Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Chỉ đạo được đưa ra tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cắt hơn 2.000 điều kiện kinh doanh.
Tổ công tác sẽ tiếp tục công việc rà soát, đề xuất bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, không tuân thủ đúng các quy định về điều kiện kinh doanh của Luật Đầu tư.
Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Nghị định về tiêu chuẩn, quy trình ban hành điều kiện kinh doanh.
Trong Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật kéo dài cả ngày 22/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng của hệ thống quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh (ĐKKD), thành tựu, bất cập và kiến nghị giải pháp.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị cắt hơn 2.000 điều kiện kinh doanh, đi kèm với các đề xuất thay đổi cách thức quản lý kinh doanh theo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của OECD theo hướng thay các điều kiện có tính chất tiền kiểm, chi phí lớn bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn; chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Cụ thể, Nhà nước cho phép doanh nghiệp tự kiểm tra sản phẩm và công bố hợp chuẩn, hợp quy. Nhà nước thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm, dịch vụ để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật. Triệt để áp dụng quản lý theo hướng quản lý dựa trên rủi ro để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí.
Theo kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, toàn bộ 1.336 điều kiện kinh doanh về năng lực sản xuất, toàn bộ 127 điều kiện về phương thức kinh doanh, toàn bộ 85 điều kiện về địa điểm, 80 điều kiện về quy hoạch... cần được bãi bỏ. Lý do là quy định bất hợp lý về điều kiện kinh doanh đã và đang gây ra tác động tiêu cực đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh: tạo ra rủi ro; hạn chế và làm méo mó cạnh tranh; gia tăng chi phí sản xuất; hạn chế sáng tạo, kìm hãm hình thành chuỗi kinh doanh; tác động bất lợi đến doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Số này bằng gần một nửa so với 4.284 yêu cầu, điều kiện kinh doanh đang được áp dụng cho 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hiện hành.
Kiến nghị bãi bỏ các yêu cầu, điều kiện về kinh doanh:
- Bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính.
- Bãi bỏ toàn bộ 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm.
- Bãi bỏ toàn bộ 1336 điều kiện về năng lực sản xuất.
- Bãi bỏ toàn bộ các điều kiện về nhân lực, trừ một số nghề thực sự đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, ví dụ như nghề y, nghề kiểm toán.
- Bãi bỏ toàn bộ 127 điều kiện về phương thức kinh doanh.
- Bãi bỏ toàn bộ 80 điều kiện về quy hoạch.
- Bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các điều kiện có nội dung không phù hợp khác.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư