Khai trương Trạm bơm Oxy y tế tại Nhà máy của Công ty cổ phần Thép Tân Thuận. |
Những quyết định hợp tác đặc biệt
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam và những cộng sự của Hội dường như không giây phút nào nghỉ ngơi từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát.
Cuối tuần trước, ông đã thay mặt Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam có mặt tại Công ty cổ phần Thép Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) cùng ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng giám đốc Nhà máy Thép Tân Thuận khai trương Trạm bơm Oxy y tế ngay tại Nhà máy. Hai ông hẳn sẽ nhớ ngày đặc biệt này, khi 3.000 - 4.000 bệnh nhân Covid-19 mỗi ngày sẽ được hỗ trợ oxy từ Trạm có công suất 500 bình dung tích 40 lít hoặc 2.000 bình 10 lít mỗi ngày.
Mới 2 tháng trước, khi quyết định ngừng các xưởng sản xuất oxy công nghiệp do ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, ông Sơn không nghĩ có thể mở lại hoạt động theo một cách có ý nghĩa như vậy.
“Khi đợt dịch thứ tư chuyển biến xấu ở TP.HCM và khu vực các tỉnh phía Nam, chúng tôi đã tính tới việc chuyển đổi sang sản xuất oxy y tế. Nhưng, điều kiện giãn cách, thiết hụt nhân lực, thiếu hụt nguồn vỏ bình khiến kế hoạch không thực hiện được. Rất may là, khi đó, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phát động Chương trình ATM oxy. Chúng tôi có cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp tham gia Chương trình có thể hỗ trợ nguồn bình, hỗ trợ vận chuyển. Chúng tôi quyết định kết hợp với nhau”, ông Sơn kể trong ngày trở lại hoạt động của xưởng sản xuất oxy.
Toàn bộ nguồn khí oxy y tế trị giá gần 2 tỷ đồng/tháng này sẽ được Thép Tân Thuận tài trợ cho Chương trình ATM oxy.
Có thể, đây không phải là trạm bơm oxy y tế duy nhất được chuyển đổi từ phân xưởng oxy trong các nhà máy thép cơ khí. Và đây cũng không phải là quyết định hợp tác đặc biệt duy nhất vào thời điểm này.
Trước buổi khai trương Trạm bơm Oxy y tế của Thép Tân Thuận 1 ngày, ông Đặng Hồng Anh đã tới Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), trao 100 suất tiền lương hỗ trợ các F0 khỏi bệnh, tự nguyện quay trở lại bệnh viện, tham gia vào các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 đang điều trị. Đây là những thành viên của Chương trình ATM F0 mà Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam vừa khởi xướng hơn 10 ngày trước. Họ sẽ được hỗ trợ 6 - 8 triệu đồng/tháng để trang trải sinh hoạt phí. Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam sẽ lo phần kinh phí này, huy động từ các hội viên, doanh nghiệp trên cả nước.
Tính đết hết tháng 8/2021, đã có 300 F0 khỏi bệnh đăng ký tham gia Chương trình, 165 người đã bắt tay vào công việc.
Sự hiện diện... bình thường mới
Chỉ tính riêng các hoạt động vì cộng đồng mà Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam khởi xướng, phát động, con số đã lên tới hàng chục. Từ các chương trình ATM gạo, ATM oxy, ATM F0 và mới nhất là ATM tủ thuốc..., đến các hoạt động hỗ trợ thiết bị, vật phẩm y tế, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu qua mô hình siêu thị 0 đồng, tham gia đóng góp vào Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 của Trung ương và các tỉnh, thành phố.
PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Tất nhiên, đây chỉ là một ví dụ điển hình trong vô vàn hoạt động vì cộng đồng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong cả năm qua, khi Covid-19 xuất hiện.
“Phải biết rằng, nhiều doanh nghiệp đang góp công, góp của cho cuộc chiến chống dịch bệnh đang thua lỗ, phải vay nợ ngân hàng, đang cố gắng gồng gánh để giữ đơn hàng, có tiền trả lương công nhân...”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ khi trao đổi về “sự hiện diện bình thường mới” của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế.
Tình trạng này có thể thấy ngay trong số liệu thống kê tình hình doanh nghiệp vừa được Tổng cục Thống kê công bố vài ngày trước. Theo đó, trong 8 tháng/2021, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng có 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Trong số các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn.
Nhưng, điều ông Lộc muốn nhắc đến lại là những ưu tiên trong các khuyến nghị, đề xuất từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp được gửi tới VCCI. Đó là đề xuất bỏ chi phí để tiêm vắc-xin cho người lao động, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa do các quy định kiểm soát dịch bệnh không thống nhất... và đặc biệt là thiết lập các quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí để doanh nghiệp chủ động tổ chức các mô hình sản xuất an toàn, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa giữ tâm lý ổn định cho người lao động...
“Tôi vẫn nhớ cuộc làm việc trực tuyến liên tục giữa VCCI và đại diện các hiệp hội trước khi Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp vào đầu tháng 8/2021 diễn ra, có hôm tới 10 giờ đêm. Kết quả là bản đề xuất mô hình tổ chức sản xuất an toàn trong các nhà máy mà tôi đã thay mặt doanh nghiệp gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Các doanh nghiệp hiểu cần phải làm gì, đề xuất hỗ trợ, phối hợp từ các bộ, ngành, chính quyền địa phương khi dịch bệnh buộc cả doanh nghiệp và nền kinh tế phải tính tới cảnh sống chung với Covid-19”, ông Lộc kể.
Tất nhiên, doanh nghiệp vẫn rất cần các giải pháp hỗ trợ để giảm chi phí hoạt động, như giảm thuế, phí, các khoản phải nộp..., nhưng điều họ đau đáu hơn cả là một không gian quy định công khai, minh bạch, không gian ứng xử chính sách thống nhất để doanh nghiệp chủ động tìm con đường vượt qua dịch bệnh, trong đó có thể có quyết định dừng hoạt động không còn phù hợp, chuyển nguồn lực sang những ngành, lĩnh vực mà nền kinh tế đang cần.
Mục tiêu mà các doanh nghiệp mong muốn là không để đứt gãy lao động, đứt gãy sản xuất, đứt gãy lưu thông, để từ đó giữ vững vị trí đã xác lập trong các chuỗi sản xuất toàn cầu.
“Trong giai đoạn hiện nay, vai trò “rường cột” của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế được thể hiện rất rõ ràng. Đó là tinh thần dân tộc, tinh thần yêu thương và chia sẻ của đội ngũ doanh nhân Việt dành cho Tổ quốc”, ông Lộc nhấn mạnh.
Thế hệ doanh nghiệp phụng sự
Trong đánh giá của PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khu vực doanh nghiệp tư nhân không chỉ thể hiện vai trò “rường cột”, mà còn được gọi là những cứu tinh của nền kinh tế.
“Cứ mỗi lần nền kinh tế khủng hoảng, khó khăn, cần xoay chuyển tình thế, doanh nghiệp tư nhân lại trỗi dậy mạnh mẽ, thực hiện sứ mệnh này”, ông Thiên chia sẻ nhận định khi nhìn vào giai đoạn những năm 1986, 1999 - 2000, 2007 - 2008...
Cả giai đoạn hiện tại, khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ông Thiên tiếp tục nhìn thấy “nét vẽ lớn trong nền kinh tế” khi nhiều doanh nghiệp Việt chọn đi đầu trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ, trong thiết lập chuỗi cung ứng sản xuất mới và cả trong khởi nghiệp sáng tạo, như VinFast đặt tham vọng bán ô tô điện ở Mỹ, FPT và Sovico chung tay giải quyết bài toán quá tải hệ thống của HoSE... và cả sự có mặt của doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 đang mở ra cơ hội đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vắc-xin của khu vực...
Chính sự lựa chọn theo hướng phụng sự xã hội, phụng sự đất nước của thế hệ doanh nhân hiện tại đang làm thay đổi sự hiện diện của không chỉ doanh nghiệp, mà cả nền kinh tế Việt Nam với thế giới.
Một Việt Nam hội nhập, chứ không còn là mở cửa với thế giới, với một thế hệ doanh nghiệp đông đảo, tự chủ và năng lực chống chịu những cú sốc... ngày càng mạnh mẽ.