Bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm sẽ ra tòa hôm nay 8/1/2018 |
Vụ án đặc biệt nghiêm trọng này được dư luận xã hội hết sức quan tâm, bởi hầu hết bị cáo đều từng giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, có bị cáo như ông Đinh La Thăng từng là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tham ô và cố ý làm trái được đưa ra xét xử ngay trong những ngày đầu của năm 2018 được đưa ra xét xử công minh trước pháp luật, cho thấy sự vào cuộc rất quyết liệt, khẩn trương của các cơ quan, ban, ngành chức năng. Đặc biệt, phiên tòa hôm nay khẳng định quyết tâm cao độ của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực.
Có cán bộ đang giữ chức vụ cao trong Đảng, đã từng được thử thách, rèn luyện qua nhiều chức vụ, cương vị công tác nhưng lại có những sai phạm nghiêm trọng đến mức bị khởi tố, bắt tạm giam và đưa ra xét xử trước pháp luật.
Điều này đặc biệt cho thấy sự nhất quán, không có vùng cấm trong Đảng và bất kể cán bộ ở cấp nào, cương vị nào, ngành nào nếu vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội với tinh thần mọi công dân, mọi Đảng viên đều bình đẳng trước pháp luật. Bất kỳ ai có hành vi sai phạm, vi phạm pháp luật thì đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Tinh thần và chủ trương đều rất rõ: Không có vùng cấm - Không có thẻ “kim bài” miễn tội cho bất kỳ vị trí nào.
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định một trong những nhiệm vụ, phương hướng trọng tâm trong năm 2018 là kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng ra khỏi bộ máy. Trước đó, kết luận cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 30/11/2017, Tổng Bí thư lưu ý, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, trước hết tập trung xét xử công minh vụ án xảy ra tại PVC và PVN trong tháng 1 và đầu tháng 2/2018.
Phiên tòa hôm nay được mở theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại Phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo vào cuối tháng 11/2017, đó là phải “tập trung làm cho bằng được”, “phải tích cực, quyết liệt hơn” và “bảo đảm theo đúng quy định pháp luật”. Và chỉ hơn một tháng sau Phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bị đưa ra xét xử công minh trước pháp luật, cho thấy sự vào cuộc rất quyết liệt, khẩn trương của các cơ quan, ban, ngành chức năng, khẳng định quyết tâm cao độ của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực.
Trong năm 2017, một loạt đại án liên quan đến nhiều đại gia, cựu quan chức đã được ngành tòa án đưa ra xét xử, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, khẳng định cuộc chiến chống “giặc nội xâm” này không có vùng cấm, không loại trừ bất cứ ai. Xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tham ô tài sản xảy ra tại PVC, một lần nữa khẳng định quyết “đánh” tham nhũng đến cùng.
Năm 2017, đất nước đã đạt được những kỳ tích trên hầu hết các lĩnh vực, song con đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi đó, tình trạng làm ăn thua lỗ, thất thoát, lãng phí, tham nhũng xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi. Cùng với việc làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thực sự có đức, có tài, liêm chính, thật sự vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy Nhà nước, thì việc loại bỏ “sâu, mọt” tham nhũng, tiêu cực, là một đòi hỏi, một mệnh lệnh của hàng chục triệu người dân cả nước.
Thực hiện tốt việc loại bỏ người tham nhũng, hư hỏng, chống mọi biểu chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn, sẽ không hề làm chậm lại sự phát triển, ngược lại sẽ giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự cho bộ máy, đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để Chính phủ và chính quyền các địa phương chỉ đạo thực hiện thành công mọi nhiệm vụ nặng nề. Một đại biểu Quốc hội thẳng thắn nói, nên cho cán bộ đi thăm nhà tù để phòng ngừa tham nhũng vì đây là nơi những người tham nhũng đang bị xử lý, trả giá cho hành vi của mình. Tổng Thanh tra Chính phủ thì cho rằng, luật phải làm sao để người ta không dám, không muốn, không thể tham nhũng.
Tội tham nhũng cũng nguy hiểm không kém tội phản quốc, tội gián điệp… vì đều là hành vi phá hoại đất nước, gây mất lòng tin của nhân dân. Luật Phòng, chống tham nhũng, sửa đổi 73 điều và bổ sung 49 điều. Bởi thế “đánh” mạnh, “đánh” tham nhũng đến cùng chính là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” trường kỳ, gian khổ và phải đánh thắng để củng cố vững chắc sự tin cậy của người dân.