Mô hình Dự án Khu công viên phần mềm, công nghệ thông tin tập trung tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Những tia sáng
Đầu tư nước ngoài vào bất động sản vẫn có những tia sáng le lói và tín hiệu tích cực về quy mô dự án, mặc dù tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này chỉ đạt 2,41 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2021, bằng 63% so với cùng kỳ năm trước.
Dự án Khu công viên phần mềm, công nghệ thông tin tập trung tỉnh Thừa Thiên Huế (Thành phố truyền thông thông minh) là một trong những tia sáng đó, sau quyết định đầu tư hơn 151 triệu USD của liên danh Công ty TNHH SMC Huế (SMC Hue) - Tập đoàn bất động sản thuộc sở hữu chính phủ Hàn Quốc Korea Land and Housing Corporation (LH). Dự án có tổng chi phí thực hiện (không gồm chi phí giải phóng mặt bằng) là 3.458 tỷ đồng, với quy mô 39,6 ha tại Khu B - Đô thị mới An Vân Dương.
Với bất động sản công nghiệp - phân khúc phát triển nở rộ trong 2 năm qua, bất chấp tác động của dịch Covid-19, nhà đầu tư ngoại cũng có những chuyển động đáng chú ý. Trong năm 2021, liên doanh phát triển bất động sản logistics quy mô 1,5 tỷ USD giữa GLP và SLP đã khởi công hai dự án mới, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 57 triệu USD chỉ sau vài tháng được cấp phép đầu tư.
Đó là 3 trong số những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng chú ý trong 11 tháng qua. Xét cả giai đoạn, Việt Nam đã thu hút được 52 dự án FDI vào lĩnh vực bất động sản, với tổng vốn đăng ký mới đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Tuy số dự án FDI bất động sản cấp mới có giảm so với con số trong cùng kỳ năm 2019 và 2020 là 105 và 66 dự án, nhưng quy mô trung bình mỗi dự án giai đoạn 11 tháng qua đạt 25 triệu USD, cao gấp 1,7-1,8 lần so với cùng kỳ 2 năm trước.
Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài rót vào lĩnh vực bất động sản qua kênh góp vốn, mua cổ phần lại trở nên èo uột so với cùng kỳ 2 năm trước, khi chỉ đạt 109 lượt và tổng giá trị 982,7 triệu USD, lần lượt bằng 52% và 60% so với cùng kỳ năm 2019 và 2020.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lý giải, số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần sụt giảm trong bối cảnh sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, trong khi hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) toàn cầu giảm sút.
Về nguyên nhân chủ quan, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam (giảm số lượng, tăng về chất lượng) làm loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng. Ngoài ra, việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày trong những tháng dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án đến khảo sát và làm các thủ tục đầu tư…
Chặn đà suy giảm bằng giải pháp đồng bộ
Khối ngoại cho rằng, sự sụt giảm vốn nước ngoài vào bất động sản trong năm 2021 chỉ mang tính chất tạm thời, do Chính phủ áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại ở Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam khi dịch bùng phát mạnh. Còn niềm tin đầu tư dài hạn vào thị trường Việt Nam vẫn được giữ vững.
Đơn cử, song song với việc khởi công 2 dự án bất động sản logistics tại Việt Nam, liên doanh SLP - GLP vẫn âm thầm gom đất và phát triển các dự án theo kế hoạch đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào thị trường Việt Nam trong vòng 3 - 4 năm tới. Theo thông tin mới cập nhật, đến nay, SLP đã mua lại 6 dự án tại Việt Nam với tổng quỹ đất hơn 780.000 m2.
“Chúng tôi nhận thấy, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển và thu hút FDI”, ông Jenkin Chiang, Giám đốc điều hành SLP nói.
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, để thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục phát triển, tạo đà thu hút nhiều vốn FDI trong năm 2022, cần nỗ lực triển khai những giải pháp kết hợp. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục duy trì nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư một cách hợp lý để Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Việc xác định chính xác và tìm cách giải quyết nhanh chóng các vấn đề lớn của thị trường trong nước sẽ giúp khơi thông các “nút thắt” trong thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản.
Chẳng hạn, việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, chi phí trong đầu tư, xây dựng các dự án bất động sản sẽ tạo hiệu ứng tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đại diện Colliers Việt Nam cũng cho rằng, hệ thống cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cần được phát triển mạnh mẽ và đồng bộ hơn, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản sôi động hơn.
Cùng quan điểm hạ tầng đi trước kích thích bất động sản, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp tại CBRE Việt Nam lưu ý, việc đẩy mạnh và cam kết hoàn thành đúng tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm có tính chất liên kết vùng cao, như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay Long Thành, đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Hữu Nghị - Chi Lăng, hệ thống cảng biển và cảng cạn… sẽ kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản năm 2022.
Theo ông Hiếu, đây là những dự án có tính chất đòn bẩy giúp tạo thêm nguồn cung đất công nghiệp có chi phí thuê đất cạnh tranh ở Tiền Giang, Bình Thuận, Bình Phước, Bắc Giang, Quảng Ninh, từ đó tiếp tục giữ được lợi thế cạnh tranh về chi phí của Việt Nam.
“Song song với việc mở lại đường bay quốc tế và giảm thời gian cách ly, tạo điều kiện cho các đoàn khảo sát đầu tư đến Việt Nam, cũng cần tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho nhiều dự án đầu tư cho thuê kho xưởng của các chủ đầu tư thứ cấp được triển khai. Các dự án này sẽ tạo thêm nguồn cung kho xưởng để hỗ trợ thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp sản xuất”, ông Hiếu nhấn mạnh.