Thời sự
Xây dựng Luật quy hoạch, đừng “đẽo cày giữa đường”
Mạnh Bôn - 10/01/2017 15:43
Chính phủ đã phê bình lãnh đạo một số bộ ngành về việc trình dự thảo luật ra TVQH mà vẫn nêu ý kiến trái ngược với quan điểm của Chính phủ.

 

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật quy hoạch sáng nay (10/1/2017) tại Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), lãnh đạo một số bộ ngành tiếp tục có ý kiến trái với quan điểm của Chính phủ.

Theo quy trình xây dựng luật, sau khi được Quốc hội thông qua nghị quyết về xây dựng luật, pháp lệnh và giao cho cơ quan nào đó thực hiện (hầu hết là Chính phủ). Chính phủ giao cho một bộ ngành nào đó chủ trì, thành lập ban soạn thảo với sự tham gia của nhiều bộ ngành.

Sau khi thống nhất quan điểm, các nội dung chính, dự thảo luật được tổ chức lấy ý kiến tham gia của các địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia trong mọi lĩnh vực. Dự thảo luật được tiếp tục hoàn thiện, chỉnh lý và sau khi ban soạn thảo thống nhất ý kiến mới được trình ra Chính phủ để các thành viên Chính phủ tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, chỉnh lý, sửa đổi và lấy phiếu biểu quyết mới được trình ra Ủy ban TVQH cho ý kiến lần đầu. Sau đó tiếp tục hoàn thiện, chỉnh lý mới được trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu.

Dự thảo luật tiếp tục được sửa đổi, chỉnh lý, tiếp thu ý kiến hoặc giải trình trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội và phải trình ra Chính phủ cho ý kiến, biểu quyết lần nữa, đạt yêu cầu mới trình TVQH cho ý kiến lần hai.

Mặc dù Dự thảo Luật quy hoạch đã đến khâu trình TVQH cho ý kiên lần hai, nhưng lãnh đạo một số bộ ngành vẫn tiếp tục có ý kiến trái với quan điểm của Chính phủ.

“Khi dự thảo luật trình ra TVQH, các ý kiến trái với quan điểm của Chính phủ chỉ được coi là ý kiến không chính thức của cá nhân và chỉ có ý nghĩa tham khảo chứ không phải là quan điểm của Chính phủ hay bộ ngành nào đó”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và khẳng định, quan điểm của lãnh đạo bộ ngành nào đó về Dự thảo Luật quy hoạch không thống nhất với quan điểm của Chính phủ là trái với nguyên tắc làm việc.

“Chính phủ đã phê bình lãnh đạo một số bộ ngành về việc trình dự thảo luật ra TVQH mà vẫn nêu ý kiến trái ngược với quan điểm của Chính phủ. Nếu có những ý kiến trái ngược thì phải trình lại để Chính phủ nghiên cứu lại, khi nào dự thảo luật bảo đảm chất lượng mới trình ra TVQH cho ý kiến. Xây dựng luật phải thống nhất quan điểm không “đẽo cày giữa đường”. Thảo luận ở ban soạn thảo, thảo luận ở Chính phủ thì đồng thuận nhưng khi ra TVQH lại nói ngược là không được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh một lần nữa.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Luật quy hoạch liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tất cả các bộ ngành, địa phương, nói chung là rất nhạy cảm, nhưng hôm nay ông đi họp ở TVQH với tâm trạng rất thoải mái. Vì khi thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội đều cơ bản đồng tình, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ với các nội dung của dự thảo, chỉ còn 6 vấn đề có ý kiến khác nhau, Ban soạn thảo và Ủy ban Kinh tế đã tiếp thu, giải trình.

“Thế mà ra đến đây vẫn còn đại diện của một số bộ ngành có ý kiến khác nhau, thậm chí là ý kiến nói ngược với quan điểm của Chính phủ và tinh thần chung của đại biểu Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Cùng với Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật doanh nghiệp, Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư tại doanh nghiệp… Luật quy hoạch là cuộc cách mạng trong quản lý nhà nước. Trước sự thay đổi, dù là thay đổi phù hợp với thực tiễn, phù hợp với xu thế, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng vẫn nhận được sự phản ứng không đồng thuận vì động chạm tới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của một vài cơ quan nào đó, của nhóm người nào đó.

“Thứ nhất, những cơ quan đó, những con người đó có thể chưa hiểu hết sự thay đổi đem lại lợi ích thế nào cho xã hội, cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh nên chưa đồng tình cao. Thứ hai là sự thay đổi tất yếu có sự ảnh hưởng, động chạm đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm trong quản lý nhà nước nên một bộ phận nào đó không muốn thay đổi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ thật lòng với các thành viên Ủy ban TVQH.

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật quy hoạch, đại điện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn giữ quy hoạch điểm kiểm dịch động thực vật.

“Không nước nào quy hoạch trạm kiểm dịch, không ai xây trạm kiểm dịch ở các nơi khác nhau vì rất lãng phí và không cần thiết. Chỉ khi nào có dịch bệnh người ta mới thiết lập các trạm kiểm dịch, hết dịch thì giải tán chứ không ai xây dựng cứng trạm kiểm dịch động thực vật tại những nơi cố định nào đó”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích trước thực tế bộ ngành nào cũng muốn giữ quyền quy hoạch, kể cả quy hoạch sản phẩm.

“Dứt khoát phải trình Dự thảo Luật quy hoạch ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư. Cần phải sớm thông qua Luật quy hoạch để khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí vì ngành ngành lập quy hoạch, chấm dứt tình trạng tỉnh nào cũng xây dựng cảng biển, sân bay, chia cắt nền kinh tế bằng địa giới hành chính”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ đạo.

Luật quy hoạch, theo Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân không xóa bỏ chức năng xây dựng quy hoạch của các bộ ngành. Bộ Nông nghiệp; Tài nguyên-môi trường, Công thương, Giao thông-vận tải vẫn tiếp tục thực hiện hoạch ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của mình nhưng không được trái với Luật quy hoạch, không được phá vỡ quy hoạch tổng thể quốc gia.

Tin liên quan
Tin khác