Điểm nóng
Khi tổ chức tội phạm Trương Mỹ Lan “tung hoành” - Bài 3: “Độc chiêu” rửa tiền và vận chuyển tiền qua biên giới
Ngô Nguyên - 15/06/2024 08:25
Trương Mỹ Lan “rửa” 445.000 tỷ đồng, gần bằng số thu ngân sách năm 2023 của TP.HCM và gấp 4,5 lần Hải Phòng; vận chuyển trái phép qua biên giới 4,5 tỷ USD, lớn hơn số thu ngân sách của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và gấp đôi tỉnh Quảng Ninh.
Thao túng SCB, chi phối công ty chứng khoán, bắt tay công ty kiểm toán, lập 1.470 công ty trong và ngoài nước với hơn 1.800 cá nhân đứng tên để “phân vai”, Trương Mỹ Lan đã hình thành một “dây chuyền” lừa đảo trái phiếu khép kín. Sau chiếm đoạt tiền, tổ chức tội phạm này còn dùng nhiều độc chiêu rửa tiền với con số khủng khiếp lên tới hơn 445.000 tỷ đồng, vận chuyển hơn 106.000 tỷ đồng qua biên giới.

Bài 3: “Độc chiêu” rửa tiền và vận chuyển tiền qua biên giới

Trong hơn 445.000 tỷ đồng được Trương Mỹ Lan “rửa” có cả tiền thu từ trái phiếu và tiền tham ô tại SCB.

Những con số “khủng khiếp”

Cụ thể, sau khi cho 4 công ty phát hành 25 mã trái phiếu “khống” trong 3 năm (2018, 2019, 2020) để bán cho nhà đầu tư thứ cấp, “băng nhóm” Trương Mỹ Lan đã thu về hơn 30.000 tỷ đồng.

SCB từng được đặt tại trụ sở của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Để rửa và rút số tiền này, “bà trùm” giao Nguyễn Phương Hồng (Thành viên HĐQT Vạn Thịnh Phát, nguyên Phó tổng giám đốc SCB) trực tiếp điều hành, quản lý và theo dõi việc sử dụng tiền chi cho nhiều mục đích hoạt động của Tập đoàn và cá nhân. Trong đó, các mục đích chi chiếm tỷ trọng lớn là: chuyển cho các tổ chức tín dụng (Techcombank, Agribank, Lienvietpostbank, SHB, MSB...) để tất toán các khoản vay của các cá nhân, tổ chức thuộc Tập đoàn; trả nợ vay mượn các cá nhân, trả lãi trái phiếu đến hạn, chăm sóc khách hàng, chi tất toán các thẻ tín dụng của người nhà, rót tiền mặt sử dụng...

Vẫn kê biên tài sản người phạm tội đã chết

Theo C03, Nguyễn Phương Hồng (nguyên Phó tổng giám đốc SCB), Nguyễn Tiến Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc TVSI) và Nguyễn Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) dù đã chết, song được xác định phạm vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vì vậy, C03 đã kê biên 2,5 triệu cổ phần tại TVSI; thu giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng ngăn chặn giao dịch số dư hơn 85 triệu đồng đối với bà Nguyễn Phương Hồng; ngăn chặn giao dịch hơn 8,7 triệu cổ phần TVSI cùng hơn 386 triệu đồng trong tài khoản ông Nguyễn Tiến Thành; ngăn chặn giao dịch hơn 9,1 tỷ đồng trong 3 tài khoản ngân hàng mang tên ông Nguyễn Ngọc Dương; ngăn chặn giao dịch tổng số dư hơn 50 tỷ đồng trong các tài khoản mang tên con trai của ông Dương; tiếp tục giữ 216 miếng kim loại màu vàng, giấy tờ liên quan đến 3 nhà đất tại TP.HCM, tỉnh Long An và 6 sổ tiết kiệm đứng tên ông Dương.

Khi cần tiền để sử dụng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo lái xe của mình là Bùi Văn Dũng đến SCB Chi nhánh Sài Gòn để nhận tiền.

Trước đó, Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung đã liên hệ với Nguyễn Phương Anh để lập danh sách pháp nhân, cá nhân nhận tiền, rút tiền, đồng thời chỉ đạo Thái Thị Thanh Thảo, Giám đốc Phòng Dịch vụ khách hàng Wholesale (SCB Chi nhánh Sài Gòn) phối hợp với Nguyễn Phương Anh thực hiện.

Nguyễn Phương Anh chuyển cho Thái Thị Thanh Thảo danh sách 180 cá nhân đứng tên ký chứng từ tại SCB, đứng tên các giám đốc của các công ty thuê, được thuê ký các hợp đồng khống và các chứng từ, thủ tục để hoàn tất nghiệp vụ rút tiền mặt. 180 người này đều là lao động tự do được thuê đứng tên cổ phần, vốn góp, giám đốc, kế toán trưởng các công ty “ma” của Vạn Thịnh Phát.

Tiếp đó, Nguyễn Phương Anh chỉ đạo các nhân viên kế toán được giao quản lý các công ty “ma” trong nhóm lập chứng từ (ủy nhiệm chi, giấy rút tiền...), hẹn 180 người nêu trên đến ngân hàng để ký chứng từ.

Sau khi những người này ký xong và ra về, Trần Thị Thúy Ái (kiểm soát viên ngân quỹ SCB Chi nhánh Sài Gòn) xuất tiền mặt khỏi quỹ giao cho Bùi Văn Dũng. Dũng vận chuyển số tiền này về tòa nhà Sherwood (số 127 - Pateur, quận 3, TP.HCM) cho Trương Mỹ Lan và giao cho Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của Trương Mỹ Lan) để giao tiền cho người nhận theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan; hoặc vận chuyển tiền về “tổng hành dinh” Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (số 193-203, Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM) chuyển tiền trực tiếp cho các cá nhân theo chỉ đạo của “bà trùm”.

Khi chưa cần sử dụng ngay tiền mặt, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trần Thị Mỹ Dung phối hợp với Nguyễn Phương Anh sử dụng các pháp nhân/cá nhân mở tài khoản tại SCB để nhận tiền, chuyển tiền từ các công ty được giải ngân đến tài khoản của các pháp nhân, cá nhân này, lúc cần sử dụng sẽ lập ra các phương án chuyển tiền lòng vòng giữa các tài khoản, cuối cùng đến tài khoản chỉ định để Trương Mỹ Lan sử dụng.

Theo cuốn sổ tay “chết người” của Bùi Văn Dũng, thì từ ngày 26/2/2019 đến ngày 12/9/2022, thực hiện chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Dũng đã nhận, vận chuyển tiền từ SCB về giao cho Trần Thị Hoàng Uyên, Trần Xuân Phượng và một số cá nhân khác theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan là 108.878 tỷ đồng và hơn 14.757 USD.

Trong đó, cơ quan điều tra xác định được, Bùi Văn Dũng đã nhận hơn 1.100 tỷ đồng có nguồn gốc từ trái phiếu Công ty An Đông và Công ty Setra, rồi chuyển cho Trần Thị Hoàng Uyên 593,87 tỷ đồng (gồm: 450,07 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Setra và 143,8 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Đông); giao cho Trần Xuân Phượng hơn 325 tỷ đồng (từ nguồn trái phiếu An Đông).

Kết quả rà soát của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác định, từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2020, hơn 30.000 tỷ đồng thu được từ việc bán trái phiếu trộn lẫn với nhiều khoản tiền khác (từ nguồn vay SCB, các ngân hàng khác; vay, mượn các cá nhân, tổ chức...) tạo thành nguồn tiền trên 61.750 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan điều tra bóc tách được hơn 11.171 tỷ đồng từ nguồn tiền bán trái phiếu (gồm cả hơn 1.100 tỷ đồng mà lái xe Dũng chở về). Còn lại trên 50.579 tỷ đồng là dòng tiền trộn lẫn, không thể bóc tách rõ giữa nguồn trái phiếu với các nguồn khác.

Cũng với chiêu thức trên, Trương Mỹ Lan còn “rửa” thành công hơn 415.000 tỷ đồng tham ô tại SCB. Số tiền khủng khiếp này được giải ngân qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân theo phương án vay vốn khống, hoặc chuyển tiền lòng vòng giữa các tài khoản nhằm cắt đứt dấu vết dòng tiền rồi mới rút để sử dụng.

Tiền rửa được để… mua USD, tuồn ra nước ngoài

Số tiền hơn 415.000 tỷ đồng trên được Trương Mỹ Lan chia thành 3 khoản chính để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

Khoản thứ nhất là 255.336 tỷ đồng, Trương Mỹ Lan dùng chi trả các khoản vay của Vạn Thịnh Phát tại SCB 182.302 tỷ đồng; thực hiện dự án 1.841 tỷ đồng; rút tiền chuyển cho các cá nhân 15.143 tỷ đồng; trả các khoản nợ của Vạn Thịnh Phát tại ngân hàng khác ngoài SCB 5.618 tỷ đồng; trả gốc và lãi trái phiếu của các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát đã phát hành 1.645 tỷ đồng; chuyển cho SCB Chi nhánh Cầu Giấy 356 tỷ đồng (chủ yếu để mua USD); chi trả nợ giữa các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát vay mượn nhau, thanh toán khoản trả phí, chuyển vào tài khoản chờ khi cần rút ra sử dụng 48.430 tỷ đồng.

Khoản thứ hai, Trương Mỹ Lan chỉ đạo chuyển tiền ra nước ngoài tổng số tiền 32.094 tỷ đồng của 29 giao dịch liên quan 9 công ty thuộc Vạn Thịnh Phát, giao dịch được thực hiện tại SCB.

Còn lại 128.234 tỷ đồng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhân viên sử dụng cho các mục đích khác.

Lập hợp đồng khống để chuyển tiền quốc tế

Để chuyển được tiền ra nước ngoài, trong số 1.470 công ty (gồm cả công ty “ma”) lập ra, Trương Mỹ Lan “phân vai” cho 85 công ty có nhiệm vụ chuyển tiền từ Việt Nam đi nước ngoài và 63 công ty nhận tiền từ các công ty nước ngoài chuyển về Việt Nam thông qua SCB.

Từ chỉ đạo của “bà trùm”, “tay chân” tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phối hợp với SCB chuyển tiền quốc tế, thông qua việc lập khống các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, hợp đồng vay tiền, hợp đồng tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và các công ty ở nước ngoài.

Việc chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài được thực hiện tại 3 chi nhánh của SCB, gồm Chi nhánh Sài Gòn, Chi nhánh Cống Quỳnh và Chi nhánh Bến Thành.

Các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài nói trên không đủ điều kiện, thủ tục, như thiếu văn bản xác nhận của công ty tại Việt Nam về việc công ty nước ngoài sở hữu cổ phần theo hợp đồng chuyển nhượng; thiếu chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự của người đại diện công ty nước ngoài đứng ra ký hợp đồng chuyển nhượng; thiếu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần giữa công ty tại Việt Nam và công ty nước ngoài; thiếu chứng từ thể hiện công ty ở nước ngoài đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước cho giao dịch chuyển tiền... Thậm chí, các giao dịch nhận tiền từ nước ngoài thiếu trường thông tin về mục đích chuyển tiền, bị hệ thống tự động khóa. Nhưng, các đối tượng có thẩm quyền vẫn duyệt mở khóa trên hệ thống để hoàn tất việc chuyển tiền quốc tế.

đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, trong số 23 công ty tham gia “phi vụ” này, C03 xác định, có 21 công ty thuộc Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định pháp luật với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ USD; 21 công ty nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trái quy định pháp luật, với 152 giao dịch, tổng số tiền hơn 3 tỷ USD.

(Còn tiếp)

Tin liên quan
Tin khác