Quốc hội khóa XV vừa bế mạc Kỳ họp thứ năm sau 23 ngày làm việc với khối lượng công việc đồ sộ, thông qua 8 luật, 16 nghị quyết, thảo luận về kinh tế - xã hội và nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước.
Đã nằm trong chương trình nghị sự của Quốc hội, không có vấn đề nào là không quan trọng. Nhưng ở mỗi kỳ họp khác nhau, với bối cảnh khác nhau, đòi hỏi từ cuộc sống đương nhiên cũng khác, thì không khí nghị trường, điểm nhấn thảo luận và yêu cầu từ các vị đại biểu Quốc hội hiển nhiên phải “vận động” theo.
Kỳ họp thứ năm này, khối lượng các luật được thông qua và các dự án luật được cho ý kiến lần đầu là nhiều nhất trong số các kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ. Đặc biệt, nhiều dự án luật tác động sâu rộng tới toàn dân, đến nền kinh tế cùng lúc được đặt lên bàn nghị sự như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…
Cứ thảo luận về luật này, lại thấy ngay sự chồng chéo, mâu thuẫn với luật khác.
Cứ thảo luận về kinh tế, xã hội, giám sát, chất vấn thì khó khăn của người dân và doanh nghiệp lại khiến các đại biểu không thể không lên tiếng.
Làm sao có thể không lo khi tăng trưởng kinh tế trong nước rất thấp, nguy cơ nợ xấu gia tăng, hoạt động của các thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… còn nhiều điểm nghẽn. Nhiều dự án lớn chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai, việc xử lý các vướng mắc về tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy còn chậm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và người lao động mất việc làm tăng…
Chưa kể, khi ở phòng họp Diên Hồng đang sôi nổi bàn giải pháp gỡ khó cho nền kinh tế, thì trên diện rộng, cả doanh nghiệp và người dân lao đao vì bị cắt điện luân phiên.
Đất nước cần những công trình lớn, doanh nghiệp khát vốn cho sản xuất, kinh doanh, nhưng “nghịch lý” là hơn 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công phải đem gửi ngân hàng với lãi suất 0,8% một năm.
Bên cạnh nguyên nhân từ cơ chế, chính sách, còn có những khoảng mờ, khoảng trống, thì nguyên nhân gốc rễ được mổ xẻ nhiều chiều tại nghị trường là công tác cán bộ. Khi mà, tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức đã không còn là “đặc sản” của riêng cấp nào, ngành nào.
Nhưng, nói đi phải nói lại. Không phải vô cớ mà Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí, trong báo cáo công tác gửi Quốc hội tại kỳ họp này vẫn kiên trì quan điểm cần nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi.
Hay, trước nghị trường, có đại biểu cho rằng, cần làm sao để cán bộ, công chức không phải dám nghĩ, dám làm, không cần cấp trên phải khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Mà cán bộ, công chức viên chức các cấp chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để năng động, sáng tạo thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất cho dân, cho nước trong khung khổ các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Muốn vậy, khi phát hiện luật hoặc các quy định chưa phù hợp, thì tập trung sửa ngay với quy trình chặt chẽ, đơn giản, ngắn gọn.
Như thế, nghĩa là cái gốc thể chế phải thật vững, nhưng cũng luôn phải năng động để theo kịp cuộc sống.
Bởi vậy, yêu cầu từ Quốc hội với các cơ quan hữu quan là sớm đề xuất hoặc ban hành văn bản quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, cũng không còn là sớm.
Và nhiệm vụ không kém phần quan trọng cũng cần phải được thực hiện song song là rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là các vấn đề có nhiều vướng mắc đã được các địa phương, người dân, doanh nghiệp kiến nghị. Từ đó phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập; những vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật liên quan nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.
Doanh nghiệp, người dân không cần Nhà nước cho tiền, mà cần hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch, ổn định, để an tâm sản xuất, kinh doanh. Điều này không chỉ phụ thuộc vào những quyết sách vừa được Quốc hội bấm nút thông qua, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự giám sát của các vị đại diện cho dân trong việc thực thi các chính sách đó.
Như thế, mới có thể khơi thông từ gốc, đem nguồn năng lượng mới tốt lành cho nền kinh tế, đưa nghị trường gần hơn với cuộc sống. Và, Kỳ họp thứ năm của Quốc hội mới thực sự thành công.