Đầu tư Phát triển bền vững
Khoa học, công nghệ là “đầu kéo“ để tái cơ cấu kinh tế Khánh Hòa
Sơn Thuận - 03/04/2023 08:20
Khánh Hòa lựa chọn khoa học và công nghệ hiện đại là động lực tăng trưởng và dẫn dắt quá trình tái cơ cấu kinh tế địa phương trong thời gian tới.

Khẳng định thương hiệu

Rong nho biển được mệnh danh là “trứng cá muối xanh” do người Nhật du nhập, trồng, chế biến thức ăn như một loại thần dược của biển từ năm 1986, nhưng phát triển không thuận lợi. Năm 2004, loài rong này được kỹ sư Lê Bền, Phó giám đốc Công ty TNHH Trí Tín mang về nghiên cứu, cải tiến phương pháp trồng và nhân giống thành công, cho ra đời một sản phẩm rong nho có chất lượng cao hơn, không chỉ mở ra triển vọng mới cho nghề trồng rong nho ở Việt Nam, mà đã xuất ngược sang Nhật Bản, chinh phục các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore.

Công ty TNHH Trí Tín được thành lập năm 2002 và được công nhận là doanh nghiệp khoa học - công nghệ năm 2021. Công ty cũng đã thành lập Trung tâm Phát triển công nghệ rong biển với sự liên kết với nhiều nhà khoa học của Trường đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang thực hiện nghiên cứu công nghệ trồng rong, phát triển giống rong, các mô hình trồng rong năng suất cao, sản phẩm chế biến từ rong biển…

Trong khi đó, Công ty cổ phần Farmtech Vietnam (địa chỉ tại phường Phương Sài, TP. Nha Trang, được công nhận doanh nghiệp khoa học - công nghệ năm 2017) được biết đến là đơn vị chuyên nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin.

Farmtech Vietnam đang tiến hành nghiên cứu nội địa hóa các sản phẩm nuôi biển công nghiệp tại thị trường Việt Nam. Dự án Sản xuất thiết bị nuôi biển được Công ty triển khai từ năm 2015 với các sản phẩm nội địa như hệ thống lồng tròn nhựa HPDE, hệ thống phun thức ăn, hệ thống xà lan tập trung…, giá thành thấp hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại nhập ngoại…

Đây được xem là 2 trong nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ tiêu biểu và có đóng góp lớn đối với sự phát triển của kinh tế tỉnh Khánh Hòa. Tính đến tháng 6/2022, tỉnh này có 10 doanh nghiệp khoa học công nghệ đang hoạt động và đóng góp tích cực trong các lĩnh vực như công nghệ nhà yến, viễn thông, công nghệ thông tin, nuôi trồng thủy sản, sản xuất thực phẩm chức năng…

Dẫn dắt nền kinh tế

Thời gian qua, Khánh Hòa luôn chú trọng tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ ở các cấp, ngành, nhằm tạo ra kết quả nghiên cứu ứng dụng có chất lượng phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Khánh Hòa hiện là địa phương có số tổ chức khoa học công nghệ tương đối lớn, với 41 tổ chức, xếp thứ 3/13 tỉnh, chỉ sau Nghệ An (62 tổ chức) và Đà Nẵng (47 tổ chức) trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (số liệu năm 2020). Số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cũng đông đảo với 1.626 người, trong đó 83,64% có trình độ đại học trở lên.

Một số đơn vị nghiên cứu nổi bật trên địa bàn như Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vacxin và Sinh phẩm y tế, Viện Hải Dương học, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang.

Ngày 17/5/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ một số vướng mắc, nhất là nguồn vốn đối với doanh nghiệp khoa học trong tỉnh. Theo đó, đối với doanh nghiệp, tỉnh hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp tự đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, hay mua kết quả từ doanh nghiệp.

Về định hướng, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, sẽ chú trọng đầu tư, định hướng và thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, nhằm đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương có trình độ khoa học công nghệ thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và cả nước trong các lĩnh vực hải dương học, công nghệ đại dương, công nghệ sản xuất giống thủy sản, công nghệ nuôi trồng và chế biến thủy sản, vắc-xin và sinh phẩm y tế, ứng dụng công nghệ vào dịch vụ du lịch.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa, tỉnh cũng tăng cường hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ của tỉnh, trong vùng, cả nước và các nước phát triển; tìm kiếm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, hợp tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh của tỉnh.

Ngoài ra, kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp trong tỉnh với các địa phương trong vùng, trong nước và nước ngoài, nhằm nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, tạo lập và phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa đang đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành thế mạnh, tiềm năng. Trong quá trình này, khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng.

Cũng theo ông Tuân, Khánh Hòa lựa chọn khoa học và công nghệ hiện đại là động lực tăng trưởng và dẫn dắt quá trình tái cơ cấu kinh tế; chuyển từ mô hình tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá lớn vào du lịch sang mô hình tăng trưởng kinh tế lấy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khoa học và công nghệ làm chủ đạo.

Tin liên quan
Tin khác