Chuyên gia kinh tế khuyến cáo, chính sách tài khóa 2021-2025 sẽ cần phải điều chỉnh lại các nội dung cả thu và chi cho phù hợp với tình hình mới. Ảnh: Duy Linh. |
Với khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên áp đặt trần bội chi, trần nợ công trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Trước khi thẩm tra chính thức để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021), Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham vấn ý kiến chuyên gia tại hội thảo vào chiều 24/9.
Nhìn lại kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, một trong những kết quả đươc cho là nổi bật, đó là quy mô nợ công giảm mạnh từ 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55% GDP cuối năm 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ công tăng nhẹ lên 55,3% GDP, song vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn này là không quá 65%.
Về bội chi, bình quân 5 năm qua ở mức 3,45% GDP, dưới mục tiêu đặt ra là 3,9% GDP.
Xây dựng kế hoạch mới cho 2021 - 2025, Chính phủ xác định giảm dần thâm hụt ngân sách nhà nước, cả giai đoạn bình quân 3,7% GDP (tương đương 4,7% GDP chưa điều chỉnh). Đến năm 2025, tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ hằng năm trong phạm vi trần nợ công không quá 60% GDP (tương đương không quá 76% GDP chưa điều chỉnh), ngưỡng cảnh báo nợ công khoảng 55% GDP và trần nợ Chính phủ không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo nợ Chính phủ khoảng 45% GDP.
Không bình luận thẳng về những chỉ tiêu cụ thể này, song TS. Vũ Sỹ Cường, Trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, bối cảnh kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 có những thay đổi rất lớn do tác động của Covid-19, vì vậy, Kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm cần có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới.
Việc tiếp tục lập ngân sách theo mô hình đầu vào đã bộc lộ những hạn chế rất lớn khi đối phó với dịch bệnh, vì vậy, cần nhanh chóng triển khai áp dụng việc lập kế hoạch ngân sách theo đầu ra, đặc biệt với ngành y tế, ông Cường khuyến nghị.
Vẫn theo vị chuyên gia này thì dịch bệnh Covid-19 cũng đã có những tác động rất lớn đến cơ cấu kinh tế và lao động không chỉ năm 2021, mà cho cả giai đoạn 2021-2025. Hàng loạt vấn đề về đào tạo lại lao động, đảm bảo môi trường an toàn cho lao động di cư (nhà ở, trường học, bệnh viện) đặt ra những yêu cầu mới trong lập kế hoạch tài chính, đầu tư trung hạn.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, Covid-19 sẽ làm tăng tỷ lệ nghèo đói ở các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam). Vì vậy, chính sách tài khóa dành cho xóa đói giảm nghèo và phục hồi sau Covid-19 cũng cần phải được chú ý đặc biệt.
Ông Cường cho rằng, nguyên tắc chung trong cải cách chính sách tài khóa giai đoạn 2021-2025 phải là chủ động, linh hoạt, tiết kiệm; tăng cường kỷ luật trong lập dự toán và thực hiện dự toán chính xác góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Chính sách thu và chi Ngân sách Nhà nước cần phải được xem xét với quan điểm thận trọng nhưng không quá cầu toàn.
Vị chuyên gia này phân tích, ảnh hưởng của Covid - 19 đặt ra hàng loạt vấn đề liên quan đến an sinh xã hội của người dân và rủi ro phá sản của doanh nghiệp. Vì vậy, để thực hiện tái cơ cấu kinh tế cho giai đoạn 2021-2025, Việt Nam cần xem xét các gói chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau dịch.
Ông Cường cũng dẫn một nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về chính sách tài khóa hỗ trợ sau Covid-19 của Việt Nam cho rằng, chính sách tài khóa hỗ trợ của Việt Nam còn quá ít và quá thận trọng. Nghiên cứu này cho rằng, Việt Nam có thể tăng chi hỗ trợ từ 0,2 lên đến 3% GDP (tương đương 260.000 tỷ đồng) mà không gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, ông Cường nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tái cơ cấu ngân sách, nếu có, thì đó phải là tái cơ cấu thu, thay đổi cơ cấu chi chứ không phải áp đặt trần bội chi, trần nợ công. Đó là hai nội dung của chính sách tài khóa trong điều hành kinh tế vĩ mô hàng năm.
"Tôi cho rằng khóa bội chi dưới 3,7%, và trần nợ công trong 5 năm tới là không hợp lý", ông Cung nêu quan điểm.
Vào ngày 29/9 tới đây, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 sẽ trở lại trong phiên họp toàn thể của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội.