Đầu tư
Khởi công dự án điện khí Quảng Trị 2,3 tỷ USD; Hà Nội sẽ thành lập 2 đến 5 khu công nghiệp mới
Hạnh Nguyên - 15/01/2022 11:59
Quảng Trị khởi công dự án điện khí 2,3 tỷ USD; Quảng Ninh khởi công giai đoạn 2 dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 341…

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 4 Hà Nội

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vừa được UBND Tp Hà Nội trình Chính phủ, tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội là 95.425 tỷ đồng.

Phần lớn tuyến cao tốc vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội sẽ đi trên cao.

Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn, UBND Tp Hà Nội vừa có tờ trình số 02/TTr – UBND gửi Chính phủ về việc trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Đây là lần thứ 3, UBND Tp Hà Nội có tờ trình gửi Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô.

Tại tờ trình này, UBND Tp Hà Nội kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đề xuất của UBND Tp Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long), đi qua địa phận Tp Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức hỗn hợp đầu tư công và đầu tư PPP. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư căn cứ quy mô của từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 1.466 ha, trong đó đất trồng lúa 2 vụ khoảng 918 ha. Giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn phân kỳ là 95.425 tỷ đồng, bao gồm nhu cầu vốn ngân sách giai đoạn 2021 – 2025 là 34.806 tỷ đồng; nhu cầu vốn ngân sách giai đoạn 2026 – 2030 là 28.225 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư PPP là 29.391 tỷ đồng (bằng 50% tổng mức đầu tư dự án thành phần PPP, bằng 31% tổng mức đầu tư dự án tổng thể); lãi vay là 3.003 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện mà UBND Tp Hà Nội đề xuất là chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2021, hoàn thành công trình vào năm 2028.

Được biết, Dự án thành phần số 3 có mục tiêu đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến (quy mô 4 làn xe, rộng 17 m với đường và 17,5 m với cầu) và tuyến nối 9,7 km sẽ được thực hiện theo hình thức PPP sẽ do UBND Tp. Hà Nội là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Dự án thành phần số 3 có tổng mức đầu tư khoảng 61.784 tỷ đồng này được UBND Tp Hà Nội kiến nghị áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Hiện dự án đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn như Vingroup, Him Lam, T&T, Phương Thành, Geleximco…

Theo quy hoạch, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên, các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ cho đường sắt vành đai. Tổng chiều rộng mặt cắt ngang đoạn thông thường là 120 m, đoạn đi ra ngoài đê sông Đáy hiện hữu có tổng chiều rộng mặt cắt ngang 135 m; một số vị trí đặc biệt đi qua khu đô thị, khu công nghiệp khó khăn về GPMB có thể thu hẹp phần dải dự trữ.

Trong giai đoạn phân kỳ, Dự án có mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc và hệ thống đường đô thị, đường song hành; bề rộng nền đường cao tốc đi bằng là 17 m, đi trên cao là 17,5 m; bề rộng nền đường song hành mỗi bên là 12 m.

Đà Nẵng tăng 500 tỷ đồng cho 3 dự án chậm tiến độ

Ba dự án là tuyến đường Trục I Tây Bắc, tuyến đường Lê Trọng Tấn và dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò được TP.Đà Nẵng tăng vốn đầu tư, tổng vốn hơn 500 tỷ đồng.

Dự án nạo vét khơi thông sông Cổ Cò được tăng vốn đầu tư thêm hơn 214 tỷ đồng.

Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Đà Nẵng vừa có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư với 3 Dự án trên địa bàn Thành phố là tuyến đường Trục I Tây Bắc, tuyến đường Lê Trọng Tấn và dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò

Theo đó, tuyến đường Trục I Tây được tăng vốn thêm hơn 273 tỷ đồng. Dự án này có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 692 tỷ đồng, được bắt đầu xây dựng từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Dự án này bị chậm tiến độ do chậm trong công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy dẫn đến chi phí đền bù phát sinh tăng, vượt tổng mức đầu tư được duyệt. Do vậy, để hoàn thành dự án, HĐND TP.Đà Nẵng đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 966 tỷ đồng (tăng hơn 273 tỷ đồng) phục vụ đền bù giải tỏa cho phù hợp với thực tế. 

Đối với dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận Đà Nẵng) và nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão của âu thuyền Thọ Quang cũng được điều chỉnh tăng vốn hơn 214 tỷ đồng. Sau điều chỉnh dự án có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn từ 2019 đến 2024.

Ngoài ra, tuyến đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ khu tái định cư Phước Lý 6 đến đường Hoàng Văn Thái) cũng điều chỉnh tăng vốn từ hơn 95 tỷ đồng lên hơn 127 tỷ đồng (tăng hơn 32 tỷ đồng) thực hiện trong giai đoạn 2021-2024. 

Ngoài ra, HĐND TP.Đà Nẵng cũng quyết định chủ trương đầu tư với 7 dự án mới gồm: Khu tái định cư Hòa Khương 2 phục vụ giải tỏa Tuyến đường vành đai phía Tây; Hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư Trung tâm xã Hòa Bắc (giai đoạn 2); Tuyến đường Vành đai phía Tây (đoạn qua Khu công nghệ thông tin tập trung); Nâng cấp, tôn tạo Đài Tưởng niệm TP và cải tạo, mở rộng Quảng trường 29 tháng 3; Kè chống sạt lở thượng lưu cầu Trường Định, sông Cu Đê; Đường giao thông nội thị Q. Cẩm Lệ (giai đoạn 2); Chung cư xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên. Tổng mức đầu tư của 7 dự án này hơn 1.100 tỷ đồng. 

Có 2 dự án bị HĐND TP.Đà Nẵng hủy bỏ chủ trương đầu tư đó là dự án Nâng cấp, cải tạo đường Hòa Phong- Hòa Tiến (ADB5) và dự án đền bù giải tỏa Cụm công nghiệp Hòa Hiệp Bắc.

Lâm Đồng đề xuất Trung ương hỗ trợ 2.500 tỷ đồng xây cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương được đầu tư theo phương thức PPP, có chiều dài khoảng 73,5 km, có tổng mức đầu tư ước khoảng 11.000 tỷ đồng.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí vốn ngân sách Trung ương đầu tư đường cao tốc đoạn 3 (Bảo Lộc - Liên Khương) theo phương thức PPP.

Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương để thực hiện Dự án theo phương thức PPP với số vốn 2.500 tỷ đồng trong thời gian từ năm 2022 đến năm 2024.

Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương là một trong 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài toàn tuyến là 73,5 km, quy mô đầu tư giai đoạn phân kỳ là 4 làn xe, có nền đường rộng 17 m, giai đoạn hoàn chỉnh chiều rộng nền đường là 24,75 m. Loại cấp công trình là đường ô tô theo tiêu chuẩn cao tốc, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Dự án đi qua địa phận Tp Bảo Lộc và các huyện: Di Linh, Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng). Trong giai đoạn 1 (giai đoạn phân kỳ), Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ là 11.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước khoảng 2.500 tỷ đồng (nguồn ngân sách Trung ương); vốn địa phương 1.500 tỷ đồng; vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 7.000 tỷ đồng.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Lâm Đồng, vốn ngân sách Nhà nước khoảng 4.000 tỷ đồng sẽ được quản lý và sử dụng để chi trả kinh phí bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình. Phương thức quản lý, sử dụng phần vốn này là tách thành tiểu dự án và thực hiện theo quy định tại Điều 70, Điều 72 Luật Đầu tư PPP. Thời gian thu phí hoàn vốn cho Dự án cao tốc Bảo Lộc –Liên Khương là 20 năm.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đoạn Tân Phú-Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương với tổng chiều dài 140 km. 

Hiện Dự án cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài 61 km, với tổng vốn đầu tư 7.369 tỷ đồng hiện đang được liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư. Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương hiện đang được sự quan tâm của Tập đoàn T&T.

Sớm khai thác Dự án đường Vành đai 3, 4 Thành phố Hồ Chí Minh

Tuyến đường Vành đai 3 và Vành đai 4 có vai trò rất quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển cho TP.HCM, kết nối trực tiếp 05 địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tại Thông báo số 5/TB-VPCP ngày 7/1/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ và khai thác hiệu quả đồng bộ các Dự án thành phần trên tuyến Vành đai 3 và Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

Hình minh họa

Tuyến đường Vành đai 3 và Vành đai 4 có vai trò rất quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối trực tiếp 05 địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mặc dù các địa phương và các Bộ ngành đã cố gắng triển khai thực hiện trong thời gian qua, tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và khó khăn trong cân đối ngân sách địa phương, tiến độ triển khai chậm so với yêu cầu. Việc sớm đầu tư khép kín và khai thác hiệu quả đồng bộ các dự án là hết sức cần thiết. Do vậy, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu cần tích cực, chủ động hơn trong công tác triển khai thủ tục đầu tư các Dự án.

Đối với dự án đường Vành đai 3, UBND Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì chuẩn bị, nghiên cứu tổng thể Dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư; khẩn trương rà soát kỹ chi phí đầu tư xây dựng và kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp nhất về tổng thể và đối với từng đoạn tuyến; phấn đấu hoàn thành, trình Quốc hội vào tháng 3/2022.

UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố Hồ Chí Minh, chủ động bố trí tối đa vốn ngân sách địa phương tham gia dự án.

Đối với đường Vành đai 4, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương, chủ động tổ chức thực hiện đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng tại các Văn bản: số 122/TB-VPCP ngày 25/5/2021, số 149/TB-VPCP ngày 4/6/2021, số 180/TB-VPCP ngày 09/7/2021, số 5607/VPCP-CN ngày 18/9/2021, số 1263/TTg- CN ngày 29/9/2021.

Phó thủ tướng yêu cầu hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào quý I/2025

Phó thủ tướng yêu cầu đổi mới cách làm trong công tác tiến hành giải phóng mặt bằng, thi công để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả cao hơn tại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thông báo số 6/TB-VPCP ngày 7/1/2021 kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra tiến độ triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nêu: Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô rất lớn, yêu cầu kỹ thuật cao được Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập Ban chỉ đạo quốc gia, đồng thời thực hiện giao ban hàng tháng để kịp thời chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc.

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Phó thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng, tích cực của tập thể Lãnh đạo, Ban Thường vụ, các Sở, ngành của Tỉnh Đồng Nai và huyện Long Thành, các Bộ, cơ quan trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy tiến độ Dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng đã bàn giao được 1.284 ha/1.810 ha khu vực xây dựng giai đoạn 1 và 194,96 ha/722 ha khu vực dự trữ đất dôi dư cho Cảng vụ hàng không miền Nam.

Dự án sử dụng mặt bằng lớn, các công việc phải tiến hành đồng thời, giải phóng mặt bằng đến đâu thi công đến đó, tuy nhiên hiện trường trên 1.400 ha sẵn sàng nhưng hiện vẫn chưa thi công được là thiếu đồng bộ. Việc này cần được đổi mới cách làm để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả cao hơn.

Liên quan đến Hồ sơ san nền, thoát nước, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các cơ quan liên quan cần rút kinh nghiệm về thời gian thẩm tra, hoàn chỉnh sau thẩm định, phê duyệt, không để lặp lại; đặc biệt ACV cần nâng cao chất lượng tư vấn khảo sát, tư vấn thiết kế và điều chỉnh tư duy, cách làm trong triển khai từng hạng mục, trong đó luôn luôn phải đặt ra yêu cầu tiến độ phải khẩn trương, nhanh, dứt điểm, bảo đảm khoa học và kinh tế - kỹ thuật.

Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai tập trung chỉ đạo hoàn thành bàn giao toàn bộ 1.810 ha và bàn giao 722 ha khu vực đổ đất dự trữ trong tháng 2/2022 như cam kết của địa phương. Đối với phần diện tích còn lại hoàn thành trước 30/6/2022. Để đáp ứng tiến độ, công tác bàn giao, tiếp nhận được thực hiện trực tiếp giữa 03 bên.

ACV, Ban quản lý dự án khẩn trương triển khai Nhà làm việc Ban quản lý dự án tại công trường theo đúng quy định pháp luật.

Theo báo cáo của ACV, Hồ sơ mời thầu gói thầu san nền có tiến độ là 30 tháng, không đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, yêu cầu Lãnh đạo ACV nghiêm túc rút kinh nghiệm và khẩn trương triển khai điều chỉnh tiến độ gói thầu san nền theo đúng quy định, bảo đảm không tăng dự toán được duyệt; giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo việc điều chỉnh tiến độ bảo đảm đúng quy định pháp luật và hoàn thành toàn bộ Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào Quý I năm 2025.

Về điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương thực hiện các thủ tục để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan hướng dẫn và hỗ trợ tỉnh sớm hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Thừa Thiên Huế gỡ vướng mặt bằng cho dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp kiểm tra công trường Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoạn qua địa bàn và chỉ đạo “gỡ vướng” liên quan đến mặt bằng Dự án.

Sau một thời gian triển khai thi công, hiện một số gói thầu thuộc dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đang thiếu hụt số lượng lớn đất san lấp nền, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

Ngày 10/1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh đã có chuyến kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng đoạn đi qua một số địa phương thuộc TP. Huế;  yêu cầu các nhà thầu thi công Dự án đảm bảo các yêu cầu về môi trường, hạn chế gây tác động ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, sinh hoạt… của người dân.

Theo lãnh đạo địa phương này,  đoạn qua xã Thủy Bằng hiện tại vẫn còn vướng mắc 1 trường hợp liên quan đến công tác đền bù; đoạn xã Hương Thọ liên quan đến việc di chuyển cây xăng Hưng Phát… UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu lực lượng chức năng TP. Huế khẩn trương rà soát, củng cố hồ sơ, thủ tục pháp lý, đảm bảo điều kiện để tổ chức bảo vệ hiện trường, thu hồi đất. Riêng cây xăng Hưng Phát yêu cầu TP. Huế tập trung lực lượng, khẩn trương thực hiện kiểm đếm trong thời gian 5 ngày để thực hiện thủ tục đền bù, thu hồi phần đất thuộc phạm vi phải thu hồi để thi công dự án.

Theo ông Hoàng Hải Minh, công tác giải phóng mặt bằng hiện tại là còn chậm so với chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ông đã có đề nghị các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, phải thường xuyên kiểm tra thực tế chứ không nghe qua báo cáo. Tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng còn lại theo đúng thời hạn cam kết.

Ông Hoàng Hải Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết,  đến nay, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cho đơn vị thi công. Cơ bản đã hoàn thành công tác di dời hạ tầng kỹ thuật và bàn giao cho nhà thầu thi công đảm bảo theo kế hoạch của dự án. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành xây dựng 09 khu tái định cư và 01 khu nghĩa trang có tổng diện tích 13,59ha, đáp ứng tái định cư 191 hộ, và di dời 228 lăng mộ.

Được biết, dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài trên 98km đi qua tỉnh Quảng Trị với chiều dài hơn 37km và Thừa Thiên - Huế chiều dài trên 61km. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 434 tỷ đồng… Dự án gồm 11 gói thầu xây lắp, được khởi công từ tháng 9/2019, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021. Tuy nhiên, đến nay khối lượng thi công mới đạt khoảng 70,2% giá trị hợp đồng, chậm so với kế hoạch.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các nhà thầu cần đảm bảo các yêu cầu về môi trường, hạn chế gây tác động ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, sinh hoạt và sản xuất của người dân, có phương án khắc phục, trả lại hiện trạng sau khi hoàn thành dự án. Những hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công thì địa phương và đơn vị thi công sớm có phương án khắc phục, bảo vệ an toàn cho người dân.

Bình Định phê duyệt giá bồi thường mặt bằng cho dự án khu công nghiệp Becamex-VSIP

Tỉnh Bình Định ban hành quyết định phê duyệt giá trị bồi thường đất đai, cây trồng trong Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định, tại huyện Vân Canh với số tiền hơn 233 tỷ đồng.

Theo đại diện công ty CP Becamex Bình Ðịnh, cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Ðịnh đã dần hoàn thiện, trong đó có 210 ha đủ điều kiện để các nhà đầu tư thứ cấp nhận mặt bằng thực hiện Dự án

Hiện cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Ðịnh đã dần hoàn thiện, trong đó có 210 ha đủ điều kiện để các nhà đầu tư thứ cấp nhận mặt bằng thực hiện dự án

Giai đoạn 1 dự án Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định thuộc phân khu 7 Khu kinh tế Nhơn Hội có diện tích 1.425 ha đất, trong đó có 1.000 ha đất quy hoạch dành cho khu công nghiệp và 425 ha đất dành để đầu tư xây dựng khu dân cư, thương mại dịch vụ và khu tái định cư…

Ông Đặng Văn Việt, Phó trưởng Ban giải phóng mặt bằng tỉnh Bình Định cho hay, đến nay có 98,04% diện tích đất quy hoạch dành cho khu công nghiệp và 95,79% diện tích đất quy hoạch xây dựng khu nhà ở công nhân, thương mại dịch vụ và khu tái định cư… đã được kiểm kê xong, trong đó có 642,1 ha đất đã bàn giao cho Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh này và Công ty CP Becamex Bình Định để quản lý và triển khai thực hiện dự án.

Theo ông  Nguyễn Văn Lăng, Tổng Giám đốc Công ty, hiện Công ty CP Becamex Bình Định đã và đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xây dựng nhà ở cho công nhân, xây dựng khu thương mại dịch vụ và khu tái định cư trên diện tích đã được giao.

Trong 210 ha đất trong khu công nghiệp đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đủ điều kiện để các nhà đầu tư thứ cấp nhận mặt bằng thi công dự án thì có 12 ha đã được bàn giao cho Tập đoàn Kurz (CHLB Đức).

Khu tái định cư - dân cư Hiệp Vinh 1A và các dãy nhà dành cho công nhân trong khu công nghiệp cũng đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng điều kiện cấp đất cho người dân, công nhân đến sinh sống và làm việc tại khu công nghiệp trong quý II/2022.

Lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế Bình Định cũng cho biết, ngoài Tập đoàn Kurz đầu tư vào Khu công nghiệp Becamex-VSIP thì hiện nay đã có thêm 3 doanh nghiệp khác đến tìm hiểu, lựa chọn mặt bằng và chuẩn bị đăng ký đầu tư thực hiện các dự án. Trong quý 1/2022, Tập đoàn Kurz cũng sẽ hoàn tất các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao.

Ban giải phóng mặt bằng tỉnh Bình Định cho biết, đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ về đất và cây cối hoa màu trên diện tích 642,1 ha với số tiền trên 198 tỷ đồng. Công tác bồi thường, hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình có đất đai, cây trồng thuộc phạm vi Khu công nghiệp được thực hiện công khai, minh bạch.

Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với UBND xã Canh Vinh, Công ty CP Becamex Bình Định tuyên truyền, vận động các hộ dân đăng ký nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và giao trả mặt bằng theo các phương án bồi thường, hỗ trợ đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Quảng Ninh khởi công giai đoạn 2 dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 341 

Ngày 10/1, giai đoạn 2 của dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 341 (Tỉnh lộ 18C) đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh phối hợp với UBND TP. Móng Cái khởi công.

Các nhà thầu chuẩn bị máy móc, phương tiện thi công dự án. Ảnh: Hữu Việt. Điểm đầu tuyến tại cầu Pò Hèn (Km88+195), trung tâm xã Hải Sơn; điểm cuối tuyến đấu

Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 341 (Quốc lộ 18C) có chiều dài từ Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh. Dự án này được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 4726/QĐ-UBND ngày 15/11/2018, phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2279/QĐ-UBND ngày 12/7/2021 với tổng diện tích quy hoạch là 34,12ha; chiều dài tuyến 13,83km.

Điểm đầu tuyến tại cầu Pò Hèn (Km88+195), trung tâm xã Hải Sơn; điểm cuối tuyến đấu nối với điểm cuối giai đoạn 1 tại khu vực Km103+314, Quốc lộ 18C. Nền đường rộng 9 mét; mặt đường 6 mét. Đây là công trình giao thông cấp III; vận tốc thiết kế 60km/h. Tổng vốn đầu tư 297 tỷ đồng. Tiến độ thi công 660 ngày kể từ ngày khởi công. Giai đoạn 1 của dự án đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh triển khai, hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2020.

Chủ đầu tư của dự án là Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã tổ chức triển khai lựa chọn nhà thầu thi công là Liên danh Công ty TNHH Thành Dương và Công ty CP Đầu tư phát triển và xây dựng Trí Đức.

Tỉnh lộ 341 (Quốc lộ 18C) là tuyến đường giao thông kết nối 2 Khu kinh tế cửa khẩu là Móng Cái và Bắc Phong Sinh. Tuyến đường hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của TP Móng Cái, huyện Hải Hà nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Đồng thời, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng biên giới để thực hiện chủ trương ổn định và di dân vùng biên giới, nhằm kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia.

Hải Dương: Hợp tác với doanh nghiệp Hàn Quốc làm Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ

UBND tỉnh Hải Dương và Công ty SMCity Hàn Quốc, Công ty TNHH Orgel Việt Nam vừa ký kết hợp tác phát triển Dự án Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương bày tỏ vui mừng và hoan nghênh các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đến làm việc tại tỉnh Hải Dương.

Trong chuyến tham gia cùng Đoàn công tác cấp cao Quốc hội Việt Nam tháng 12/2021 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 1 số doanh nghiệp và hiệp hội của Hàn Quốc về việc hợp tác để thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trên địa bàn tỉnh trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... Đặc biệt, trong lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị, phát triển khu công nghiệp - lĩnh vực mà tỉnh hiện đang hết sức quan tâm và chú trọng phát triển.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hải Dương, trong số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh, Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ nhất về số lượng dự án đầu tư vào tỉnh, đứng thứ ba về số vốn đầu tư với 136 Dự án FDI, tổng vốn đăng ký 1,3 tỷ USD. Đối với ý tưởng khảo sát, nghiên cứu Dự án Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ do Công ty SMCity Hàn Quốc và Công ty TNHH Orgel Việt Nam là nội dung đầu tiên của các nhà đầu tư Hàn Quốc đề xuất trong lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh.

Thông tin tại buổi làm việc, Công ty SMCity Hàn Quốc và Công ty TNHH Orgel Việt Nam hiện đã khảo sát vị trí đầu tư dự án Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ tại địa bàn 2 xã Đại Sơn và Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ. Vị trí đầu tư dự án có tổng diện tích hơn 300 ha, tiếp giáp địa bàn TP. Hải Dương, ven sông Thái Bình và gần khu vực đường vành đai số 5, thuận lợi cả về giao thông đường bộ, đường thủy, phù hợp với ý tưởng đầu tư của doanh nghiệp và nằm trong khu quy hoạch phát triển Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ của huyện Tứ Kỳ.

Đại diện Công ty SMCity Hàn Quốc và Công ty TNHH Orgel Việt Nam Hải Dương đều mong muốn đầu tư vào địa bàn tỉnh Hải Dương một Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ hiện đại nhất theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, chú trọng yếu bảo vệ môi trường, đúng theo những điều khoản ký kết với các Hiệp hội Hàn Quốc của Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương tháng 12/2021 và mong muốn tỉnh Hải Dương tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai dự án nhanh nhất. Đồng thời, khẳng định Hải Dương có nhiều triển vọng để thực hiện dự án có quy mô quốc tế này. Các nhà đầu tư với năng lực tài chính và kinh nghiệm của mình sẽ quyết tâm hiện dự án theo hướng công nghệ cao, thông minh, hiện đại và cam kết đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, khảo sát dự án và thực hiện dự án chuyên nghiệp.

Về phía lãnh đạo tỉnh, ông Hùng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục cần thiết và kịp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình khảo sát, nghiên cứu và mong muốn ý tưởng của các nhà đầu tư sớm được triển khai, trở thành hiện thực.

Kết thúc buổi làm việc, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cùng ông Kang Bong Jun, Giám đốc Công ty SMCity Hàn Quốc và ông Kim Joung Ju, Tổng giám đốc Công ty TNHH Orgel Việt Nam đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển Dự án Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam đề nghị mở rộng cụm công nghiệp Đồi 30

Tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến thống nhất về mở rộng Cụm công nghiệp Đồi 30, tổng mức đầu tư dự kiến 132 tỷ đồng.

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu vừa ký văn bản gửi Bộ Công Thương để xin ý kiến về mở rộng Cụm công nghiệp (CCN) Đồi 30, thuộc thị trấn Phú Thịnh và xã Tam Dân (huyện Phú Ninh).

Tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến thống nhất về mở rộng Cụm công nghiệp Đồi 30 thuộc địa bàn huyện Phú Ninh.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, hiện CCN Đồi 30 đã thu hút được 5 Dự án đầu tư hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 91,11%. Vì vậy, mở rộng CCN Đồi 30 nhằm thu hút các dự án đang có nhu cầu đầu tư vào Cụm công nghiệp này, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Theo đề xuất của tỉnh Quảng Nam, tổng vốn đầu tư cho phần mở rộng CCN Đồi 30 là 132 tỷ đồng, bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 41 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của doanh nghiệp là 40%, vốn vay tín dụng và các nguồn vốn khác là 60%. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phần mở rộng CCN này dự kiến là quý IV/2023.

Cụm công nghiệp Đồi 30 được UBND tỉnh Quảng Nam thành lập từ năm 2017 với tổng diện tích 34,12ha, để đáp ứng nhu cầu, Quảng Nam đề nghị mở rộng thêm 40,38ha (tổng diện tích sau mở rộng 74,5ha). Theo UBND Quảng Nam, việc mở rộng là phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 10 Nghị định 68/2017/NĐ-CP, khi CCN không vượt quá 75ha.

Về điều kiện có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp thì báo cáo đầu tư đã xác định chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Đồi 30 mở rộng là Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Phú Ninh, Công ty hiện đang là chủ đầu tư phần diện tích CCN đã hoàn thành. Hiện trạng tại CCN Đồi 30 đã thu hút được 05 dự án đầu tư với tổng diện tích thuê đất là 19,11ha (19,11ha/20,97ha đất công nghiệp), chiếm tỉ lệ lấp đầy là 91,11%. Như vậy, mở rộng CCN Đồi 30 thỏa mãn điều kiện tỷ lệ lấp đầy CCN hiện có đạt từ 60% trở lên.

Về phương án đầu tư, chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm thực hiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và kinh doanh tại Cụm công nghiệp này bằng cách cho thuê lại đất và thu các phí dịch vụ khác. . Cụ thể sẽ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo đúng quy hoạch; duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong suốt thời gian hoạt động của Cụm công nghiệp; vận động thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Cụm công nghiệp trên cơ sở quy hoạch chi tiết đã được duyệt…

Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến thống nhất về mở rộng CCN Đồi 30 để có cơ sở quyết định về việc mở rộng CCN Đồi 30 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, thu hút doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư nhằm giải quyết nhu cầu lao động, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Quảng Trị khởi công dự án điện khí 2,3 tỷ USD

Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng - Giai đoạn 1 (1.500MW) thực hiện tại khu phức hợp năng lượng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị sẽ được khởi công cuối tuần này.

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng - Giai đoạn 1 (1.500MW) sẽ được triển khai tại địa bàn xã Hải An và xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Phối cảnh tổng thể dự án Trung tâm Kho cảng LNG Hải Lăng - giai đoạn 1 tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000-226.000m3. Ảnh nhà đầu tư cung cấp

Dự án do tổ hợp nhà đầu tư gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn T&T (T&T GROUP), Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha (HANWHA), Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO) và Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS) làm chủ đầu tư.

Với quy mô diện tích đất sử dụng hơn 120 ha, Dự án sẽ xây dựng Trung tâm Kho cảng LNG Hải Lăng - giai đoạn 1 tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000 đến 226.000m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm Điện lực Hải Lăng - giai đoạn 1 có công suất phát điện 1.500MW.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026 - 2027.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group cho biết, với việc áp dụng công nghệ tua bin khí thế hệ mới có hiệu suất phát điện cao đang được sử dụng ở nhiều nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Trung tâm Điện khí Hải Lăng sau khi vận hành sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 8,25 tỷ kWh/năm; có thể bù đắp công suất thiếu hụt tức thời cho hệ thống, đặc biệt đặt trong bối cảnh tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió tại khu vực miền Trung đang chiếm tỷ trọng lớn và bị biến động theo thời tiết. Cùng với việc sử dụng nhiên liệu LNG sạch, dự án sẽ góp phần giảm thiểu những tác động ảnh hưởng đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm các tiêu chí về môi trường theo các công ước quốc tế Việt Nam đã ký kết.

“Đây sẽ là dự án mang tầm quốc tế với giá trị phát triển bền vững, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời đóng góp vào nguồn năng lượng sạch cả nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo đúng cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26; cũng như thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và quốc tế, trong đó có điện khí LNG”, ông Đỗ Quang Hiển nhấn mạnh.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng cho biết, tại lễ khởi công tỉnh này cũng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận Tổ hợp nhà đầu tư: Công ty năng lượng Hanwha (HEC, Hàn Quốc), Tổng Công ty khí Hàn Quốc (Kogas, Hàn Quốc), Tổng Công ty điện lực Nam Hàn Quốc (Kospo, Hàn Quốc) và Công ty cổ phần tập đoàn T&T (Tập đoàn T&T) thực hiện đầu tư Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 – 1.500MW tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp, Tổng vốn đầu tư của dự án là 53.668 tỷ đồng (tương đương 2,32 tỷ USD), trong đó vốn góp của Tổ hợp nhà đầu tư để thực hiện dự án là 13.416 tỷ đồng; trong đó: T&T Group góp 40%, mỗi nhà đầu tư: HANWHA, KOSPO, KOGAS góp 20%.

Đây là dự án năng lượng trọng điểm của tỉnh Quảng Trị, từng bước góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030.

Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung giai đoạn 1 của dự án vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, quy mô công suất 1.500 MW, tiến độ vận hành năm 2026 - 2027; các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Thực tế cho thấy việc triển khai nhiều dự án điện khí LNG đã mở ra cơ hội lớn cho ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2025-2030 cần xây mới các nhà máy điện chạy khí LNG với tổng công suất 15.000 - 19.000 MW. Đồng thời, trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã xác định rõ sự cần thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận LNG nhập khẩu với khối lượng 1 đến 4 tỉ m3/năm cho giai đoạn 2021 - 2025, tăng lên 6 đến 10 tỉ m3/năm cho giai đoạn 2026-2035. Trong số đó, phần lớn lượng LNG nhập khẩu sẽ sử dụng để sản xuất điện, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Không chốt cứng vốn từ Chương trình phục hồi cho cao tốc Bắc - Nam

Quốc hội đồng ý sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 146.990 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 119.666 tỷ đồng.

Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025.

Theo đó, dự án gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.

Quy mô dự án khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Giải phóng mặt bằng các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe, riêng đối với các dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe.

Quốc hội đồng ý sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 146.990 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 119.666 tỷ đồng cân đối điều hòa từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2026 - 2030 bố trí 27.324 tỷ đồng.

Về tiến độ thực hiện, Quốc hội quyết định chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Báo cáo trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết,  có ý kiến đại biểu cho rằng, không nên thể hiện giai đoạn 2021 – 2025 bố trí bao nhiêu vốn từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao nhiêu vốn bố trí từ gói chính sách tài khóa, tiền tệ vì hiện nay danh mục dự án của gói chính sách tài khóa, tiền tệ chưa đáp ứng yêu cầu.

Ông Thanh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến đại biểu Quốc hội là xác đáng nên đã tiếp thu và thể hiện trong Nghị quyết theo hướng giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 119.666 tỷ đồng cân đối điều hòa từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, giao Chính phủ khẩn trương rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn. Bảo đảm điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công trong Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình để ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn.

Một số ý kiến cho rằng Dự án được đề nghị bổ sung khoảng 72.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên việc giải ngân của Dự án chủ yếu là trong các năm 2024 - 2025 là chưa phù hợp với mục tiêu của Chương trình, do đó bổ sung làm rõ để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Hồi âm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, để giải quyết vấn đề này, đề nghị Chính phủ xây dựng giải pháp điều hòa linh hoạt giữa các nguồn vốn theo hướng sẽ lựa chọn một số dự án đầu tư công trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã hoàn thiện thủ tục có khả năng giải ngân ngay và công tác GPMB cho Dự án (19.097 tỷ đồng) để bố trí giải ngân trước trong các năm 2022 và 2023 bằng nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã bố trí cho các dự án nêu trên sẽ được bố trí chuyển sang giải ngân cho các dự án cao tốc quan trọng quốc gia trong các năm 2024 và 2025.

Kon Tum kêu gọi đầu tư 31 dự án trồng và chế biến dược liệu

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Kon Tum kêu gọi đầu tư vào 31 dự án trồng và chế biến dược liệu với quy mô gần 13.900ha, tổng vốn đầu tư 8.995 tỷ đồng.

Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh kêu gọi đầu tư vào 31 Dự án trồng và chế biến dược liệu với quy mô gần 13.900ha, tổng vốn đầu tư 8.995 tỷ đồng. Các dự án kêu gọi đầu tư thuộc 9/10 huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum, chủ yếu ở 3 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông.

Trong số 31 dự án kêu gọi đầu tư, có những dự án có quy mô và vốn đầu tư lớn như Dự án đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp bảo vệ và phát triển cây dược liệu tại xã Ngọk Lây (huyện Tu Mơ Rông) với quy mô gần 4.800ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; Dự án quản lý bảo vệ rừng kết hợp phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu dưới tán rừng tại 3 xã: Ngọk Lây, Măng Ri, Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) với quy mô trên 2.500ha, vốn đầu tư  900 tỷ đồng. Dự án Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu tập trung tại xã Tân Cảnh và thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) với quy mô 200ha, vốn đầu tư 600 tỷ đồng; Dự án trồng và chế biến dược liệu kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại xã Pờ Ê và thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) với quy mô gần 250ha, vốn đầu tư 554 tỷ đồng.

Ngoài ra, dự án trồng, chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác tại xã: Văn Xuôi và Ngọc Yêu (huyện Tu Mơ Rông) với quy mô 2.335ha, vốn đầu tư 500 tỷ đồng; Dự án nhân giống và trồng các loại cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao tại xã: Ngọc Lây và Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) với quy mô 1.500ha, vốn đầu tư 420 tỷ đồng...  Dự án trồng cây dược liệu có giá trị cao tại 3 xã: Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (huyện Đăk Glei) với quy mô 1.000ha, vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng.

Đến nay, tỉnh Kon Tum đã chấp thuận chủ trương đầu tư 24 dự án phát triển dược liệu với tổng vốn đăng ký đạt 13.213 tỷ đồng; địa phương này đã phát triển được 2.416,5 ha dược liệu, trong đó có khoảng hơn 1.000 sâm Ngọc Linh, gần 630ha Đảng sâm, gần 58ha Đương quy, trên 168ha Nghệ vàng, gần 117ha Sa nhân...

Hình thành được một số vùng trồng dược liệu tập trung, như: vùng trồng Sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông; Đăk Glei; vùng trồng Sâm dây tại tại huyện Tu Mơ Rông; Đăk Glei; vùng trồng Sa nhân tím tại huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum; có 02 cơ sở đủ điều kiện sản xuất và cung ứng giống Sâm Ngọc Linh là Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Cà Mau khởi công Dự án hồ chứa nước ngọt phục vụ trên 110.000 dân

Hồ chứa nước ngọt có dung tích thiết kế 3,85 triệu khối nước, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 113.000 người dân huyện U Minh.

UBND tỉnh Cà Mau vừa tổ chức Lễ khởi công Dự án công trình hồ chứa nước ngọt, thuộc hạng mục đầu tư của Tiểu dự án 8, Dự án Chống chịu khí hậu bền vững và Sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (dự án ICRSL).

Hồ chứa được xây dựng trên phần đất công diện tích 102 ha tại khu B3, B4 Khu tái định cư - định canh xã Khánh An, huyện U Minh, có dung tích thiết kế 3,85 triệu khối nước, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 113 ngàn người dân huyện U Minh.

Hồ chứa nước ngọt là hạng mục công trình thuộc Tiểu dự án 8 “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau”, Dự án ICRSL. Công trình được đầu tư bằng vốn vay ODA của ngân hàng Thế giới. nhà thầu thi công là Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Thới Bình - Công ty cổ phần Xây dựng Thủy lợi Cà Mau, thời gian thi công dự kiến trong 1 năm.

Với mục tiêu chính là cung cấp nước sinh hoạt, hồ còn trữ nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng và cung cấp một phần nước phục vụ sản xuất vào mùa khô, giúp giảm thiệt hại diện tích cây trái, hoa màu của người dân. Trong tương lai, nếu được tiếp nguồn nước ngọt từ sông Hậu về thì hồ có khả năng trữ nước phục vụ thêm cho khu vực huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và Khu công nghiệp Khánh An.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, công trình xây dựng hồ chứa nước ngọt là công trình quan trọng, phục vụ đắc lực cho sản xuất, phòng cống cháy rừng và sinh kế của người dân.

Để công trình sớm được hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị nhà thầu thi công tập trung nguồn lực triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ như đã cam kết; tuân thủ đúng quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, an toàn lao động và phòng, chống dịch Covid-19 trong tất cả các hoạt động xây dựng của dự án. Trong đó, Sở NN&PTNT cần phát huy tốt chức năng, vai trò vừa là chủ đầu tư dự án vừa là cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được UBND tỉnh giao, thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, chỉ đạo để công trình được xây dựng đảm bảo tiến độ, an toàn, hiệu quả.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận “vượt bão Corona”, xây “khát vọng Cửu Long Giang”

Những hạng mục phụ trợ cuối cùng trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được chủ đầu tư lắp đặt, hoàn thiện kịp thông xe trước Tết Nhâm dần, góp sức vào sự phát triển của ĐBSCL.

Hành trình 12 năm của tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là chặng đường trải đầy gian khó, trong đó có gần 10 năm dưới sự quản lý điều hành của nhà đầu tư cũ, yếu kém, sai phạm đã dẫn đến “đổ bể” và lao lý cả một đội ngũ quản trị.

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã sẵn sàng cho ngày thông xe

Dự án này chỉ thực sự chuyển mình kể từ thời điểm Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị điều hành. Với hàng loạt các giải pháp, biện pháp đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn và thành công qua hàng loạt các dự án xây dựng hạ tầng giao thông của tập đoàn này, những vướng mắc, trở lực và tồn đọng của Dự án tuần tự được cắt bỏ, mở đường hanh thông cho công trình tăng tốc băng băng về đích.

Nếu ví tiến độ Dự án như đường chạy tiếp sức, thì khi những “người Đèo Cả” nhận gậy từ “đồng môn” đã bỏ cuộc để tiếp tục đường đua nước rút thực sự là giai đoạn gian nan trùng điệp, nhất là trong bối cảnh xã hội, thế giới đang phủ đầy bóng đen mang tên Corona virus (Covid- 19).

Trong 2 năm qua, có giai đoạn dịch Covid- 19 tấn công trực diện vào ban điều hành, các lán trại nơi hàng trăm kỹ sư, người lao động trên công trình cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với 40 cán bộ và người lao động của dự án là F0, trong đó có cả Phó Chủ tịch HĐQT và một số chỉ huy công trường.

“Tháng 6/2021 thời điểm căng nhất tại Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Hàng trăm nhân sự là F0, F1, F2 phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại chỗ, một số gói thầu phải tạm ngưng thi công, việc cung ứng vật liệu tê liệt do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội”, ông Nguyễn Tấn Đông – Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả kể lại.

Khi dịch bùng phát tại tỉnh Tiền Giang vào tháng 6/2021 cũng là lúc nguồn vắc xin phòng Covid-19 trong cả nước đang khan hiếm. Để giữ công trường không bị gián đoạn, Tập đoàn Đèo Cả đã cùng với tỉnh Tiền Giang chủ động kiến nghị Bộ Y tế phân bổ nguồn vắc xin cho người lao động làm việc trực tiếp và gián tiếp tại dự án Trung Lương - Mỹ Thuận.

Khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận được báo cáo mang tính cấp thiết, cảm thông với lịch sử trắc trở và tình huống khẩn cấp của dự án, Bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ vắc xin cho người lao động tại Dự án Trung Lương – Mỹ Thuận. Điều này đã giúp giải quyết nhanh nhất khâu phòng, chống lây nhiễm, ổn định và đảm bảo tiến độ đang thi công đang ở nhịp độ cao của dự án quan trọng này.

Cùng với đó, các kịch bản ứng phó trước các diễn biến khó lường đến từ ngoại cảnh đã được Tập đoàn Đèo Cả xây dựng để tránh sự bị động trong mọi tình huống.

Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả đã chỉ đạo xây dựng hình thành các ê kíp độc lập nằm ở các khu vực khác nhau để kịp thời ứng cứu điều phối công việc, kiểm soát nhân sự tại chỗ, quyết liệt đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án trong bối cảnh dịch bệnh... điều phối bổ sung nhân sự kịp thời từ miền Bắc, miền Trung vào Nam thay thể cho các nhân sự đang phải cách ly, với tinh thần không để các hoạt động trong toàn hệ thống không bị gián đoạn.

Theo ông Hồ Đình Chung, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, diễn biến dịch Covid- 19 quá phức tạp khó lường, tuy nhiên không vì vậy mà nản lòng. Lúc đó, chúng tôi đã chuẩn bị các phương án sẵn sàng “sống chung với dịch bệnh”.

“Tại thời điểm đó, các ca khúc “Khát vọng Cửu Long Giang” và “Vượt bão Corona” do Chủ tịch Tập đoàn Hồ Minh Hoàng viết, như một liệu pháp tinh thần, làm kim chỉ nam vượt khó, chống dịch và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà anh em chúng tôi đã hát vang ở mọi nơi, qua các không gian công trình trong giai đoạn đặc biệt này... Chính những ca từ, giai điệu ấy đã làm động lực thôi thúc chúng tôi hoàn thành mục tiêu kép, vừa hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh, vừa tổ chức thi công hoàn thành công trình", ông Chung nhớ lại.

Bên cạnh đó, việc các tỉnh, thành phía Nam đồng loạt thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đã ảnh hưởng rất lớn tới tình hình triển khai các gói thầu của Dự án.

Để tiếp cận và vận chuyển vật liệu vào được công trường của dự án các nhà thầu gặp nhiều khó khăn do phải thường xuyên qua lại giữa các điểm chốt phòng dịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng như các điểm chốt phòng dịch ở các tỉnh phụ cận khác.

“Chúng tôi đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và phối hợp với các Trung tâm y tế nơi dự án đi qua để thực hiện test nhanh Covid - 19 theo định kỳ 3 ngày/1 lần, test cho người lao động tham gia thi công, nhằm đáp ứng các điều kiện phòng dịch của địa phương, đồng thời không làm gián đoạn nguồn cung vật liệu, vận chuyển... ảnh hưởng đến tiến độ thi công”, ông Chung nói.

Vượt qua hàng loạt nghịch cảnh nhưng đầu năm 2022, Tập đoàn Đèo Cả đã “bàn giao” cầu Cửa Lục 1, hầm Bao biển cho tỉnh Quảng Ninh và trong năm 2021 rất nhiều dự án/gói thầu trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam vẫn luôn rộn rã thanh âm lao động.

Tuy nhiên, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là vẫn là dự án đã giành được sự quan tâm và tập trung nguồn lực cao nhất từ phía Tập đoàn Đèo Cả .

“Đây là dự án mà trong bất kỳ cuộc họp giao ban nào cũng được Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xác định là ưu tiên số 1, quan tâm số 1. Bởi Trung Lương - Mỹ Thuận là uy tín của Đèo Cả, là niềm tin của Chính phủ và kỳ vọng của hơn 21 triệu đồng bào ĐBSCL; vùng địa dư có vai trò quan trọng trong đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước”, ông Nguyễn Tấn Đông cho biết.

Theo đó, sự “quan tâm số 1” không chỉ bằng quyết tâm, ý chí mà thực hiện bằng các hành động cụ thể, như khi liên danh các nhà đầu tư, nhà thầu gặp khó khăn về vốn do ảnh hưởng của đại dịch, Đèo Cả đã ứng vốn cho dự án tới 500 tỷ đồng để nhập vật liệu, chi phí nhân công... với một tinh thần “không để dự án vì thiếu tiền mà ngưng thi công, chậm tiến độ”.

Các vấn đề nan giải khác như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đi qua vùng có cấu tạo địa chất với nền đất yếu, nạn xâm nhập mặn tại ĐBSCL khiến kỹ thuật thi công, con đường vận chuyển nguyên vật liệu đến với dự án thêm dài, thời gian thêm lâu và giá cả thêm đắt đỏ phát sinh chi phí.

“Chúng tôi đã chủ động mời các chuyên gia nghiên cứu và tiến hành xử lý kỹ thuật. Đối với việc giải quyết bài toán nguồn nguyên vật liệu khan hiếm, giá cả leo thang, Ban Điều hành cũng đã chủ động tìm kiếm nhà cung cấp và ký kết hợp đồng bình ổn giá. Việc tranh chấp giữa các đơn vị trong quá khứ, tình trạng thông đồng giữa các nhà thầu, các nhà thầu không đủ nguồn lực, năng lực tham gia dự án cũng được rà soát loại bỏ…”, ông Nguyễn Tấn Đông nói.

Như một mệnh lệnh từ trái tim đối với hàng chục triệu đồng bào vùng Tây Nam Bộ và cũng là của cả nước, Tập đoàn Đèo Cả đã nỗ lực hết mình để thông tuyến, đồng thời đơn vị này cũng vừa gửi văn bản kiến nghị đến các bên liên quan để phối hợp tổ chức cho bà con cùng phương tiện giao thông lưu thông thuận tiện trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 đang đến gần.

"Đèo Cả bây giờ là lực lượng tiên phong, tuy dịch Covid-19 tác động rất lớn nhưng đơn vị này vẫn duy trì được tiến độ và chất lượng thi công công trình, đặc biệt là việc “điều quân khiển tướng”, điều phối nhân sự, quản người… Đây cũng là kinh nghiệm thực tiễn quý giá mà doanh nghiệp này đã có được. Ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh làm đóng băng đa số các hoạt động nhưng Đèo Cả vẫn làm được, hoàn thành các mục tiêu đề ra”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu hôm 25/10/2021 khi thăm dự án.

Goertek tăng vốn lên 500 triệu USD, trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Nghệ An

Goertek tăng vốn đầu tư từ 100 triệu USD lên 500 triệu USD tại dự án chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Nghệ An.

UBND tỉnh Nghệ An vừa trao Giấy chứng nhận đăng ký (điều chỉnh) đầu tư Dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An cho Tập đoàn Goertek.

Dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện là một trong những dự án trọng điểm mà tỉnh Nghệ An thu hút đầu tư với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 100 triệu USD.

Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 21/01/2021, chỉ sau 3 tháng được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Dự kiến đến tháng 06/2022, Dự án sẽ hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 và đi vào hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động. Giai đoạn 2, dự kiến Dự án sẽ hoàn thành vào giữa năm 2023, tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động.  

Sau hơn 1 năm triển khai, Tập đoàn Goertek đã quyết định đầu tư tăng thêm 400 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của Dự án lên 500 triệu USD, trở thành dự án FDI có quy mô vốn đầu tư lớn nhất tỉnh Nghệ An hiện nay.

“Đây là một trong những dự án trọng điểm mà Nghệ An thu hút đầu tư với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 100 triệu USD, được thực hiện trên diện tích 40,47 ha, công suất thiết kế của dự án hơn 381,5 triệu sản phẩm/năm tại Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An”, ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho hay.

Ông Jiang Hong Zhai, Phó chủ tịch cao cấp Tập đoàn Goertek, Tổng giám đốc Goertek Vina bày tỏ, giai đoạn 1 Dự án đã thực hiện được hơn 60%, dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ đi vào hoạt động.Trên cơ sở môi trường đầu tư tốt với chính sách ưu đãi trong xúc tiến đầu tư của tỉnh Nghệ An, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với hiệu quả của công tác giải quyết thủ tục hành chính với động thái hoàn thiện các thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án chỉ trong vòng 10 ngày làm việc. Việc làm này tạo niềm tin cho Tập đoàn tiếp tục mở rộng đầu tư cho Dự án thêm 400 triệu USD vào Nghệ An”.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung tin tưởng rằng, khi dự án đi vào hoạt động sẽ là một trong những dự án động lực để thu hút nhiều Nhà đầu tư khác quan tâm, nghiên cứu đầu tư tại tỉnh Nghệ An, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Dự án cũng sẽ tạo tiền đề phát huy hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh Nghệ An và của khu vực.

“Xác định đây là niềm tin và sự kỳ vọng lớn của Nhà đầu tư dành cho tỉnh Nghệ An, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành cùng với Nhà đầu tư để hỗ trợ việc triển khai Dự án thành công trên địa bàn”, Chủ tịch Nghệ An bày tỏ.

Biết đến doanh nghiệp dự án - Công ty TNHH công nghiệp chính xác Goertek Vina - được thành lập ngày 30/10/2020, do ông Zhu Sheng Bo (sinh năm 1974, Trung Quốc) làm người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch công ty. Khi thành lập, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 460 tỷ đồng.

Được biết, Tập đoàn Goertek được thành lập vào tháng 6 năm 2001 và được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến vào tháng 5 năm 2008. Thông qua hợp tác với nhiều đối tác trên thế giới, Goertek đã đạt doanh thu rừ hoạt động kinh doanh khoảng 25,5 tỷ nhân dân tệ vào năm 2017, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm hơn 40%.

Trước đó, ngày 30/12/2021, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng tại Khu công nghiệp Hoàng Mai, thị xã Hoàng Mai. Dự án có diện tích 120ha, tổng vốn đầu tư khoảng 4.627 tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD.

Dự án do Excel Smart Global Limited làm chủ đầu tư, mục tiêu là sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính; Sản xuất các cấu kiện kim loại, các sản phẩm từ plastic; Gia công cơ khí; Sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, xe có động cơ và các sản phẩm cấu kiện khác.

Kon Tum chấp thuận đầu tư dự án Thủy điện Đăk Re Thượng

UBND tỉnh Kon Tum cho biết vừa chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Thủy điện Đăk Re Thượng của Công ty CP Thuỷ điện Thiên Tân.

Theo đó, Dự án được thực hiện tại xã Hiếu, huyện Kon Plông với mục tiêu chính là sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Quy mô dự án là 14MW, điện lượng trung bình năm 35,71 triệu Kwh. Diện tích mặt đất sử dụng 17,4 ha. Trong đó, diện tích chiếm đất vĩnh viễn 14,93 ha; diện tích chiếm đất tạm thời 2,47 ha.

Dự án có tổng vốn đầu tư 420 tỷ đồng; trong đó, vốn chủ sở hữu trên 126 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 30% tổng mức đầu tư; Vốn vay: 294 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 70% tổng mức đầu tư.

Dự án có thời gian hoạt động 50 năm, kể từ ngày được nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Dự án dự kiến bắt đầu khởi công từ tháng 7/2022 và được hoàn thành vào tháng 12/2024.

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Công ty CP Thuỷ điện Thiên Tân có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ cam kết; tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai, rừng, môi trường, khoáng sản, lao động, nghĩa vụ tài chính và các quy định khác có liên quan.

Đồng thời, phải thực hiện đúng các quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện, vận hành khai thác công trình thủy điện và các quy định của pháp luật khác có liên quan; không được làm ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên hiện có khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép...

Đã có giải pháp tăng độ tin cậy của hệ thống Tracker cho điện mặt trời

Các giải pháp sáng tạo để tăng độ tin cậy cũng như giảm chi phí vận hành, bảo dưỡng trong suốt vòng đời của hệ thống Tracker vừa được TrinaTracker giới thiệu tới khách hàng Việt Nam.

Đến cuối năm 2020, tại Việt Nam, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên toàn quốc đạt 19.400 MWp (tương đương 16.500 MWac), chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia.

Tuy nhiên, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mặc dù điện mặt trời đã có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam nhưng với đặc thù là phụ thuộc vào các thời gian cụ thể trong ngày nên việc vận hành hệ thống điện gặp rất nhiều khó khăn.

Trước thực tế này, hệ thống Tracker đã được tạo ra để tận dụng bức xạ mặt trời hiệu quả nhất có thể, giúp tăng lượng bức xạ năng lượng đến giàn pin mặt trời nhằm sản sinh ra lượng điện nhiều hơn so với các cơ cấu cố định .

Việc áp dụng hệ thống Tracker bởi thế cũng giúp nâng cao hiệu suất phát điện của hệ thống pin mặt trời đồng thời giúp tiết kiệm chi phí vận hành và bảo dưỡng (O&M) nên rất được các nhà đầu tư quan tâm.

TrinaTracker cũng giới thiệu phương pháp thiết kế lắp ráp và bảo trì của công ty đã giúp công tác bảo trì, vận hành hiệu quả hơn và sử dụng ít nhân lực hơn, qua đó làm giảm chi phí hoạt động (OPEX) và giảm rủi ro thất thoát năng lượng trong những lúc nhà máy ngừng hoạt động vì phải thực hiện các nhiệm vụ sửa chữa và thay thế trong giai đoạn vận hành của Dự án.

Các chuyên gia của Trina Tracker cho hay, TrinaTracker giảm được tỷ lệ hỏng hóc nhờ các thiết kế được tối ưu hóa của hai hệ thống Tracker Agile 1P và Vanguard 2P kết hợp với nhau giúp giảm tới 33% lượng bộ phận tạo nên hệ thống Tracker.

Ngoài ra còn có các giải pháp thông minh giúp cải tiến chi phí O&M, bao gồm robot làm sạch tương thích và hệ thống TrinaTracker SCADA độc quyền.

Andrew Gilhooly, Trưởng phòng kinh doanh Trina Tracker và Giải pháp tiện ích cho Trina ở châu Á Thái Bình Dương nhận xét, để các chủ sở hữu hệ thống năng lượng mặt trời đạt được mục tiêu chi phí sản xuất điện quy dẫn (LCOE) thấp nhất, cần phải  đạt đến sản lượng điện dài hạn cao nhất, và điều này có liên hệ chặt chẽ với việc đảm bảo công nghệ Tracker được sử dụng vừa đáng tin cậy lại vừa tiết kiệm chi phí để duy trì dự án. TrinaTracker cũng áp dụng phương pháp tiếp cận toàn bộ vòng đời trong quá trình thiết kế để đảm bảo độ tin cậy tối đa của sản phẩm và sử dụng các giải pháp cải tiến để giảm thiểu chi phí cho các hoạt động O&M cho khách hàng.

Các tài liệu về “Các giải pháp cải tiến hệ thống Tracker giúp gia tăng độ tin cậy và giảm chi phí vận hành” có thể tìm được ở địa chỉ https://bit.ly/3FIRbn9.

Chính thức khánh thành Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông

Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội, tuyến Cát Linh- Hà Đông là công trình đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam được khánh thành sau 2 tháng chạy khai thác thương mại an toàn.

Sáng nay (13/1), tại Hà Nội, Bộ GTVT phối hợp với UBND Tp Hà Nội, Đại sứ quán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam đã tổ chức Lễ khánh thành Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hùng Ba; lãnh đạo UBND Tp Hà Nội và đại diện các bộ, ngành trung ương.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, Dự án Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt đô thị được triển khai thí điểm đầu tiên cũng như tại Tp Hà Nội bằng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đến nay, Dự án đã được nghiệm thu và Bộ GTVT bàn giao cho thành phố Hà Nội đưa vào vận hành khai thác an toàn tuyệt đối từ ngày 6/11/2021.

“Việc chính thức tổ chức Lễ khánh thành Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng về việc Dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã được triển khai thành công, đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật; qua đây, thành phố Hà Nội sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng các dự án đã và đang triển khai tại Thủ đô”, ông Đông đánh giá.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nội, đại diện cho bên tiếp nhận Dự án cho biết, sau 2 tháng vận hành khai thác, hiện mỗi ngày tuyến vận chuyển bình quân 14.917 hành khách.

Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gần đây số hành khách tham quan, trải nghiệm trên tuyến tuy có giảm nhưng hành khách có nhu cầu sử dụng thực tế là những người đi làm, đi học thường xuyên trên tuyến bằng vé tháng giữ ổn định và đang có xu hướng tăng: từ 10% ban đầu lên hơn 20%, và dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới khi học sinh, sinh viên đi học trực tiếp trở lại.

Lãnh đạo UBND Tp Hà Nội thông tin: ngày hôm nay cắt băng Khánh thành Dự án cũng là ngày đón Hành khách thứ 1 triệu đi tàu Cát Linh – Hà Đông.

Ông Hùng Ba, Đại sứ sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam, cho biết Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông nằm trong chương trình Một vành đai, Một con đường của Chính phủ Trung Quốc, góp phần cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô Hà Nội.

“Đây không chỉ là dự án thương mại đơn thuần, mà còn là biểu trưng cho tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc. Do đó, chúng tôi hy vọng dự án sẽ phát huy hiệu quả đầu tư, đặc biệt là trong việc nâng cao năng lực vận hành, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, Đại sứ Hùng Ba nhấn mạnh.

Dự án có tổng chiều dài chính tuyến 13,05km, toàn bộ đi trên cao (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao) và khu Depot tại Phú Lương – quận Hà Đông; mua sắm 13 đoàn tàu.

Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1435 mm; tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác là 35km/h; thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23,63 phút; khi đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h-23h hàng ngày.

Khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga với sức chở tối đa 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường tàu được khai thác 10 phút/chuyến. Lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu người/ngày.

Qua 2 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư Dự án là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,632 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu, trong đó vốn vay của Trung Quốc là 13.867,1 tỷ đồng (tương đương 669,62 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 4.134,399 tỷ đồng (tương đương 198,42 triệu USD.

Từ tháng 10/2011 Dự án chính thức được khởi công xây dựng và cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 11/2018.

Đón cơ hội “vàng”, Hà Nội sẽ thành lập 2 đến 5 khu công nghiệp mới

Các khu công nghiệp mới sẽ được Hà Nội rốt ráo thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án “Thành lập 2-5 khu công nghiệp mới, giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, thành phố xác định và phấn đấu hoàn thành mục tiêu thành lập 5 khu công nghiệp (KCN) mới trong giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể: KCN Sạch Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn diện tích 302,8ha ở hai xã Minh Trí và Tân Dân; KCN Đông Anh, huyện Đông Anh diện tích 300ha ở các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh; KCN Bắc Thường Tín, huyện Thường Tín diện tích 112ha ở các xã Văn Bình, Ninh Sở, Liên Phương; KCN Phú Nghĩa mở rộng, huyện Chương Mỹ diện tích 389ha ở các xã Phú Nghĩa, Trường Yên, Ngọc Hòa; KCN Phụng Hiệp, huyện Thường Tín diện tích 174,88ha ở các xã Dũng Tiến, Nghiêm Xuân, Tô Hiệu, Thắng Lợi.

Việc thành lập các KCN này nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH của thành phố trong thời gian tới.

Theo thông tin từ UBND TP.Hà Nội, đến tháng 12/2021, các KCN của Hà Nội đã thu hút gần 165 nghìn người lao động (trong đó, lao động nước ngoài là 1.100 người), bình quân 1ha đất đã tạo việc làm cho hơn 160 lao động. Các doanh nghiệp trong KCN đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Theo đánh giá của các sở, ngành thành phố, đến nay, trên địa bàn thành phố có 10 KCN đang hoạt động với diện tích 1.347,42 ha, trong đó có 9 KCN với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.

Tính đến đầu tháng 12/2021, các KCN của Hà Nội đã thu hút được trên 700 Dự án. Trong đó, có 303 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,1 tỷ USD; 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 18.000 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân trên 18 triệu USD/dự án FDI, trên 53 tỷ đồng/dự án trong nước; bình quân 1ha đất thu hút 5,5 triệu USD vốn đăng ký đầu tư.

Theo báo cáo Quý 4/2021 của Cushman & Wakefield Việt Nam về thị trường bất động sản công nghiệp Hà Nội, hầu hết các dự án hiện tại đều đã được lấp đầy hoặc có diện tích cho thuê hạn chế.

Báo cáo này nhận định, với những ưu đãi của Chính phủ, chi phí lao động cạnh tranh, môi trường chính trị ổn định, triển vọng kinh tế tích cực và các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, Việt Nam đã trở nên được ưa chuộng bởi các nhà đầu tư nước ngoài đang di chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Hiện giá thuê đất công nghiệp tại Hà Nội tăng cao. Giá chào thuê trung bình tại Hà Nội đạt 3,2 triệu đồng/m2/kỳ, tương đương 142,3 USD/m2/kỳ, giữ ổn định so với quý trước nhưng tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do giá thuê tăng tại các khu công nghiệp hiện hữu với quỹ đất cho thuê hạn chế. Giá thuê đất công nghiệp bình quân tại Hà Nội vẫn cao nhất so với các tỉnh phía Bắc, cao hơn Hưng Yên 71%, và cao hơn Hải Phòng và Bắc Ninh lần lượt là 48% và 50%.

Giai đoạn sắp tới vào năm 2022-2023 sẽ là cơ hội vàng cho Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp. Trong dài hạn, nhiều công ty đang tìm giải pháp thiết kế lại chuỗi cung ứng của họ. Một số nhà sản xuất đã bắt đầu mở rộng hoạt động tại các thị trường mới để giúp đa dạng hóa sản xuất.

Các thị trường phát triển có thể sẽ được hưởng lợi từ việc sắp xếp lại các yếu tố, “nhiệm vụ then chốt” của chuỗi cung ứng. Trong tương lai, sự tăng trưởng thương mại nội vùng ở châu Á sẽ tăng chóng mặt, bởi người tiêu dùng trong khu vực sẽ tiêu thụ nhiều hàng hóa được sản xuất tại khu vực hơn. Điều này sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng sản xuất và hậu cần.

Giao đầu mối chuẩn bị đầu tư cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh trị giá 4.770 tỷ đồng

Dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 sẽ xây dựng theo quy mô cao tốc 4 làn xe hạn chế, bề rộng đường nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 34/QĐ – BGTVT về việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc.

Hướng tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh

Theo đó, Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có trách nhiệm triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 theo quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ yêu cầu; đồng thời phối hợp với ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Keximbank), các cơ quan liên quan trong việc quản lý và sử dụng vốn vay ODA theo quy định.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2203/QĐ – TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 sẽ sử dụng vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc.

Cụ thể, Dự án do Bộ GTVT đóng vai trò là chủ quản đầu tư này có mục tiêu tổng quát là từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và các tỉnh Long An, Đồng Tháp nói riêng

Mục tiêu cụ thể của Dự án là đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 để phát huy hiệu quả Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông; hoàn thiện, kết nối tuyến N2, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây.

Theo Quyết định số 2203, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 sẽ xây dựng theo quy mô cao tốc 4 làn xe hạn chế, bề rộng đường nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Dự kiến tổng vốn thực hiện dự án khoảng 4.770,75 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc là 3.677,22 tỷ đồng (tương đương 158,80 triệu USD) sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA; phần vốn đối ứng dự kiến khoảng 1.093,53 tỷ đồng sử dụng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công), chi phí QLDA, chi phí tư vấn trong nước như: chi phí khảo sát, lập dự án đầu tư, thẩm tra thiết kế kỹ thuật, chi phí thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành, chi phí khác... theo các quy định hiện hành; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.

Thủ tướng yêu cầu khởi công xây dựng Nhà ga T2 Sân bay Đồng Hới trong năm 2022

Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không Đồng Hới, Quảng Bình có công suất khai thác 3 triệu hành khách/năm; tổng mức đầu tư 1.222 tỷ đồng.

Có tới 2 chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên quan đến phát triển hạ tầng hàng không Quảng Bình được đề cập trong Thông báo số 15/TB – VPCP ngày 12/1/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình hôm 22/12/2021.

Theo đó, liên quan đến việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế để phát huy tiềm năng lợi thế, khai thác di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về khởi công Dự án đầu tư, xây dựng Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Đồng Hới trong năm 2022, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) có văn bản cam kết tiến độ, lộ trình cụ thể, vốn đầu tư thực hiện Dự án báo cáo Thủ tướng.

“Trường hợp ACV không có khả năng thực hiện khởi công Dự án trong năm 2022, giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với tỉnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Đồng Hới theo quy định”, Thủ tướng chỉ đạo.

Đối với đề xuất giao UBND tỉnh Quảng Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án thành phần đoạn Bùng - Vạn Ninh (thuộc Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông), tỉnh Quảng Bình có văn bản chính thức, giao Bộ GTVT thống nhất với tỉnh, báo cáo Thủ tướng sau khi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trước đó, ACV đã nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không Đồng Hới theo quy định của Luật Đầu tư 2020.  

ACV dự kiến xây dựng nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không Đồng Hới với công suất khai thác 3 triệu hành khách/năm; tổng mức đầu tư 1.222 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư 100%. 

Tin liên quan
Tin khác