Nhật Bản đề nghị Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực logistic |
Dù mới là cuộc họp tiền khởi động cho giai đoạn VI của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, nhưng ông Nakagawa Hiroaki, Trưởng nhóm Dịch vụ logistics và vận tải, và cộng sự đã phải làm việc rất căng thẳng.
Đây là vấn đề được để lại từ giai đoạn V, khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản, đã không được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ kho bãi, dịch vụ đại lý vận tải, dù theo cam kết WTO, Việt Nam đã mở cửa lĩnh vực này cho nhà đầu tư nước ngoài từ ngày 11/1/2014.
Lý do là có sự hiểu khác nhau về nội dung cam kết “nhà đầu tư nước ngoài có thể lập liên doanh với đối tác Việt Nam mà không bị hạn chế vốn của phía nước ngoài trong liên doanh” giữa cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư và các nhà đầu tư.
“Mặc dù tháng 9/2015, Bộ Công thương đã ban hành Văn bản 9911/BCT-KH để làm rõ cách hiểu, yêu cầu UBND các địa phương ưu tiên áp dụng nội dung của Nghị định thư gia nhập WTO, nhưng vẫn chưa rõ ràng. Chúng tôi cũng lo ngại văn bản hướng dẫn ở hình thức thông tư sẽ bị hạn chế về hiệu lực thi hành. Kiến nghị của chúng tôi là đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực này”, ông Nakagawa đề xuất.
Tới thời điểm này, vẫn có cách hiểu nội dung này theo nghĩa là bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải thành lập liên doanh trong lĩnh vực logistic, nhưng không giới hạn tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài. Cách hiểu khác, cũng là quan điểm của các nhà đầu tư là không giới hạn tỷ lệ, nghĩa là có thể 100% vốn nước ngoài.
“Phía nhóm công tác của Việt Nam sẽ ghi nhận và trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thống nhất cách hiểu của cam kết này, đảm bảo thống nhất áp dụng ở các cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trao đổi lại.
Cũng phải nói thêm, không chỉ lĩnh vực logistic, hàng loạt vướng mắc trong việc thành lập công ty và mở chi nhánh trong lĩnh vực dịch vụ cũng đang khiến các nhà đầu tư Nhật Bản thấy bất an. “Tình trạng cũng tương tự trong ngành bán lẻ, thẩm mỹ, rèn luyện sức khỏe, giặt là, chụp ảnh, giáo dục, điều tra phân tích môi trường, tổ chức tiệc cưới, y tế…”, ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Jetro tại TP.HCM, Trưởng nhóm công tác WT4 phân tích lý do đề xuất nội dung này trong giai đoạn VI Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.
Ông Yasuzumi cho biết, hàng năm, Jetro nhận được hàng nghìn câu hỏi của nhà đầu tư Nhật Bản về lĩnh vực dịch vụ. “Chúng tôi đề nghị các cơ quan có liên quan của Việt Nam cung cấp thông tin để tổng hợp lại một cách đầy đủ, chặt chẽ các nội dung về quy chế, quy định, cơ quan có liên quan để thành một bảng tổng hợp các lĩnh vực phía Nhật Bản quan tâm. Phần việc này sẽ do phía Nhật Bản thực hiện, có giá trị tham khảo và không có giá trị căn cứ pháp lý”, ông Yasuzumi đề nghị.
Về nội dung này, ông Đỗ Nhất Hoàng cam kết, sẽ hỗ trợ xây dựng bảng thông tin tổng hợp trên, đặc biệt sẽ phối hợp tiến hành giám sát các trường hợp xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 10 ngành của lĩnh vực dịch vụ mà phía Nhật Bản quan tâm.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo các quy trình, quy định thống nhất cách hiểu, cách thực thi và áp dụng để không có tình trạng cùng một ngành mà xử lý ở các địa phương khác nhau lại khác nhau. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo các quy định của luật pháp phải được thực thi đúng, đầy đủ và thống nhất”, ông Hoàng cam kết.
Liên quan đến thúc đẩy thực thi, ông Hoàng cho biết, sẽ có cơ chế phối hợp hoạt động của các Japan Desk (đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản) đang hoạt động trên cả nước để tránh rời rạc, lãng phí nguồn lực.