Sự xuất hiện của những diễn giả đã trải qua nhiều năm lên thác xuống ngềnh với kinh doanh khi chia sẻ về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nhân khởi nghiệp (startup) tại Diễn đàn Phong Cách Doanh Nhân – Leader Talk với chủ đề “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” đã thu hút khoảng 300 doanh nhân cả nước tham dự.
Chưa bao giờ thấy vấn đề doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội (CSR) nóng bỏng như thời gian qua. Từ doanh nghiệp có doanh thu ngàn tỷ đến các startup đang băn khoăn không biết nên làm thế nào để thể hiện đúng trách nhiệm xã hội của mình.
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Giải thưởng Top 100 Phong Cách Doanh Nhân 2016. |
Theo ông Trần Anh Vương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thép Bắc Việt trải qua mấy chục năm trên thương trường, ông Vương coi CSR là chuyện đương nhiên khi các cổ đông đem tài sản đóng góp cho doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho những người điều hành và những người điều hành có trách nhiệm lại với đời sống của công nhân.
Trong khi đó, bà Lê Thị Ngọc Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lê Bảo Minh cho rằng, CSR không phải làm từ thiện như nhiều doanh nhân vẫn nghĩ. Doanh nhân chọn những việc mình thích, mình muốn để làm và tuân thủ pháp luật để có trách nhiệm với xã hội, nhân viên, bảo đảm môi trường làm việc, trả lương xứng đáng, công bằng.
“20 năm qua, bài học về CSR đối với tôi đến từ tinh thần kinh doanh và trách nhiệm, uy tín của các doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam đầu tư. Đó là Hãng điện tử Canon, họ sang Việt Nam đầu tư nhà máy, trước khi làm họ đã lấy mẫu đất đi kiểm tra xem có bị ô nhiễm môi trường hay không, để sau nhiều năm nếu họ rời khỏi khu đất đó, họ sẽ trả lại đất cho chủ đầu tư Việt Nam mà không bị ảnh hưởng môi trường”, bà Hải chia sẻ và khẳng định CSR với bà là những điều gì mình không thích, không ưa thì đừng làm cho người khác.
Bà Lê Thị Ngọc Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lê Bảo Minh kể bài học CSR với các doanh nghiệp Nhật Bản |
Hiện Lê Bảo Minh phân phối chính thức tại Việt Nam các dòng sản phẩm của Canon. Tuy nhiên, sau một thời gia dài đứng trên đôi chân người khổng lồ, bà Hải muốn thực hiện CSR với Việt Nam bằng cách nghĩ ra mô hình kinh doanh gì để có thể tạo cho thế hệ kế thừa những công việc ý nghĩa. Hiện công ty này đang thể hiện CSR của mình bằng cách không đào thải người lao động mà luôn tìm cơ hội thông qua việc luân chuyển nhiều vị trí khác nhau, tạo môi trường để họ tiến thân.
Còn đối với doanh nhân startup như chị Phạm Thị Thanh Thúy, Tổng Giám đốc Euro Stemcell khi từ châu Âu về Việt Nam khởi nghiệp ở lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ chị không lấy làm lạ với khái niệm CSR vì ở châu Âu đã quá thịnh hành và coi đó là điều hiện nhiên.
“Tôi nghĩ các startup khi bắt đầu kinh doanh cần đặt mục tiêu phát triển bền vững đầu tiên. Bởi muốn tạo ra sản phâm mới phải mang lại điều gì tốt cho xã hội, lợi ích cho con người, càng tự nhiên càng tốt. Nếu đi ngược lại mong muốn đó sẽ bị tẩy chay, nhất là khi hội nhập AEC, TPP, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam họ càng nghiên cứu kỹ điều đó hơn”, chị Thuý cho biết. Chiến lược mới trong câu chuyện CSR đối với các startup thành công là không nhìn vào giá trị kinh tế của sản phẩm mà tính xã hội của sản phẩm đó
Như vậy có thể thấy, các doanh nghiệp dù khởi nghiệp hay lâu năm cần đảm bảo rằng không thể đánh đổi gia tăng thương mại bằng những hậu quả về tác động môi trường hoặc vi phạm quyền của người lao động. Người tiêu dùng ngày càng có ý thức rõ hơn về việc các sản phẩm họ mua được sản xuất trong điều kiện môi trường và lao động như thế nào. Nhận thức cao của người tiêu dùng sẽ tạo ra áp lực đối với các doanh nghiệp buộc họ phải thay đổi chiến lược CSR.