Đăng cai hay rút quyền đăng cai ASIAD 18 vào năm 2019 của Việt Nam do lo ngại tốn kém hàng trăm triệu USD là thông tin nóng trên mặt báo thời gian gần đây.
ASIAD 18 là sự kiện thể thao lớn ở châu Á, không chỉ mang ý nghĩa thể thao mà còn nhiều ý nghĩa khác |
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 tổ chức hôm nay (1/4), Thủ tướng cũng đã khẳng định, phải có phương án khả thi mới tổ chức ASIAD 18.
Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến ASIAD 18 một lần nữa làm nóng không khí cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tổ chức sau đó, khi một nửa số lượng câu hỏi của phóng viên dành cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên là về nội dung này.
Trước thông tin cho rằng, Việt Nam phải đặt cọc quyền đăng cai ASIAD 18 mất nhiều tỷ đồng và có thể mất trắng nếu rút quyền đăng cai, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đã bác bỏ và khẳng định, Việt Nam chưa hề đặt cọc đồng nào.
Bộ trưởng Nên cho biết, năm 2010 Việt Nam mới đăng cai quyền tổ chức ASIAD 18 và thông báo số tiền dự tính chi cho công tác tổ chức là 150 triệu USD, dựa trên tính toán mức tăng trưởng kinh tế cao mà Việt Nam đạt được vào năm tổ chức sự kiện 2019.
Tuy nhiên, do kinh tế thế giới khủng hoảng nên tăng trưởng kinh tế trong nước không được như kỳ vọng. Dù vậy, việc tổ chức hay không vẫn còn đang tiếp tục được thảo luận chứ chưa có kết luận.
“Có ý kiến cho rằng chúng ta đang tiến thoái lưỡng nan, rút không được, đăng cai không xong vì tốn kém. Tôi khẳng định là việc rút đăng cai không có gì khó bởi đã có tiền lệ hai lần nước đăng ASIAD năm 1970 và 1988 rút quyền rồi. Tất nhiên, điều kiện trả lại cũng có nhưng chế tài phạt thì theo tôi biết là không có và nếu mình thấy điều kiện không đảm đương được thì có thể trả lại”, Bộ trưởng Nên khẳng định.
Về lo ngại lãng phí khi phải chi số tiền 150 triệu USD và có thể phải nhiều hơn do các điều kiện thi đấu của ASIAD cao gần tương đương Olymlic, ông Nên cho rằng, không ai tổ chức sự kiện thể thao mà có lãi cả.
Nhưng ASIAD 18 là sự kiện thể thao lớn ở châu Á, không chỉ mang ý nghĩa thể thao mà còn nhiều ý nghĩa khác. Thông qua ASIAD, Việt Nam có thể quảng bá hình ảnh đất nước, con người để nâng cao vị thế cũng như thu hút đầu tư, du lịch…
Bên cạnh đó, theo quy trình thủ tục, sau khi được Chính phủ thống nhất về chủ trương đăng cai, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch còn phải phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát lại các công việc cần và đủ để tổ chức một sự kiện lớn.
Sau khi Ủy ban Olympic châu Á đồng ý cho chúng ta đăng cai, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch còn phải cùng với các địa phương rà soát lại một lần nữa xem chúng ta có làm được không.
Hiện tại, Chính phủ đang tiếp nhận rất nhiều ý kiến phản hồi từ người dân và chuyên gia về việc này, trong đó, phản đối cũng có và đồng thuận cũng có, nên vẫn chưa có quyết định chính thức.
“Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành trong tuần sau phải tổng hợp, báo cáo Thủ tướng để quyết định vấn đề này dựa trên việc xem xét có tình có lý các phản hồi. Nếu có phương án khả thi mới đăng cai ASIAD 18”, ông Nên cho biết.
Phan Long