Nhắm vào phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bùng nổ ở nước ta đúng vào thời điểm thị trường Trung Quốc đang bước vào giai đoạn khủng hoảng, mô hình P2P làm dấy lên lo ngại về tín dụng đen trá hình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong số hơn 40 công ty P2P đang hoạt động trên thị trường, có những mô hình hoạt động khá hiệu quả, đặc biệt là những công ty cho vay nhắm vào phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Không thể phủ nhận P2P là một sáng tạo của nền kinh tế số, không nên và cũng không thể cấm hình thức cho vay này. |
Bà Đỗ Thanh Trang, Giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc vườn Tira cho hay: “Tháng 4/2018, chúng tôi có một hợp đồng cần vốn đối ứng là 500 triệu đồng, nhưng vay qua ngân hàng rất phức tạp. Rất may là sau đó chúng tôi biết đến công ty P2P và được cấp vốn chỉ trong vòng 2 ngày. Số vốn này giúp chúng tôi giành được hợp đồng, mở rộng thị trường”.
Tira là một trong vô số doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng và phải tìm đến các kênh tiếp cận vốn khác, trong đó có kênh P2P vừa mới xuất hiện.
Ông Nguyễn Việt Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lendbiz
Ông Nguyễn Việt Hưng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lendbiz - công ty P2P đầu tiên nhắm vào phân khúc cho vay doanh nghiệp cho hay, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình là rất lớn, nhưng do không có tài sản thế chấp, nên họ không thể tiếp cận vốn, thậm chí phải tìm tới tín dụng đen. Do đó, các công ty P2P ra đời sẽ giúp đẩy lùi phần nào nạn tín dụng đen.
Trên thị trường, số công ty P2P thành lập khá nhiều (khoảng 40 công ty), song chủ yếu là cho vay tiêu dùng, mới chỉ vài công ty nhắm vào đối tượng doanh nghiệp, hộ gia đình. Lãnh đạo các công ty này cho hay, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình có tỷ suất sinh lời ít hơn, đối tượng khách hàng hẹp hơn, song tỷ lệ an toàn lại cao hơn do có nguồn trả nợ và ý thức trả nợ tốt hơn.
Thực tế tại Lendbiz hơn một năm qua cho thấy, nhờ xây dựng được hệ thống chấm điểm khắt khe, sàng lọc kỹ doanh nghiệp vay vốn, đến nay tất cả doanh nghiệp vay vốn qua công ty này đều trả nợ đúng hạn, không phát sinh nợ xấu.
Sắp có khung pháp lý cho P2P
Nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh thị trường vốn Việt Nam chưa phát triển, cần tạo thêm nhiều kênh cung ứng vốn cho doanh nghiệp, trong đó P2P là một kênh cấp vốn cần nghiên cứu. Tất nhiên, khuyến khích phát triển kênh này cần trên cơ sở có hành lang pháp lý chặt chẽ.
Do chưa được NHNN chính thức cấp phép, các công ty P2P ở nước ta đều đang hoạt động dưới vỏ bọc tư vấn đầu tư. Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, mô hình P2P ở Trung Quốc sụp đổ là do phát triển quá nóng, thiếu kiểm soát, dẫn tới nhiều biến tướng. Song không thể phủ nhận đây là một sáng tạo của nền kinh tế số, không nên và cũng không thể cấm. Vấn đề là cần có biện pháp quản lý để tránh biến tướng theo kiểu tín dụng đen, đa cấp trá hình…
Theo các chuyên gia, sự khủng hoảng của thị trường P2P Trung Quốc trong bối cảnh thị trường P2P Việt Nam ở giai đoạn đầu phát triển là điều đáng mừng, vì qua đó chúng ta có thể rút ra bài học về quản lý. Bài học lớn nhất là không được lơ là quản lý mà phải nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý để ngăn chặn biến tướng, tránh rủi ro cho các bên và làm cơ sở khi tranh chấp xảy ra.
NHNN cho hay, các văn bản pháp lý về P2P vẫn đang được cơ quan này dự thảo. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, các văn bản quy định đến fintech, trong đó có mô hình P2P sẽ được ban hành vào tháng 1/2019.
Theo đề xuất của nhiều chuyên gia, P2P hoạt động na ná giống công ty tài chính tiêu dùng và cả các nhà băng, vì vậy, cần quy định chặt chẽ điều kiện hoạt động và trách nhiệm các bên để thị trường phát triển lành mạnh, an toàn.