Nhiều hành vi "liên minh" đã được các cơ quan thanh tra TP.HCM đưa ra liên quan tới việc góp vốn của các hợp tác xã thành viên thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) và Saigon Co.op.
Luật sư Lưu Văn Tám cho rằng, các nguồn vốn mà các HTX góp vốn, huy động để tăng vốn điều lệ vào Saigon Co.op đều là nguồn vốn hợp pháp. Trong ảnh: Trụ sở Saigon Co.op |
Kết nạp thành viên không trái luật?
Luật sư Lưu Văn Tám (Văn phòng Luật sư Lưu Văn Tám, TP.HCM) cho hay, sau khi kết luận thanh tra của các quận/huyện được công bố, một số HTX thành viên của Saigon Co.op đã đề nghị luật sư tư vấn pháp luật để bảo vệ quyền lợi.
Hầu hết các bản kết luận thanh tra đều có nội dung nhận định và kết luận rằng, mặc dù có các cá nhân không làm việc cho HTX, không có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, nhưng các HTX vẫn kết nạp làm thành viên là không đúng quy định và chưa đúng mục tiêu hoạt động của HTX.
Tuy nhiên, luật sư Lưu Văn Tám lại cho rằng, việc kết nạp thành viên của các HTX không trái quy định, vì theo Điều 7, Điều 8 của Luật Hợp tác xã, thì các HTX, liên hiệp HTX được quyền kết nạp rộng rãi thành viên. Các thành viên khi tham gia vào các HTX thành viên của Saigon Co.op đều có đủ điều kiện để kết nạp và các HTX này kết nạp các cá nhân làm thành viên là đúng quy định tại Điều 13, Luật Hợp tác xã.
Theo luật sư Tám, tại thời điểm kết nạp, không có căn cứ để các HTX xem xét, đánh giá là các cá nhân này “không làm việc cho HTX, không có nhu cầu hợp tác với các thành viên và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX” để các HTX có thể từ chối quyền tham gia HTX của họ.
Vị luật sư này chỉ ra, Điều 16, Luật Hợp tác xã quy định, HTX có quyền chấm dứt tư cách thành viên trong trường hợp: “Thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ, nhưng không quá 3 năm. Đối với HTX tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ, nhưng không quá 2 năm”.
“Đối chiếu với quy định trên và căn cứ Điều lệ của các HTX, thì ngay cả trong trường hợp các thành viên HTX thực hiện chưa đúng quy định trên, thì HTX cũng chưa thể chấm dứt tư cách thành viên của các cá nhân này do chưa hết thời hạn quy định. Việc các thành viên tham gia HTX, sau đó họ làm đơn tự nguyện xin ra khỏi HTX cũng là ý chí cá nhân của họ. HTX không có quyền ngăn cản việc một thành viên xin gia nhập hay chấm dứt tư cách thành viên HTX nếu họ thực hiện đúng quy định của pháp luật”, luật sư Tám phân tích.
Tóm lại, luật sư Lưu Văn Tám cho rằng, việc các HTX thành viên của Saigon Co.op kết nạp, chấm dứt tư cách thành viên của HTX trong thời gian vừa qua là đúng với quy định của pháp luật, không trái pháp luật như các kết luận thanh tra đã nêu.
Góp vốn vào Saigon Co.op cũng... không sai?
Đây là vấn đề cốt lõi của vụ việc. Các kết luận thanh tra cho rằng, việc huy động vốn của các HTX thành viên của Saigon Co.op không phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trực tiếp tại HTX. Nguồn vốn góp của các thành viên tham gia góp vốn không phải của chính cá nhân, mà của tổ chức hoặc cá nhân bên ngoài. Do đó, việc làm này là lợi dụng danh nghĩa thành viên HTX để góp vốn nhằm mục đích tăng vốn điều lệ cho Saigon Co.op.
Theo Kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM công bố tháng 7/2020, thì sự tăng vốn điều lệ tại Saigon Co.op hơn 3.597 tỷ đồng trong thời gian ngắn là quá nhanh, sẽ dẫn tới nguy cơ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động.
Liên quan nội dung này, luật sư Lưu Văn Tám thông tin, ngày 6/7/2019, Saigon Co.op đã tổ chức Đại hội Thành viên và thông qua Nghị quyết số 11/NQ-ĐHTV với nội dung: Saigon Co.op chủ trương tăng vốn điều lệ từ các HTX thành viên để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op đã ban hành Thông báo số 660/TB-LH, ngày 12/12/2019 gửi tất cả HTX thành viên, thông báo có nhu cầu tăng vốn điều lệ khoảng 4.000 tỷ đồng, nguồn vốn được huy động từ các HTX thành viên, phần thiếu hụt sẽ được huy động từ các nguồn lực xã hội khác.
“Các HTX góp vốn, huy động vốn từ các thành viên HTX và từ các nguồn lực xã hội khác (các tổ chức kinh tế) góp vốn vào Saigon Co.op là để đầu tư, mà hoạt động đầu tư cũng là hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX”, luật sư Tám lý luận.
Luật sư Tám còn cho rằng, các nguồn vốn mà các HTX góp vốn, huy động để tăng vốn điều lệ vào Saigon Co.op đều là nguồn vốn hợp pháp, đã được Thanh tra và Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM xác minh, làm rõ nguồn gốc, mục đích góp vốn, chưa phát hiện có sai phạm.
Từ đó, luật sư nhận tư vấn pháp lý cho các HTX thành viên của Saigon Co.op khẳng định: “Đây không phải là hành vi lợi dụng danh nghĩa thành viên Saigon Co.op và danh nghĩa HTX để góp vốn, tăng vốn điều lệ vào Saigon Co.op như nội dung nêu tại một số kết luận thanh tra của các quận, huyện”.
Chuyển hồ sơ công an là… hình sự hóa quan hệ dân sự?
Tại kết luận thanh tra, một số UBND quận/huyện của TP.HCM kiến nghị chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra, làm rõ nguồn gốc, động cơ, mục đích góp vốn của những cá nhân góp vốn vào HTX; làm rõ mục đích của nhà đầu tư thông qua thành viên HTX để góp vốn vào Saigon Co.op; làm rõ HTX và các cá nhân có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa HTX góp vốn, tăng vốn điều lệ và huy động vốn để góp vốn điều lệ vào Saigon Co.op trái pháp luật…
Về nội dung này, luật sư Lưu Văn Tám cho rằng, có một số HTX có hành vi vi phạm hành chính về thủ tục theo quy định của Luật Hợp tác xã (như việc năm 2020, một số HTX có hành vi đăng ký không trung thực, không chính xác những thay đổi nội dung đăng ký HTX), thì đã được UBND các quận/huyện xử phạt vi phạm hành chính và các HTX đã chấp hành, thực hiện, khắc phục hậu quả. Vì vậy, việc chuyển hồ sơ cho công an điều tra là không có căn cứ, vì cùng một hành vi, cùng một sự việc, nhưng HTX vừa bị xem xét, xử lý về hành chính, vừa bị xem xét, đề nghị xử lý về hình sự là không đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo vị luật sư tư vấn pháp lý cho các HTX thành viên của Saigon Co.op, nội dung biên bản, nghị quyết đại hội thành viên của các HTX thể hiện đầy đủ ý chí của tập thể thành viên, là thỏa thuận tự nguyện, tự chịu trách nhiệm của HTX. Các thỏa thuận tại đại hội thành viên được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật dân sự. Cho đến nay, toàn bộ thỏa thuận dân sự này (các nghị quyết đại hội thành viên) tại các HTX đều được các thành viên HTX đồng ý, không khiếu nại và tranh chấp, nên “không có căn cứ cho thấy lãnh đạo các HTX lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tổ chức đại hội thành viên trái pháp luật…”.
“Mặt khác, theo quy định của Luật Hợp tác xã, công việc tổ chức đại hội thành viên là công việc nội bộ của HTX. Đây là quan hệ dân sự, là quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các thành viên HTX. Cơ quan nhà nước không can thiệp vào các quan hệ dân sự có tính chất nội bộ của HTX khi họ không có yêu cầu (không có tranh chấp, khiếu nại, khởi kiện nhau giữa các thành viên)”, luật sư Tám nêu.
Luật sư này viện dẫn tiếp quy định của Bộ luật Hình sự, về chủ thể, các HTX là tổ chức kinh tế tập thể, nguồn vốn góp là của các cá nhân, HTX hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước để nhận định: “HTX cũng không phải là chủ thể bị xem xét, xử lý về hình sự”.
Từ đó, luật sư Tám cho rằng, việc một số kết luận thanh tra có nội dung tiếp tục chuyển hồ sơ vụ việc cho công an quận/huyện xem xét, xử lý khi đã có căn cứ xác định là các HTX chỉ có hành vi vi phạm về hành chính, hoàn toàn không có dấu hiệu của tội phạm, không có dấu hiệu hình sự là chuyển hồ sơ không đúng quy định và “có dấu hiệu của việc hình sự hóa quan hệ pháp luật hành chính, dân sự”.
Vụ việc trên vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ và phân xử đúng - sai.