Doanh nghiệp
Ngành logistics M&A để gia tăng sức mạnh
Việt Dũng - 08/12/2021 10:30
Trước áp lực cạnh tranh gay gắt, không ít doanh nghiệp logistics tại Việt Nam đã thực hiện mua bán, sáp nhập (M&A) để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái logistics hoàn thiện. Trong ảnh: Cảng Gemalink (Bà Rịa - Vũng Tàu)    Ảnh: Lê Toàn

M&A để gia tăng sức mạnh

Tại Hội thảo "Nhận diện cơ hội và thách thức đối với sự phát triển ngành logistics TP.HCM" do Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA) tổ chức, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết, bất chấp đại dịch, 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu qua hải quan tại TP.HCM vẫn đạt 116 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.

Vì vậy, các doanh nghiệp logistics phải có bước trở mình để nắm bắt cơ hội phát triển.

Trong khi đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, mỗi năm, GRDP của TP.HCM đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, trong đó lĩnh vực logistics đóng góp trên 117.000 tỷ đồng, tương đương 8,6% GRDP toàn Thành phố, tuy nhiên, trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu, logistics chiếm hơn 19%. Trước sự hạn chế đó, ông Vũ cho rằng, việc đầu tư cho logistics chưa được nhiều, bởi các doanh nghiệp chủ yếu phát triển tự phát và chưa được quy hoạch phát triển bài bản.

Việc đưa logistics vào danh sách các ngành kinh doanh có điều kiện sẽ ảnh hưởng đến hoạt động logistics trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ vận tải đường biển, xếp dỡ container, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, dịch vụ vận tải hàng hóa đường thủy nội địa và dịch vụ vận tải đường bộ.

Ông Ruben Maximiano, chuyên gia cạnh tranh cấp cao của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) 

Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cũng nhìn nhận, tỷ trọng chi phí logistics đang chiếm đến 5% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp bán lẻ hiện đại. 

Trước những áp lực này, doanh nghiệp logistics buộc phải tính tới phương án mua bán và sáp nhập (M&A) để tăng quy mô về nhân lực, vốn, kỹ năng quản trị.

Theo đó, một loạt thương vụ M&A trong lĩnh vực logistics đã được công bố, trong đó, thương vụ lớn và bất ngờ trong nửa đầu năm 2021 là Dương Minh Logistic nhận vốn 15 triệu USD từ một nhà đầu tư nước ngoài giấu tên.

Tương tự, cuối tháng 5/2021, sau khi tuyên bố sáp nhập và đặt tên là GoTo, Gojek và Tokopedia cho biết sẽ hợp tác trên 3 lĩnh vực, trong đó ưu tiên logistics và Việt Nam là một trong những thị trường lớn.

Trước đó, Công ty CP Giao nhận và vận chuyển In Do Trần (ITL Corp.) cũng đã mua lại Công ty CP Kho vận miền Nam (Sotrans Group). Sau giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của ITL Corp. tại Sotrans Group được nâng lên mức gần 97%.

Sotrans Group được thành lập từ năm 1975 và được biết đến là một trong những công ty hàng đầu trong ngành giao nhận vận tải quốc tế, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Đơn vị này còn sở hữu hệ thống cảng bao gồm cảng cạn Sotrans ICD, cảng Sowatco Long Bình và Depot Sotrans Mỹ Phước. Trong khi đó, ITL Corp. là đại diện hàng không, tổng đại lý khai thác hàng hóa cho hơn 22 hãng hàng không hàng đầu thế giới, với hơn 300 chuyến bay/tuần.

Theo ông Đặng Doãn Kiên, Phó chủ tịch phụ trách Khối Đầu tư của ITL Corp., M&A Sotrans Group sẽ hoàn thiện mảnh ghép trong việc tận dụng năng lực của một doanh nghiệp đứng đầu về thị trường hàng không với một doanh nghiệp dẫn đầu về cảng, logistics cảng và ICD.

 Gỡ “barie pháp lý” để hút doanh nghiệp ngoại

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, ngành logistics Việt Nam có sự tham gia của 4.000 doanh nghiệp nội và 25 tập đoàn nước ngoài. Hạ tầng, công nghệ quản lý được cải thiện, ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khai thác thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, một số rào cản về pháp lý đã khiến những nhà đầu tư này chùn bước.

Đơn cử, các quy định pháp luật hiện hành vẫn xếp logistics là “lĩnh vực kinh doanh có điều kiện”, do đó, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng một số yêu cầu về kiểm tra nhu cầu kinh tế (Economic Need Test). Ngoài ra, việc nhà đầu tư nước ngoài không được phép nắm giữ hơn 49% cổ phần trong một công ty đại chúng cũng trở thành một rào cản lớn.

Theo ông Jeffrey Tan, Giám đốc phát triển doanh nghiệp và công nghệ của YCH Group (Singapore), việc thành lập các công ty mới cũng phải tuân theo các điều kiện về quyền sở hữu và dịch vụ. Các dịch vụ được phân thành 16 loại rõ ràng, chẳng hạn như dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, dịch vụ kho bãi và dịch vụ đại lý hàng hóa.

Điều này sẽ kéo dài thủ tục giấy tờ cho các công ty như YCH Group khi có mục tiêu trở thành một nhà cung cấp chuỗi cung ứng đầu cuối và các giải pháp hậu cần tích hợp. Chưa kể, thủ tục hành chính kéo dài sẽ làm tăng thêm chi phí hoạt động của các công ty logistics.

“Mặc dù các lĩnh vực kinh doanh logistics tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể so với khi YCH Group gia nhập thị trường vào năm 2009, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế đối với các công ty logistics nước ngoài muốn mở rộng kinh doanh và việc tự do hóa ngành logistics vẫn còn khá xa”, ông Tan nói.

Trước thực trạng trên, ông Tan khuyến nghị, ngoài việc tập trung cải cách thủ tục hành chính, Việt Nam còn phải tăng cường đầu tư hạ tầng hậu cần và kho bãi để xây dựng một hệ sinh thái logistics hoàn thiện, có năng lực kết nối khu vực. Điều này sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh thương mại của Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác