Viễn thông - Công nghệ
Khi kỳ lân công nghệ “trầy vi, tróc vảy”
Tú Ân - 07/05/2024 08:41
Không chỉ các kỳ lân công nghệ của Việt Nam, mà nhiều kỳ lân công nghệ thế giới hiện diện tại Việt Nam cũng đang gặp khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Các kỳ lân công nghệ đang trải qua giai đoạn khó khăn khi thua lỗ hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: Đức Thanh

Lỗ khủng

Số liệu mới nhất từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 3.800 start-up, trong đó 11 start-up được định giá trên 100 triệu USD (Tiki, Topica Edtech...) và 3 start-up được định giá trên 1 tỷ USD (VNG, VNLife, MoMo). Hiện có 208 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động và đầu tư cho các start-up tại Việt Nam, trong đó gần 40 quỹ đầu tư nội địa. Việt Nam đứng thứ ba khu vực về số các thương vụ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (sau Indonesia và Singapore).

Trong giai đoạn khó khăn của “mùa đông công nghệ”, “cơn bão sa thải” và những biến động mạnh về địa chính trị, kinh tế thế giới, các kỳ lân công nghệ của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Tại VNG, báo cáo tài chính năm 2023 ghi nhận lỗ ròng cả năm hơn 756 tỷ đồng, trong đó lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ 540 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, VNG báo lỗ. Mặc dù khoản lỗ đã được thu hẹp đáng kể so với năm 2022, nhưng không đủ để VNG hoàn thành mục tiêu giảm lỗ ròng về 378 tỷ đồng.

Đầu năm 2024, VNG rút hồ sơ IPO tại Mỹ, không tiến hành chào bán cổ phiếu ra công chúng ở thời điểm hiện tại và “có kế hoạch nộp đơn trong tương lai gần”.

“Tôi muốn VNG thực hiện IPO ở vị thế vững chắc và có cơ hội tăng giá tốt sau khi lên sàn. Bất chấp tình hình vĩ mô đầy thách thức của năm 2023, tất cả hoạt động kinh doanh đều phát triển tốt và công ty đang nhìn thấy những cơ hội lớn trong nỗ lực toàn cầu và AI của mình. Tôi có niềm tin chắc chắn rằng, chúng tôi có thể quay trở lại thị trường Mỹ trong tương lai gần”, ông Lê Hồng Minh, CEO VNG cho biết.

Còn MoMo, sau khi nhận số tiền đầu tư 200 triệu USD ở vòng gọi vốn thứ 5 (Series E), gián tiếp xác định giá trị Công ty vượt mốc 2 tỷ USD, liên tục đầu tư mở rộng thị trường, chiếm lĩnh khách hàng. Cùng với đó, MoMo thâu tóm hàng loạt start-up, công ty chứng khoán. MoMo hiện có 31 triệu người dùng ví điện tử và trở thành siêu ứng dụng với hơn 200 dịch vụ trên nhiều lĩnh vực như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, giải trí, thương mại điện tử, ăn uống… MoMo có 71,214% vốn điều lệ được sở hữu bởi các đối tác ngoại. Dù vậy, tình hình kinh doanh của MoMo vẫn là ẩn số sau khi trở thành kỳ lân. Trước đó, kết thúc năm 2021, mức lỗ của MoMo là hơn 880 tỷ đồng.

Tương tự kỳ lân Việt, các kỳ lân công nghệ thế giới đang hiện diện, kinh doanh tại Việt Nam cũng trải qua giai đoạn khó khăn. Grab, Gojek bị Xanh SM lấn lướt, giành thị phần một cách nhanh chóng. Trong khi đó, Shopee, Lazada bị Tiktok Shop nhăm nhe vượt mặt… Trong năm 2023, lần lượt 3 kỳ lân là Zoomcar, Atome và Beamin phải dừng cuộc chơi ở thị trường Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau. 

Start-up làm gì để sống sót?

Đó là câu hỏi mà ông Lê Hồng Minh, CEO VNG đặt ra cho nhân viên của mình cách đây không lâu. “Mỗi mùa sinh nhật, chúng tôi đều nói với nhau là, thật may mắn vì chúng ta đã sống sót thêm một năm nữa. Bởi thế, tôi nghĩ rằng, thành công chính là khả năng sống sót và kiên định với mục tiêu của mình”, ông Minh chia sẻ tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo vượt qua thách thức chiến lược cho một Việt Nam chuyển đổi.

Theo ông Minh, để sống sót, bài học đầu tiên của VNG là luôn tìm kiếm các công nghệ mới, nhằm bắt kịp và cố gắng khai thác. Bài học thứ hai là cách doanh nghiệp này đề ra những mục tiêu đơn giản, dễ thực hiện. Bài học thứ 3 là start-up phải biết chấp nhận rủi ro. 

Ông Trần Anh Tùng, Giám đốc điều hành Quỹ VIC Partners cho rằng, rào cản lớn mà các start-up Việt phải đối mặt trong năm 2024 là dòng tiền. Công ty có thể có đội ngũ giỏi và tâm huyết, sản phẩm chất lượng cao, nhưng khi tiền trên thị trường vốn không dồi dào, thì vẫn không thể xây dựng công ty lớn trăm triệu tới tỷ USD.

“Ngoài ra, start-up Việt còn phải đối mặt với rào cản về tâm lý nhà đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài đặt nhiều kỳ vọng vào những thương vụ niêm yết cổ phiếu của các công ty dẫn đầu thị trường như VinFast, VNG, Momo, Golden Gate, VNLife... Tuy nhiên, cho tới hiện tại, đa phần các công ty này chưa đáp ứng được kỳ vọng lớn lao ấy. Mới đây nhất, VNG đã rút đơn phát hành công khai lần đầu (IPO) tại Mỹ. Cho tới thời điểm hiện tại, thị trường Việt Nam vẫn chưa có thương vụ thoái vốn lớn nào được diễn ra khi một công ty công nghệ niêm yết trên sàn (cả trong và ngoài nước), đó cũng là điểm gây ra tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư lớn”, ông Tùng nhận định.

Tương tự, theo ông Louis Nguyễn, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Saigon (SAM), năm 2024 sẽ là năm đầy thách thức với start-up, khi dự báo kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm và định giá cao sẽ không duy trì được. Tuy nhiên, thời kỳ khó khăn sẽ là cơ hội cho các công ty xuất sắc vươn lên, trong khi các công ty yếu sẽ biến mất nếu họ không chuẩn bị cho “cơn bão” một cách đúng đắn. Nhà đầu tư thông minh sẽ tiếp tục săn lùng các thương vụ tốt trong thời kỳ khó khăn vì họ có nhiều đòn bẩy, với tiền mặt có sẵn và định giá của các công ty khởi nghiệp hợp lý hơn.

“Các start-up có cơ hội tái cấu trúc để doanh nghiệp trở nên linh hoạt và hiệu quả, xây dựng khả năng và năng lực, phát triển liên minh với đối tác chiến lược, sáp nhập và mua lại… Các doanh nghiệp dù gặp khó khăn, nhưng nếu có công nghệ độc quyền hoặc danh sách khách hàng lớn vẫn rất hấp dẫn đối với một số nhà đầu tư”, ông Louis Nguyễn nhận xét.

Tin liên quan
Tin khác