Công ty CP May Đáp Cầu đã phải dừng sản xuất đối với 2 nhà máy tại Bắc Ninh, đồng thời đang ngấp nghé nguy cơ phá sản. |
Giữa làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4 tại 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, các doanh nghiệp có nhà máy đóng đô tại 2 địa phương này đang phải oằn mình phòng chống dịch bệnh và gắng gượng sản xuất. Nhưng đến thời điểm gắng gượng không nổi, cực chăng đã, doanh nghiệp đã phải ra quyết định dừng sản xuất.
Công ty CP May Đáp Cầu, thuộc Vinatex có hệ thống nhà máy sản xuất chính đặt tại Bắc Ninh. Trải qua nhiều ngày cách ly trong tâm dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Lương Văn Thư, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP May Đáp Cầu chia sẻ: "Các nhà máy của doanh nghiệp này vẫn sản xuất rất tích cực cho đến khi có Chỉ thị 56 của tỉnh Bắc Ninh, yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện cách ly, cho công nhân ăn nghỉ tại chỗ làm việc để phòng Covid-19 lây lan, khiến một bộ phận lao động tại doanh nghiệp nghỉ làm. Mà kể cả có đi làm đủ, nhưng do thực hiện giãn cách, chỉ được chưa tới 50% số máy hoạt động, thành thử, hiệu quả sản xuất không cao".
Doanh nghiệp còn phải chịu thêm ghánh nặng nữa, bởi người lao động đi làm, thì phải xét nghiệm PCR hai lần âm tính mới đủ điều kiện làm việc. Trong thời gian đi làm, mỗi tuần phải làm xét nghiệm PCR một lần. Chi phí xét nghiệm đắt đỏ, do doanh nghiệp chi trả. Nếu tính sản xuất trong điều kiện như vậy thì không hiệu quả.
"Cực chẳng đã, chúng tôi buộc phải dừng sản xuất từ 18/5 đối với nhà máy ở Thị Cầu, Đáp Cầu, và từ 2/6 đối với nhà máy ở Yên Phong, Bắc Ninh. Nhà máy đóng cửa, chúng tôi ngồi trên đống lửa nhìn đơn hàng đã ký, nhìn thời gian trôi đi mà đau lòng", ông Thư chia sẻ.
Lãnh đạo May Đáp Cầu thừa nhận, việc dừng sản xuất cũng đồng nghĩa doanh nghiệp rơi vào cảnh “sống dở chết dở”. Doanh nghiệp đang đàm phán với khách hàng để giãn thời gian giao hàng, khách hàng có thông cảm, nhưng giãn không được lâu, chưa kể, hàng quần áo có thời vụ, là loại hàng nhanh, không thể hàng cho mùa này chuyển sang mùa khác được.
Mọi thứ cực kỳ khó khăn và ban lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận, chưa thể đưa ra giải pháp nào khả dĩ có thể thực hiện ngay để giải quyết các đơn hàng.
Ông Thư cho biết, dù 50% công nhân của May Đáp Cầu đã được tiêm phòng vaccine. Nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, doanh nghiệp chỉ còn cách chờ đợi cho làn sóng dịch bệnh lắng xuống, hết thời gian cách ly và giãn cách xã hội thì mới tổ chức sản xuất lại được.
"Chúng tôi dự tính, trong trường hợp cuối tháng 6/2021, mọi thứ yên ổn, tổ chức sản xuất lại thì doanh nghiệp mới có thể trụ lại, bằng không thì nguy cơ phá sản là điều khó tránh".
Năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh đã kéo lùi kết quả kinh doanh của May Đáp Cầu, doanh thu đạt 411,7 tỷ đồng, bằng 84,8% so với năm 2019. Trong đó, doanh thu xuất khẩu chỉ còn 405 tỷ đồng ( 2019 là 482,4 tỷ đồng), lợi nhuận sụt giảm còn 15,1 tỷ đồng, bằng 75% so với thực hiện 2019.
Doanh thu lẫn lợi nhuận giảm mạnh là do chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất là tiền lương không giảm, trong khi các chỉ tiêu tăng trưởng giảm nhiều do các hợp đồng đã ký bị hủy tỷ lệ lớn, đơn hàng nhỏ lẻ, giá gia công giảm mạnh nhưng vẫn phải duy trì sản xuất ở mức tối đa và đảm bảo thu nhập cho người lao động.