý giải.

Có nhiều căn cứ để những kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vào nhóm dự án này sẽ thành công, khi mà ở mỗi nhóm đã có một hạt nhân tăng trưởng. Từ hạt nhân tăng trưởng này, sẽ có tác động lan tỏa bao trùm, kéo theo sự phát triển các lĩnh vực, ngành khác. Chẳng hạn Sân bay Chu Lai, hiện có nhiều đối tác đang quan tâm đến việc mở rộng, trong đó có Hãng hàng không Vietjet đang làm việc với cơ quan chức năng để tiến hành các bước tiếp theo. Hay như nhóm dự án điện khí đã có Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) đầu tư, nhóm dệt may đã có các nhà đầu tư Hàn Quốc mà “đầu tàu” là Panko...

Tin liên quan
Tin khác