Chuyển động thị trường
Khó tiếp cận vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội
Việt Dũng - 09/08/2022 15:19
Dù có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng việc phát triển nhà ở xã hội vẫn gặp không ít khó khăn vì doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
 Việc phát triển nhà ở xã hội gặp không ít khó khăn vì doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Chương trình cho vay nhà ở xã hội bắt đầu được ngành ngân hàng triển khai năm 2012 với tổng giá trị 30.000 tỷ đồng. Kết thúc vào năm 2016, doanh số cho vay theo gói này đạt trên 29.000 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Việc cho vay đối với người mua nhà được thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội và tổ chức tín dụng.

Đối với chủ đầu tư, theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, được hỗ trợ khoản vay qua các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, ngân sách để cấp bù lãi suất qua nghị định này chưa bố trí được, nên các tổ chức tín dụng được chỉ định chưa triển khai.

Theo ông Nguyễn Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, công tác phát triển nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất là nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay mua nhà.

Mới đây, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó có các gói để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay.

Tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành nghị định để hỗ trợ lãi suất 2% thông qua các ngân hàng thương mại trong năm 2022 - 2023, với tổng số tiền lãi suất hỗ trợ là 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (Nghị định số 31/2022/NĐ-CP).

Liên quan đến gói hỗ trợ tín dụng 40.000 tỷ đồng với lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, những đối tượng được vay vốn ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại khoản 1, Điều 53 của Luật Nhà ở để cho thuê, cho thuê mua, bán.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vay vốn để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất, theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Quy định và hướng dẫn là thế, nhưng không phải doanh nghiệp nào khi xây dựng nhà ở xã hội, nhà công nhân và cải tạo chung cư cũ cũng đều đủ điều kiện nhận được gói hỗ trợ này.

Cụ thể, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP quy định các doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn thông thường của các ngân hàng thương mại; được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.

Ngoài ra, dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã được giao đất, cho thuê đất và đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đã được cấp phép xây dựng... Đặc biệt, dự án phải được UBND cấp tỉnh lập danh mục gửi Bộ Xây dựng để Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố danh mục dự án. Nghĩa là, dự án phải thuộc danh mục do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố, thì chủ đầu tư mới được cho vay.

Trong công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tổng hợp danh mục Dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ, Bộ Xây dựng cho biết, đã có 41 địa phương gửi báo cáo đề xuất 240 dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đang triển khai, nhưng chỉ có 4 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm về hồ sơ pháp lý và đề xuất nhu cầu vay vốn.

Ông Phạm Huy Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, với các tiêu chí rất chặt, như không có nợ xấu, phải có doanh thu, có tài sản bảo đảm…, doanh nghiệp rất khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất. Trong gần 3 năm qua, tác động của đại dịch Covid-19 khiến rất nhiều doanh nghiệp bất động sản lao đao, rất khó đáp ứng được các tiêu chí này.

Tin liên quan
Tin khác