Toàn cảnh Vùng thông minh Bình Dương. |
Lọt vào danh sách Smart 21
Bình Dương đã quy hoạch một khu vực gọi là Vùng thông minh Bình Dương, bao gồm một phần phía Nam của tỉnh, được lựa chọn dựa trên các tiêu chí quốc tế, là nơi tập hợp những đô thị, khu vực nghiên cứu giáo dục và công nghiệp trọng điểm của tỉnh.
Từ năm 2016, Bình Dương chính thức công bố Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, hợp tác cùng thành phố kết nghĩa Eindhoven (Hà Lan). Đề án là một chương trình đột phá kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, đưa nền kinh tế chuyển dần sang dịch vụ - sản xuất công nghệ cao, đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong thời kỳ mới, hướng tới nền kinh tế tri thức, kinh tế số, đón làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Vùng thông minh Bình Dương được định hướng là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, trong đó, mọi thành tố liên tục được cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa không ngừng. Thành phố thông minh còn là giải pháp ưu việt nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại hạnh phúc cho người dân. Đặc biệt, tại đây đang triển khai mạnh mẽ mô hình “ba nhà” - hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà trường.
Đây cũng là mô hình phát triển theo chuẩn quốc tế, hướng theo các tiêu chí của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), từ đó giúp Bình Dương chuyển mình nhanh chóng và đạt những thành công vượt bậc về kinh tế - xã hội trong khoảng 3 năm trở lại đây. Đó cũng là cơ sở để trong năm 2018, Vùng thông minh Bình Dương trở thành thành viên của ICF và sau đó có 2 năm liên tiếp được bình chọn trong danh sách Smart 21.
Bình Dương đang hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo kết hợp trường, viện nghiên cứu với doanh nghiệp. |
Khơi nguồn lực
Việc lọt danh sách Smart 21 có ý nghĩa rất lớn để Vùng thông minh Bình Dương tiếp tục đột phá phát triển kinh tế - xã hội, trong đó khẳng định hướng phát triển thành phố thông minh của tỉnh là hiệu quả, phù hợp với xu thế chung toàn cầu; nâng tầm Bình Dương lên một vị thế mới trên trường quốc tế; mở ra cơ hội hợp tác trao đổi kinh nghiệm với mạng lưới hơn 180 thành phố thông minh thịnh vượng khắp thế giới của ICF; tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp bứt phá trong thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút lao động tri thức, các viện, trường trên thế giới, là nền tảng cho phát triển dịch vụ, sản xuất công nghệ cao trong tương lai.
Đó cũng chính là lý do để Horasis, một diễn đàn uy tín trên thế giới, tìm đến đề nghị hợp tác với Bình Dương.
Ông Frank-Jürgen Richter, Chủ tịch Horasis nhận xét, Bình Dương nằm ở vị trí chiến lược, rất gần TP.HCM, đang thu hút đầu tư ngày càng tăng. Đây chính là địa điểm lý tưởng cho việc tổ chức Diễn đàn Horasis.
“Tôi đã gặp gỡ các lãnh đạo của tỉnh Bình Dương cũng như Chủ tịch Becamex IDC vào năm 2016 và chúng tôi cùng quyết định thúc đẩy hợp tác giữa hai bên lên tầm cao hơn”, ông Frank-Jürgen Richter nói và cho rằng, Bình Dương hội tụ đủ các điều kiện để triển khai các ý tưởng phát triển bền vững, cũng như hệ thống hạ tầng ở đây đã rất phát triển.
Về phía Bình Dương, Diễn đàn Horasis cũng là một trong những hoạt động quan trọng trong Đề án Thành phố thông minh. Bình Dương khát vọng đột phá sang một thời kỳ mới, xây dựng hệ sinh thái năng động, sáng tạo, thu hút nguồn lực trong và ngoài nước để vươn đến nền sản xuất công nghệ cao, dịch vụ hàm lượng chất xám cao, hướng tới đô thị thông minh, đón làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong khuôn khổ Horasis châu Á 2018, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã công bố hợp tác, ký kết ngay tại Diễn đàn. Rất nhiều cuộc gặp gỡ thời điểm đó đã trở thành những dự án hiệu quả.
TS. Nguyễn Việt Long, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương, Phó tổng giám đốc Becamex IDC nhìn nhận, việc bắt tay giữa Horasis và Bình Dương là tất yếu, bởi cả hai bên đều đang nhìn về cùng một hướng.
Sau sự kiện Horasis châu Á 2018, Bình Dương đã nhận được sự ủng hộ, khích lệ từ người dân, các tổ chức, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Nhiều thành viên Horasis đã quan tâm, mong muốn tìm hiểu thêm về Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng. Vì vậy, Horasis đã đề xuất tiếp tục phối hợp với Bình Dương thực hiện Horasis châu Á 2019, với một quy mô mới, tốt hơn, hiệu quả hơn.
Tạo bứt phá
Ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, năm 2019 được xác định là thời điểm khơi thông các nguồn lực, tạo bứt phá cho Vùng thông minh Bình Dương.
Theo đó, mục tiêu năm nay hướng đến là chủ đề công nghiệp và dịch vụ thông minh, chú trọng mang đến hiệu quả rõ ràng cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục tập trung nguồn lực vào một số dự án dài hạn, mở ra đột phá về công nghiệp và dịch vụ trong tương lai.
Đưa những hợp tác kết nối trao đổi quốc tế đi vào thực tiễn hơn nữa. Tham gia tích cực, phát huy tối đa cơ hội hợp tác với các mạng lưới, tổ chức quốc tế của các thành phố thông minh trên thế giới, đặc biệt là các tổ chức mà Bình Dương đã liên kết như Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới, mạng lưới Horasis, Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới…
Triển khai ít nhất 3 dự án cụ thể, mang đến hiệu quả rõ ràng trực tiếp cho người dân hoặc doanh nghiệp.
Cũng theo ông Dũng, nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, sẽ có 11 dự án, giải pháp được triển khai thực hiện trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Một trong những thế mạnh riêng có của Bình Dương, đó là sự tham gia tích cực, có hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu của Becamex IDC - một doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh đối với các dự án lớn trong thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố thông minh.
Với 3 dự án trọng điểm, giải pháp quan trọng của Vùng thông minh Bình Dương được xác định sẽ triển khai trong năm nay, Becamex IDC cũng được phân giao nhiệm vụ khá cụ thể. Chẳng hạn, giải pháp phát triển logistics thông minh, tạo động lực thu hút các doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đây là dự án được xác định sẽ thực hiện lâu dài, có vị trí quan trọng hàng đầu. Do đó, giao Becamex IDC trực tiếp phối hợp cùng các sở, ngành và doanh nghiệp hoàn thành nghiên cứu khả thi đề án logistics thông minh, tiếp tục tìm kiếm đối tác đầu tư xây dựng tuyến đường sắt phục vụ phát triển dịch vụ logistics…
Hay, Dự án Khu công nghiệp khoa học - công nghệ là dự án mũi nhọn để đột phá sản xuất công nghiệp, là hạ tầng mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kết hợp trường, viện nghiên cứu với doanh nghiệp, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, từng bước lan tỏa, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao trong tương lai.
Becamex IDC được giao hợp tác với Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đơn vị nghiên cứu mô hình phương án thực hiện chiến lược và chính sách phát triển Khu công nghiệp khoa học - công nghệ, đưa ra định hướng về các ngành nghề cụ thể cần đẩy mạnh trong quy hoạch kiến trúc tổng thể Khu công nghiệp khoa học - công nghệ.
Dự án Nhà máy bán dẫn công đoạn back - end, được coi là ví dụ điển hình để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao tới Bình Dương. Với dự án này, Becamex IDC được giao trực tiếp phối hợp cùng đối tác Eindhoven, NXP, Fabmax... sau khi hoàn thành nghiên cứu khả thi, tiếp tục cùng các sở, ngành và đơn vị liên quan phát triển nghiên cứu về công nghiệp bán dẫn…
Thêm tin vui khi mới đây, Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới (WTCA) đã xác nhận về việc Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC) trở thành thành viên chính thức của hiệp hội này.
Dự kiến, chuỗi sự kiện của Diễn đàn Horasis châu Á tới đây, tỉnh Bình Dương và Becamex IDC tiến hành công bố Trung tâm Thương mại thế giới tại thành phố mới Bình Dương và ký kết hợp tác với các đối tác quốc tế trong việc vận hành, phát triển WTC BDNC.