Lãnh đạo Chính phủ, Bộ ngành và 2 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang nhấn nút phát lệnh khởi công Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu |
Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Trong đó, đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL để kết nối với Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế. Trong đó, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu nằm trong cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh là một trong các tuyến giao thông quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hàng lang kinh tế trục ngang vùng Tây Nam Bộ theo định hướng Chiến lược phát triển Giao thông Vận tải Việt Nam đã xác định đến năm 2030 của Chính phủ cơ bản hoàn thành xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc trên cả nước.
Theo ông Nghĩa, xuất phát từ mục tiêu giao thông vận tải là huyết mạch, là động lực đi trước một bước để tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Những năm qua, tỉnh Đồng Tháp được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm đầu tư nhiều dự án, công trình trọng điểm đi qua và đã phát huy hiệu quả cao, đã đưa Đồng Tháp từ một địa phương “khuất nẻo” trở thành địa phương có lợi thế, kết nối 3 trung tâm lớn: TP.HCM, thành phố Cần Thơ và thành phố Nôngpenh - Campuchia.
Trên tinh thần đó, ngày 24/6/2022 Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1, có tổng chiều dài tuyến là 27,43 km, tổng mức đầu tư 5.886 tỷ đồng, phạm vi thực hiện trải dài qua 2 địa phương là tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang; đồng thời, tỉnh Đồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chủ quản thực hiện Dự án thành phần 1, với chiều dài tuyến là 16 km, tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng.
Khi hoàn thành, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sẽ kết nối với cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo trục dọc, gồm: gồm: TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau. Ở phía Tây, sẽ nối vào cao tốc Bắc - Nam đang hình thành gồm: đường Hồ Chí Minh - Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 có tổng chiều dài 27,4 km. Điểm đầu: Giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối Giao với tuyến cao tốc Trung ương - Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Dự án chia làm 2 thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 có chiều dài 16 km, từ Km 0 đến Km16+000 nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án thành phần 2, từ Km16+000 đến Km27+430, dài 11,4 km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.800 tỷ đồng.
Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 04 làn xe. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 04 làn xe hạn chế, với bề rộng nền đường 17m vận tốc khai thác 80km/h.
Thời gian thực hiện dự án: từ năm 2022 đến hết năm 2027.
Đáng phấn khởi, 100% hộ dân trong vùng dự án đã bày tỏ sự đồng thuận cao với chủ trương xây dựng đường cao tốc đầu tiên đi qua địa bàn tỉnh. Tinh thần chia sẻ với chính quyền được người dân thể hiện qua từng diện tích đất sẽ giao cho dự án.
heo Trung tâm Phát triển Qũy đất tỉnh Đồng Tháp, đơn vị đã nhanh chóng chi trả tiền cho người dân vùng dự án, giao đất cho dự án, đạt tỷ lệ trên 96%. Ngay sau khi nhận tiền, các hộ đã khẩn trương di dời nhà ở, cây trồng và các kiến trúc khác và bắt tay làm sinh kế mới để ổn định cuộc sống, đảm bảo cho dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra, tạo điều kiện kết nối giao thông giữa các trục ngang và trục dọc trong hệ thống cao tốc vùng ĐBSCL, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp và vùng ĐBSCL.