Thời sự
Nợ 200 triệu đồng phải phá sản… nghe buồn cười
Mạnh Bôn - 13/09/2013 13:54
Nếu căn cứ theo Luật Phá sản sửa đổi được thông qua thì EVN , PVN , Vinataba, Cienco 6, Tổng công ty Rau quả nông sản đều rơi vào tình trạng phá sản do nợ quá hạn rất lớn. >>> VDB yêu cầu Vinashin trả nợ thay cho 48 công ty con >>> Để doanh nghiệp khai tử đúng luật

Cả Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, ông Nguyễn Văn Hiện lẫn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển cùng nhắc đi nhắc lại câu: “Nợ 200 triệu đã phải phá sản… nghe buồn cười” khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi vừa được Tòa án Nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chánh án Toàn án Nhân dân
Tối cao nhiệm kỳ 2002 - 2007, ông Nguyễn Văn Hiện

Theo Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi, doanh nghiệp, hợp tác xã (DN) không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản.

Khi nhận thấy DN lâm vào tình trạng phá sản, chủ nợ, người lao động trong DN đều có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản.

Mặc dù Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, ông Nguyễn Sơn giải thích rằng, quy định như vậy là để tạo điều kiện cho các bên có điều kiện và thời gian xử lý, giải quyết, tránh đưa DN vào tình trạng không ai mong muốn là phá sản, nhưng ông Hiển vẫn cho rằng, với quy định này thì có tới 99% DN hiện nay rơi vào tình trạng phá sản và Luật Phá sản sửa đổi sẽ “phá sản” ngay khi ban hành cũng tương tự như Luật Phá sản hiện hành.

Luật Phá sản hiện hành thực tế đã “phá sản” ngay từ khi được ban hành. Cụ thể, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 9 năm thực hiện luật này, cả nước có 54.261 DN dừng hoạt động và giải thể (không tính hợp tác xã). Trong khi đó, trong 9 năm vừa qua Tòa án các cấp thụ lý tổng số 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản và mới chỉ ra “ra tay” với 236 trường hợp.

“DN có thành lập thì có phá sản, đây là quy luật tự nhiên trong cơ chế thị trường. Nhưng quy định DN không có khả năng thanh toán nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian 3 tháng đã rơi vào tình trạng phá sản thì nghe nó… buồn cười. Nếu căn cứ theo tiêu chí này thì có không dưới 99% số DN hiện nay đã rơi vào tình trạng phá sản”, ông Hiển nhận định.

Lý giải về việc đưa ra dự báo số DN phá sản, ông Hiển cho rằng, vốn chủ sở hữu của DN Việt Nam nhìn chung rất “mỏng”, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn đi vay, có rất nhiều DN vốn đi vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

“Khi kinh tế suy giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn nhất thời nên chưa có khả năng thanh toán nợ đến hạn mà cho phá sản thì có không dưới 99% số DN hiện nay đã rơi vào tình trạng phá sản”, ông Hiển nói thêm.

Lo ngại của ông Hiển không phải là không có cơ sở. Bởi theo số liệu được Bộ Tài chính công bố hồi cuối năm 2012 thì tính đến cuối năm 2011, tổng số nợ phải trả của tập đoàn, tổng công ty nhà nước 1.292.400 tỷ đồng, tăng gần 19% so với năm 2010.

Cũng theo số liệu của Bộ Tài chính, các “đầu tàu của nền kinh tế” đều là con nợ rất lớn như PVN có nợ phải trả là 286.817 tỷ đồng, EVN (275.278 tỷ đồng), Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (69.577 tỷ đồng), Vinaline (61.768 tỷ đồng), Vinacomin (71.112 tỷ đồng), VNPT (49.383 tỷ đồng), HUD (40.197 tỷ đồng), Vicem (28.226 tỷ đồng)…

Và nếu căn cứ theo Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi thì EVN có số nợ quá hạn 10.149 tỷ đồng, PVN nợ quá hạn 1.731 tỷ đồng, Vinataba nợ quá hạn là 467 tỷ đồng, Cienco 6 nợ quá hạn 128 tỷ đồng, Tổng công ty Rau quả nông sản nợ quá hạn 30 tỷ đồng… đã phải phá sản từ rất lâu rồi.

“Quy định không có khả năng thanh toán nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên đã rơi vào tình trạng phá sản… nghe buồn cười - ông Nguyễn Văn Hiện nói - Có DN chỉ có vốn 15 - 20 triệu đồng, mà có nợ quá hạn 200 triệu đồng thì đúng là đã phá sản. Nhưng có DN có tới hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng tiền vốn, số tiền nợ quá hạn 200 triệu đồng chỉ “nhỏ như cái móng tay” mà coi họ rơi vào phá sản thì đúng là quá buồn cười”.

Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thì quy định nợ quá hạn 200 triệu đồng mà không có khả năng thanh toán bị coi là rơi vào tình trạng phá sản là phù hợp.

“Anh nợ ngân hàng, bạn hàng, khách hàng, đối tác hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng tôi không cần biết. Tôi chỉ biết rằng, anh nợ tôi “bằng cái móng tay” nhưng quá hạn mà không trả được thì tôi nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản. Còn Tòa án có cho phá sản không lại là vấn đề khác”, bà Mai nói.

“Chẳng cần phải nợ quá hạn đến 200 triệu đồng, anh kinh doanh mà nợ lương người lao động đến 10 triệu thì người lao động cũng có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản. DN kinh doanh đến lương của người lao động còn phải nợ thì dù là DN to hay nhỏ, quy mô vài chục triệu đồng hay cả trăm ngàn tỷ đồng cũng như nhau. Với những trường hợp này thì cần phải… tạo điều kiện cho DN tái cơ cấu”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ quan điểm.

Tin liên quan
Tin khác