- Những chờ đợi sau cuộc gặp Thủ tướng với doanh nghiệp
- “Hành động lớn” để không lỡ chuyến tàu lịch sử toàn cầu mới - Kỳ 1: Bài học từ hỗ trợ và kích thích nền kinh tế
- “Hành động lớn” để không lỡ chuyến tàu lịch sử toàn cầu mới - Kỳ 2: Cần gói kích thích kinh tế theo đúng triết lý chống dịch
- “Hành động lớn” để không lỡ chuyến tàu lịch sử toàn cầu mới - Kỳ 3: Các trụ cột của nền kinh tế phải được đặt vào vị trí ưu tiên
- “Hành động lớn” để không lỡ chuyến tàu lịch sử toàn cầu mới - Kỳ 4: Cho dù thế nào, Việt Nam cũng phải “mở cửa”
- “Hành động lớn” để không lỡ chuyến tàu lịch sử toàn cầu mới - Kỳ 5: Cần một cuộc “cách mạng hóa” tư duy kinh tế
Đó là thông điệp nhất quán đã được người đứng đầu Chính phủ đưa ra tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp mới đây.
Muốn không xảy ra khủng hoảng kinh tế - xã hội, thì lực lượng cần được hỗ trợ, được tiếp sức chính là cộng đồng doanh nghiệp. |
Không chỉ là thông điệp, những nỗ lực gần đây của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương đã cho thấy quyết tâm này. Chính phủ đã bằng mọi kênh tiếp cận các nguồn vắc-xin, làm sao có thể đưa vắc-xin về với Việt Nam nhanh nhất. Chính phủ đã quyết tâm đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay hoặc quý I/2022, bởi chống dịch không chỉ để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, mà còn để duy trì các hoạt động kinh tế, giúp chúng ta có thêm nguồn lực để ứng phó với Covid-19.
Càng không chỉ là thông điệp, bởi cùng với quyết liệt thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh, Chính phủ - với tinh thần “vướng đâu - khẩn trương xử lý đó” đã tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Từ chính sách giảm giá điện, đến gói hỗ trợ các dịch vụ viễn thông, rồi gói 26.000 tỷ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động, các chính sách giãn, hoãn, giảm các loại thuế, phí…
Nhưng, như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói, doanh nghiệp đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Từ chuyện tổng cầu giảm mạnh khiến cho lượng đơn hàng, hợp đồng, sản lượng sụt giảm; chuyện doanh thu giảm trên diện rộng khiến thiếu hụt dòng tiền; rồi chuyện chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội chi phí, giá thành sản xuất; chuyện chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ…
Đó còn là những khó khăn do lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước giữa một số tỉnh, thành phố, do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa thống nhất và hợp lý. Khó khăn do thiếu lao động, thiếu chuyên gia, nhất là với các doanh nghiệp FDI, khó khăn trong cả cách tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…
Doanh nghiệp yếu thì nền kinh tế không thể khỏe. Muốn không xảy ra khủng hoảng kinh tế - xã hội, thì lực lượng cần được hỗ trợ, được tiếp sức chính là cộng đồng doanh nghiệp. Có lẽ cũng bởi vậy, ngay khi Chính phủ nhiệm kỳ mới đi vào hoạt động, Thủ tướng Chính phủ đã chọn đối thoại trước tiên với cộng đồng doanh nghiệp. Thậm chí, sau cuộc đối thoại này, sẽ còn các cuộc đối thoại chuyên sâu hơn, với từng lĩnh vực, ngành nghề.
Những ý kiến đưa ra tại cuộc đối thoại này vô cùng thẳng thắn. Doanh nghiệp thẳng thắn. Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành cũng rất thẳng thắn. Thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải. Thẳng thắn thừa nhận các chính sách hiện nay trong phòng chống dịch có phần nào đang làm khó doanh nghiệp, trong đó có cả việc các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc còn chưa nhất quán, thậm chí có nơi còn cục bộ địa phương…
Và vì thẳng thắn nhìn vào sự thật, nên các giải pháp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất - kinh doanh đã nhận được sự đồng tình rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, từ các địa phương.
Đó là ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, thì phải đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia…
Có thể nói, các giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất là vô cùng quan trọng, nhất là các giải pháp liên quan đến tổ chức và thực hiện “luồng xanh” hàng hóa quốc gia, liên tỉnh, liên vùng; hay thống nhất các quy tắc phân loại chống dịch Covid-19 chung trên cả nước, tránh tình trạng địa phương hóa quá mức, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp; hoặc tổ chức đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh tại những nơi đảm bảo điều kiện an toàn, hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi cung ứng… Đây chính là một trong những vấn đề mà doanh nghiệp phàn nàn nhiều nhất trong thời gian vừa qua, khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để không xảy ra khủng hoảng kinh tế, phải bắt đầu bằng việc giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch, bởi tất cả chúng ta đều xác định sẽ phải sống chung với Covid-19!