Chuyển động thị trường
Khơi thông dòng vốn tín dụng, nhà ở xã hội kỳ vọng khởi sắc
Kim Ngân - 29/03/2023 08:05
Chính phủ thông qua gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Chủ đầu tư sở hữu quỹ đất sẵn sàng, pháp lý minh bạch, khả năng phát triển dự án tốt... có lợi thế hơn cả.

Gói tín dụng như "cánh én mùa xuân"

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng có đi đến thống nhất triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân do 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank thu xếp nguồn vốn. Mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng để ưu tiên cho vay với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng lên. 

Dự kiến, 60.000 tỷ đồng trong gói tín dụng sẽ dành cho vay với chủ đầu tư, 60.000 tỷ đồng còn lại dành cho người mua nhà. Lãi suất các ngân hàng dự kiến triển khai thấp hơn từ 1,5% đến 2% so với mức cho vay thông thường. Thời gian triển khai ngay trong năm nay.

Ngoài lãi suất thấp, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ còn nói thêm khi thực hiện các chính sách gỡ khó cho bất động sản sẽ có thêm một số chính sách khác, như miễn tiền sử dụng đất. Việc này nhắm tới mục tiêu có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

1 triệu căn nhà ở xã hội là con số trong đề án được Bộ Xây dựng đưa ra. Theo đánh giá của cơ quan này, nhu cầu nhà ở tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại các đô thị. Tỷ lệ dân số đô thị hiện đạt khoảng 40% và dự báo tăng lên khoảng 45% vào năm 2030, mỗi năm cần thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở. Trong đó, TP.HCM và Hà Nội có sự gia tăng nhanh, chiếm 2/3 lượng nhu cầu nhà ở hàng năm.

Tuy nhiên thời gian qua, thị trường cho thấy sự lệch pha về cung cầu, nhu cầu nhà ở nhiều nhưng chủ yếu sản phẩm hạng sang, cao cấp, thiếu sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở vừa túi tiền. Cả năm 2022, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước chỉ có 9 dự án nhà ở xã hội được cấp phép với quy mô chưa tới 5.500 căn, thấp hơn rất nhiều so với số lượng dự án cao cấp, trung cấp. Vì vậy, mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Mục tiêu trên cũng đạt được sự đồng thuận nhất trí cao từ Chính phủ. Nghị quyết số 33 của Chính phủ về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững có yêu cầu khẩn trương ban hành và thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Đồng thời, để giải bài toán nguồn vốn, Chính phủ thông qua chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Điều đó cho thấy sự quyết tâm đặc biệt của Chính phủ trong việc xây dựng nhà ở xã hội, tạo cú hích mới cho “cuộc đua” xây dựng chốn an cư cho người có thu nhập thấp.

Thị trường cần nguồn cung dự án

Nhiều chủ đầu tư đã đồng loạt cam kết đồng hành cùng Chính phủ thực hiện đề án hoàn thành xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030 như Becamex, Him Lam, Novaland, Vinhomes… với kế hoạch phát triển hàng nghìn sản phẩm trong giai đoạn tới. Vinhomes đã bắt tay xây dựng 2 dự án nhà ở xã hội tại Thanh Hóa, Quảng Trị với quy mô 3.500 căn.

Riêng tập đoàn Nam Long - chủ đầu tư đã có kinh nghiệm triển khai thực tế 9.000 căn nhà ở “vừa túi tiền” và nhà ở xã hội cho biết dự kiến trong quý II, doanh nghiệp sẽ chính thức triển khai khoảng hơn 1000 căn nhà ở xã hội EHomeS Cần Thơ thuộc khu đô thị tích hợp Nam Long II Central Lake và  gần 621 căn hộ EHome Southgate (Long An). Mức giá dự kiến từ 620 triệu đồng/căn nhà ở xã hội EHomeS, và trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ thương mại “vừa túi tiền” EHome, người mua cũng được hưởng các chính sách ưu đãi vay từ gói nhà ở xã hội và gói vay với các ngân hàng chiến lược của Nam Long với lãi suất hấp dẫn.

Chủ đầu tư cũng chia sẻ nhu cầu về dòng sản phẩm này vẫn rất lớn. Cụ thể như EHome Southgate là dự án căn hộ đầu tiên tại tỉnh Long An được triển khai từ năm 2021, đến nay sản phẩm đã được thị trường nhiệt tình đón nhận 776 căn hộ , 382 căn hộ đã được bàn giao và cư dân đã nhận nhà dọn về sinh sống nhanh chóng và sôi động.

Hay mới đây, Hưng Thịnh Land lần lượt ra mắt 2 dự án cùng phân khúc cho người trẻ, người có thu nhập trung bình, ổn định là Avatar Thủ Đức với gần 2.400 sản phẩm có giá dự kiến khoảng 2 tỷ đồng/căn và 9X An Sương (TP HCM) từ 1,6 tỷ đồng/căn.

Loạt dự án được kỳ vọng giải tỏa cơn khát nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền trên thị trường sau nhiều năm vắng bóng. Các sản phẩm này cũng đáp ứng đông đảo nhu cầu sở hữu nhà của người dân nên tính thanh khoản cao. Người dân dễ dàng tiếp cận được sản phẩm phù hợp thu nhập, doanh nghiệp có nguồn thu và dòng tiền hoạt động ổn định.

Giới chuyên gia kỳ vọng trong thời gian tới, thị trường sẽ “bùng nổ” về nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền nhờ sự hậu thuẫn của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng và sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, yêu cầu ngược lại là thị trường phải có nguồn cung, có dự án để ngân hàng cho vay. Vì vậy, chủ đầu tư đáp ứng các tiêu chí cơ bản như dự án có pháp lý đầy đủ, năng lực tài chính mạnh và khả năng triển khai dự án tốt… sẽ có cơ hội tiếp cận dòng vốn này được tốt hơn. Cùng với đó, người mua nhà ở các dự án đảm bảo pháp lý cũng sẽ được hưởng lợi.

Tin liên quan
Tin khác