Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến băn khoăn, cho dù, để có bản Dự thảo này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kể từ sau khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Ban soạn thảo đã tổ chức 8 cuộc hội thảo, làm việc trực tiếp với nhiều bộ, ngành trước đây có ý kiến khác nhau để lấy ý kiến tham gia đóng góp.
“Chúng tôi tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp, những ý kiến nào không tiếp thu, chúng tôi đều giải trình cụ thể lý do vẫn giữ nguyên nội dung như Dự thảo đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp trước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
. |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến đồng tình với chủ trương bỏ quy hoạch sản phẩm, quy hoạch ngành, tuy nhiên cần đưa ra phương án quản lý đối với những ngành, sản phẩm khi mà các ngành, sản phẩm này trong thời gian tới sẽ không còn quản lý bằng quy hoạch.
Ông Thanh nêu quan điểm của Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra Dự thảo Luật Quy hoạch), đối với các sản phẩm gắn với việc sử dụng nguồn tài nguyên là sẽ không lập quy hoạch sản phẩm, mà chỉ lập quy hoạch sử dụng nguồn tài nguyên. “Đối với các sản phẩm cụ thể, việc quản lý trong thời gian tới sẽ không bằng quy hoạch nữa, mà theo hướng sử dụng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đặc biệt là nhiệm vụ cung cấp thông tin, xu hướng thị trường… Các nội dung này do các ngành tự xác định căn cứ vào nhu cầu quản lý của mình và sẽ được bổ sung trong quá trình sửa đổi các quy định hiện hành về quy hoạch”, ông Thanh nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, TS. Nguyễn Đức Kiên (người chủ trì thẩm tra Dự thảo Luật Quy hoạch) là người kiên quyết loại bỏ quy hoạch ngành, cho dù đã từng có một số bộ đề nghị bổ sung quy hoạch ngành vào hệ thống quy hoạch quốc gia và được luật hóa trong Luật Quy hoạch.
“Nếu đưa quy hoạch ngành vào hệ thống quy hoạch quốc gia, sẽ phá vỡ hoàn toàn kết cấu quy hoạch quốc gia vì bộ, ngành nào cũng coi quy hoạch của mình quan trọng nhất, phải được ưu tiên, phải thực hiện trước; quy hoạch của bộ, ngành khách phải theo sau. Như thế, Luật Quy hoạch với tư cách là một công cụ điều tiết nguồn lực, không gian kinh tế tập trung cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước sẽ bị vô hiệu hóa và tình trạng quy hoạch tràn lan, quy hoạch chồng lên quy hoạch, kìm hãm sự phát triển, nảy sinh cơ chế xin - cho sẽ khó có thể thuyên giảm”, ông Kiên nhấn mạnh.
Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới, thì Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, vì vậy, Phó chủ tịch Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển; Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp, bà Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, ông Phan Xuân Dũng; Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, ông Nguyễn Sỹ Cương và nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Quy hoạch băn khoăn về hiệu lực của luật này. Lý do là để triển khai Luật Quy hoạch, phải sửa đổi, bổ sung tới 32 luật.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Đức Kiên khẳng định là không đáng lo ngại. “Thực tế chỉ phải sửa đổi, bổ sung một vài điều trong 4 luật, còn 28 luật khác chỉ là bỏ từ “quy hoạch” trong luật là xong, nên không mất quá nhiều thời gian, công sức”, ông Kiên cho biết.
Các nhà lập pháp, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, cộng đồng doanh nghiệp từng tham gia hội thảo, tọa đàm về Dự thảo Luật Quy hoạch đánh giá, Luật là cuộc cách mạng giải quyết được các bất cập, chồng chéo, cát cứ, cục bộ địa phương, triệt tiêu động lực phát triển do không phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, nguồn lực.
“Dù có một số ít quan điểm còn e ngại khi triển khai luật này, nhưng không vì khó khăn, phức tạp mà bàn lùi việc trình Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch, bởi đây là văn bản pháp luật vô cùng quan trọng nhằm khai thông, phân bổ nguồn lực hợp lý, hiệu quả phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.