Doanh nghiệp
Khó xử lý tài sản, Luật Phá sản không vào cuộc sống
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Luật Phá sản không đi vào cuộc sống là những bất cập trong việc giải quyết tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp - DN) khi lâm vào tình trạng phá sản.

Bất cập này khiến thủ tục giải quyết phá sản kéo dài, nhiều khi không thực hiện được, dẫn đến tình trạng DN không thể bị tuyên bố phá sản, chủ nợ không thu hồi được tài sản, con nợ thì “chết không được chôn”.

   
  Việc giám sát, quản lý tài sản của doanh nghiệp nên giao cho một chủ thể là quản tài viên. Ảnh: Hà Thanh  

Hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản không hiệu quả

Tổ quản lý, thanh lý tài sản đóng vai trò rất quan trọng trong quy trình giải quyết thủ tục phá sản, đặc biệt là giai đoạn xử lý tài sản và là một trong những nhân tố có tính quyết định trong sự “thành bại” của việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản của DN lâm vào tình trạng phá sản.

Tuy nhiên, đây lại là một trong những điểm “vướng” nhất của Luật Phá sản năm 2004.

Nguyên nhân, trước tiên xuất phát từ chính thành phần tạo nên tổ này.

Theo quy định tại Luật Phá sản năm 2004, thì thành phần của Tổ quản lý, thanh lý tài sản khá toàn diện, bao gồm đại diện từ phía cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong giải quyết thủ tục phá sản (cơ quan thi hành án, tòa án), đại diện của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan (chủ nợ, con nợ, công đoàn) và hoạt động theo cơ chế các phiên họp, quyết định theo đa số.

Về lý thuyết, sự có mặt đầy đủ của các thành phần và cơ chế hoạt động như trên sẽ bảo đảm và dung hòa được quyền lợi của các bên liên quan trong giải quyết vụ việc phá sản. Tuy nhiên, trên thực tế, chính điều này lại khiến Tổ quản lý, thanh lý tài sản hoạt động kém hiệu quả, bởi sự liên kết lỏng lẻo của các thành viên xuất phát từ tính chất kiêm nhiệm và thay đổi liên tục của các thành viên.

Một vấn đề nữa đó là, sự không tương xứng giữa trình độ của các thành viên trong Tổ với trách nhiệm mà tổ này phải “gánh vác” là câu chuyện lớn. Theo quy định của Luật Phá sản, trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức này rất quan trọng, trong đó có những nhiệm vụ yêu cầu ở trình độ chuyên môn về kế toán, tài chính của các thành viên, như định giá tài sản; lập bảng kê toàn bộ tài sản hiện có của DN; quản lý tài sản, tài liệu, sổ kế toán của DN… 

Đặc biệt, tổ này có quyền về định giá tài sản đối với tổng giá trị tài sản hiện có của DN dưới 30 tỷ đồng, Tổ thành lập Hội đồng định giá tài sản với sự tham gia của Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản, đại diện một số cơ quan khác có liên quan; đại diện chủ nợ của DN lâm vào tình trạng phá sản; đại diện công đoàn, hoặc đại diện người lao động và quyết định theo đa số.

Nhìn vào thành phần của hội đồng này, có thể thấy, phần lớn là những người không có nghiệp vụ về tài chính, đủ trình độ để định giá về tài sản. Do vậy, giá trị tài sản được xác định thường không chính xác.

Điều này có thể dẫn tới hiện tượng, giá được xác định thấp hơn giá trị thật, khiến DN phá sản, cũng như các chủ nợ bị thiệt hại; giá được xác định quá cao, khiến việc thanh lý được tài sản gặp khó khăn, tài sản không bán được đồng nghĩa với việc DN không thể bị tuyên phá sản, chủ nợ không đòi được nợ, DN muốn “chết” cũng không được “chết”…

Khó trong xử lý tài sản bảo đảm và thu hồi nợ

Quy định xử lý các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp, hoặc cầm cố tại Điều 35, Luật Phá sản chưa hợp lý. Rất nhiều câu hỏi treo chưa có câu trả lời.

Thứ nhất, không rõ việc xử lý tài sản thế chấp là tách rời hay thực hiện chung với các thủ tục thanh lý nợ. Nếu việc bán tài sản thế chấp được giải quyết tách rời với các thủ tục thanh lý tài sản và thanh toán nợ của DN, bên nhận thế chấp rất có thể sẽ ép DN lâm vào tình trạng phá sản phải bán tài sản với mức giá không như mong muốn.

Thứ hai, không rõ về phương thức xử lý tài sản bảo đảm là cho phép bên nhận thế chấp được nhận chính tài sản thế chấp để thực hiện thanh toán khoản nợ có bảo đảm hay Tổ quản lý, thanh lý tài sản tổ chức bán đấu giá tài sản bảo đảm để thu hồi tiền thanh toán nợ cho chủ có bảo đảm?

Chủ nợ có tài sản bảo đảm có được quyền đề nghị thẩm phán phụ trách thủ tục phá sản, Tổ quản lý, thanh lý tài sản cho phép xử lý tài sản bảo đảm, hoặc yêu cầu Tổ xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi khoản nợ đến hạn ngay sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản đối với DN lâm vào tình trạng phá sản đang có khoản nợ đến hạn hay không…

Ngoài ra, DN bị yêu cầu tuyên bố phá sản thường gặp khó khăn trong việc thu hồi các khoản nợ khi thực tế một số đơn vị mắc nợ đã tự giải thể, chuyển trụ sở nhưng không thông báo; một số cá nhân không có địa chỉ cụ thể, rõ ràng hoặc không còn ở nơi cư trú.

Đối với bên mắc nợ là tổ chức, DN, có những trường hợp họ chỉ công nhận nợ mà không có phương án trả nợ, hoặc đề nghị được trả dần với kế hoạch dài. Có đơn vị vừa là con nợ, vừa là chủ nợ, thì họ xin được đối trừ... Nhưng để được đối trừ nợ, lại phải qua một thủ tục khác là thủ tục xử lý tài sản phá sản.

Khó khăn liên quan đến việc thu hồi nợ đối với cá nhân, tổ chức còn mắc nợ DN lâm vào tình trạng phá sản do quy định tại Luật Phá sản 2004 là chưa rõ ràng.

Ví dụ, không quy định phương thức xử lý cho trường hợp, các khoản nợ phải thu khi con nợ không có mặt tại địa phương và không xác định được ở đâu, hoặc đối với con nợ cố tình vắng mặt trong đối chiếu nợ; hướng xử lý đối với trường hợp các khoản nợ phải trả, các khoản nợ phải thu phát sinh từ tranh chấp với DN yêu cầu tuyên bố DN phá sản mà không thể thỏa thuận được; chưa có quy định về việc thu hồi nợ của DN bị tuyên bố phá sản với những người nợ DN?

Bất cập trong thủ tục thanh lý tài sản

Có thể cho rằng, xử lý tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất, là một trong những “vấn đề nhức nhối” khiến cho tình trạng xử lý tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản nhiều khi “đi vào ngõ cụt”.

Trong thực tế, các DN khi vay tiền của các tổ chức tín dụng, đã thế chấp nhà xưởng gắn liền với đất có quyền sử dụng đất với thời hạn lâu dài. Nhưng khi bán chuyển nhượng nhà xưởng với diện tích đất, thì tổ quản lý thanh lý tài sản không thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất vì Luật Đất đai không cho phép. Do đó, phần nhà xưởng nếu không gắn với quyền sử dụng đất, thì không bán được, hoặc bán theo giá giá rất thấp.

Vấn đề này đặc biệt khó khăn khi liên quan đến DN nhà nước, bởi trong quá trình kinh doanh, DN nhà nước được giao đất, mua đất, nhưng khi thanh lý tài sản thông thường, chủ sở hữu DN nhà nước không đồng ý cho bán đất, vì cho rằng, nguồn gốc đất từ vốn nhà nước.

Cũng có nhiều trường hợp, tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất của DN lâm vào tình trạng phá sản lại không phải là tài sản của DN, như ở lâm trường, nhiều nhà cửa, công trình kiến trúc, rừng trồng, cây công nghiệp… trên đất lại của cán bộ, công nhân viên không phải của DN, nên Tòa án rất khó xử lý.

Một vấn đề bất cập nữa trong thủ tục thanh lý tài sản đó chỉ là phương thức xử lý tài sản của DN bằng hình thức đấu giá. Việc áp dụng cứng nhắc phương thức xử lý tài sản này, trên thực tế, trong một số trường hợp, vừa gây lãng phí, tăng chi phí giải quyết phá sản, vừa làm cho thủ tục trở nên kéo dài, thậm chí là bế tắc.

Bởi vì, tài sản của DN lâm vào tình trạng phá sản không phải loại nào cũng phù hợp với phương thức đấu giá và với việc tiêu hao trong thời gian quá dài khiến việc bán đấu giá không tìm được người mua, bán đi, bán lại vừa tốn về chi phí tổ chức, bảo quản tài sản, vừa kéo dài thời gian giải quyết.

Một số kiến nghị

Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, việc giám sát, quản lý tài sản của DN nên giao cho một chủ thể là quản tài viên - người thực hiện các nhiệm vụ về quản lý tài sản của DN lâm vào tình trạng phá sản cho đến thời điểm thanh lý tài sản. Việc thay thế một tập thể thành một cá nhân sẽ tạo cơ chế linh hoạt trong hoạt động. Hơn nữa, sẽ giải quyết được “lo ngại” về trình độ của chủ thể thực hiện nhiệm vụ này, cũng như những mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật trong hoạt động của các thành viên Tổ quản lý, thanh lý tài sản.

Liên quan đến phần định giá tài sản, cần có sự tham gia của các tổ chức định giá chuyên nghiệp vào việc định giá các tài sản của DN lâm vào tình trạng phá sản để giải quyết tình trạng các tài sản được định giá thiếu chính xác gây thiệt hại cho cả con nợ và chủ nợ. Luật Giá năm 2012 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, là một bước hoàn thiện về khung pháp lý cho hoạt động của các tổ chức thẩm định giá. Hiện tại, cũng như trong tương lai, các tổ chức định giá sẽ phát triển và có thể đảm đương được việc định giá các tài sản này.

Về bán đấu giá tài sản, thực tế đã chỉ ra rằng, không phải tài sản nào của DN cũng thích hợp cho phương thức bán đấu giá. Luật cần phải phân tách các loại tài sản và quy định nhiều phương thức bán tài sản hơn để đảm bảo việc xử lý tài sản được nhanh chóng và hiệu quả.

Về vấn đề không thể bán hết tài sản của DN, nên không thể tuyên bố DN phá sản, có thể giải quyết theo hướng, sau khi bán hết tài sản, mặc dù còn một số tiền nợ chưa thu được của những người mắc nợ DN bị yêu cầu phá sản, Tòa án vẫn ra quyết định tuyên bố phá sản. Trong quyết định này, Tòa án sẽ ghi rõ số nợ phải thu còn lại mà Tòa án đã ra quyết định thu hồi nợ. Cơ quan Thi hành án tiếp tục thực hiện việc thu hồi nợ theo quyết định tuyên bố phá sản và sẽ phân chia cho các chủ nợ theo tỷ lệ đã có tại quyết định phân chia tài sản ban đầu.

Cũng phải nhấn mạnh rằng, các quy định tại Luật Phá sản, đặc biệt là nội dung xử lý tài sản của DN lâm vào tình trạng phá sản liên quan đến quy định của nhiều văn bản khác nhau, như Luật Đất đai, Luật Thi hành án dân sự, Bộ luật Dân sự… Do đó, để giải quyết được vướng mắc về xử lý tài sản, cần phải xét tính đồng bộ của các văn bản khác, qua đó, kiến nghị sửa đổi để tìm được giải pháp hài hòa nhất.

(*) Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Tin liên quan
Tin khác