Khối ngoại tích cực mua ròng trái phiếu chính phủ Trung Quốc kể từ đầu năm 2024. Nguồn: Bloomberg |
Khối ngoại mua vào tăng 86% so với tháng 4
Theo Cơ quan quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc (SAFE), các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trái phiếu Trung Quốc ở mức cao kỷ lục 32 tỷ USD trong tháng 5, tăng 86% so với tháng 4.
Bà Wang Chunying, người phát ngôn Cơ quan quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc, cho biết, trong tháng 5, dòng vốn xuyên biên giới trở nên cân bằng hơn và thị trường ngoại hối đã hoạt động ổn định.
Thu nhập và chi tiêu xuyên biên giới của khu vực phi ngân hàng, bao gồm cả doanh nghiệp và cá nhân, ở mức cân bằng, cho thấy xu hướng tích cực của dòng vốn xuyên biên giới.
Bà Wang cho biết kỳ vọng của thị trường ổn định, giao dịch ngoại hối trong tháng 5 được tiến hành một cách hợp lý và có trật tự, đồng thời thâm hụt trong thanh toán và bán ngoại hối đã giảm đáng kể.
Nền tảng vững chắc của thị trường ngoại hối Trung Quốc là tín hiệu tốt cho hoạt động kinh tế ổn định liên tục của nước này, theo tờ Global Times.
Người phát ngôn Cơ quan quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc cho biết thêm, khi các chính sách kinh tế vĩ mô có hiệu lực và sự phục hồi kinh tế lấy được đà, sức mạnh cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường ngoại hối và tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ.
Sự ổn định chung của thị trường ngoại hối Trung Quốc trong tháng 5 là minh chứng cho khả năng phục hồi kinh tế của nước này và tính hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô. Diễn biến tích cực này xảy ra khi nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.
Cách đây ít ngày, Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc lên 4,8%, từ mức dự báo 4,5% hồi tháng 1, với lập luận rằng hoạt động của nền kinh tế này tốt hơn dự kiến vào đầu năm.
Còn IMF hồi tháng 5 đã công bố điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2024 và 2025, sau khi số liệu tăng trưởng GDP mạnh mẽ trong quý I và các biện pháp chính sách giúp tăng thêm nhiều dấu hiệu lạc quan cho thấy nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trên đà phục hồi vững chắc.
Trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt mức kỷ lục, lo ngại bong bóng
Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đã đạt mức cao kỷ lục vào ngày 18/6 khi cơn sốt mua nợ chính phủ vẫn tiếp tục, bất chấp sự tăng cường giám sát của chính quyền.
Cụ thể, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đóng cửa ngày 18/6 với mức tăng 0,1% lên mức 104,87, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu thị trường được thu thập từ năm 2015. Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm vẫn dao động quanh mức thấp nhất trong hơn 2 thập kỷ.
Trái phiếu chính phủ Trung Quốc sụt giảm khi dữ liệu kinh tế hỗn hợp thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn. Hoạt động mua đầu cơ từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhu cầu của các nhà quản lý quỹ đầu tư nhằm thúc đẩy dòng tiền đổ vào thị trường và các doanh nghiệp đang tìm kiếm lợi suất cao hơn tiền gửi ngân hàng thông thường, cũng đang thúc đẩy đà tăng của thị trường trái phiếu.
Một số nhà giao dịch cũng đang đặt cược vào các biện pháp kích thích tiếp theo của chính quyền Trung Quốc để gây sức ép lên lợi suất, mặc dù Ngân hàng Trung ương nước này đã phản đối những lời kêu gọi của thị trường về việc cắt giảm lãi suất nhiều hơn trong bối cảnh áp lực trượt giá đồng nhân dân tệ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay trung hạn vào ngày 17/6.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản đối với khoản vay trung hạn 1 năm ở mức 2,5%. Quyết định này phù hợp với kỳ vọng của thị trường, thay vì cắt giảm lãi suất vốn đã thấp.
Ông Albert Leung, chiến lược gia lãi suất của Nomura Holdings, cho biết: "Rõ ràng thị trường vẫn chưa tự tin lắm về sự cải thiện vĩ mô nên các nhà đầu tư đã dồn tiền mua trái phiếu".
Những diễn biến trên thị trường trái phiếu Trung Quốc trái ngược với các trái phiếu cùng ngành trên toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi những bất ổn về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đạt mức kỷ lục sau khi dữ liệu cho thấy các nhà đầu tư toàn cầu đã tăng lượng nắm giữ trái phiếu Trung Quốc lên mức kỷ lục vào tháng 5, tận dụng sự bất thường cho phép chênh lệch khi hoán đổi đô la Mỹ sang đồng nhân dân tệ.
Sự tăng trưởng tỷ lệ nắm giữ nhanh chóng của khối ngoại đã thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể can thiệp vào thị trường để bán ra trái phiếu nếu nhu cầu về tài sản trú ẩn này tiếp tục tăng, theo một bài báo xuất bản cuối tháng 5 trên ấn phẩm do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quản lý.
Sự phục hồi trái phiếu là con dao hai lưỡi đối với Trung Quốc. Một mặt, nó giúp hỗ trợ tăng trưởng bằng cách giảm chi phí đi vay. Tuy nhiên, sự xuất hiện của bong bóng trái phiếu có khả năng gây mất ổn định thị trường tài chính và làm chệch hướng quá trình phục hồi nếu bong bóng vỡ.
Ngay cả triển vọng về nguồn cung nợ cao hơn từ đợt phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (137,9 tỷ USD) của Trung Quốc trong năm nay cũng đã không hạ nhiệt nhu cầu. Đợt phát hành thứ hai trái phiếu chính phủ vào cuối tháng trước đã chứng kiến mức giá đấu giá cao hơn gấp 4 lần mức dự kiến.
Theo ông Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis SA, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc có thể giảm xuống 2,18% vào cuối năm nay, từ mức hiện tại là khoảng 2,25%.
"Dữ liệu kinh tế và tín dụng chưa được cải thiện nhiều đang làm dấy lên suy đoán về khả năng hạ lãi suất và nhu cầu đầu tư trái phiếu", ông Gary Ng nói thêm.
Nhà kinh tế của Natixis SA lưu ý: "Mặc dù quan điểm diều hâu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể là nhân tố then chốt, nhưng việc Trung Quốc hạ lãi suất chỉ là vấn đề thời gian".