Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM diễn ra chiều 24/1, TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã Trình bày dự thảo Khung chiến lược và chính sách phát triển kinh tế xanh TP.HCM đến năm 2030.
Theo ông Vũ, trong hai năm trở lại đây, hai từ khóa quan trọng xuyên suốt trong tư duy, chiến lược hành động của Thành phố đó là “xanh” và “số”. Từ những khái nhiệm ban đầu, câu chuyện xanh của Thành phố không chỉ là câu chuyện thảo luận mà từ nhận thức, từ một loạt hội thảo, tọa đảm trao đổi không chỉ của lãnh đạo Thành phố mà đã đi sâu xuống sở, ngành, báo chí, tổ chức quốc tế, liên minh để thúc đẩy phong trào này “bén rễ”.
“Tất nhiên, để có thể bén rễ, Thành phố cũng phải có các tiềm năng như: Nguồn lực về tiềm năng tái tạo, về xe điện, tiêu dùng xanh, về ý thức nhận thức của người dân thành thị. Cùng với đó là những chính sách đã được Quốc hội cho thí điểm trong Nghị quyết 98”, ông Vũ nói.
TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh |
Theo ông Vũ, khi được giao nhiệm vụ nghiên cứu về khung chính sách cụ thể, Viện đặt mục tiêu chính sách này ra đời không chỉ giải quyết về vấn đề ô nhiễm môi trường và xã hội; không chỉ giải quyết vấn đề cạnh tranh kinh tế mà phải thúc đẩy mạnh mẽ mô hình tăng trưởng của Thành phố.
Với mục tiêu tăng trưởng 8,5 % vào năm 2024 đồng nghĩa với việc nếu không thúc đẩy những dự án trọng lực mạnh mẽ với tiêu chí tăng trưởng xanh và số thì không thể đạt được mục tiêu đó. Ngoài ra, nếu không giữ gìn môi trường sống, không chống ngập lụt thì TP.HCM không thể là nơi cung cấp cuộc sống tốt nhất cho người dân.
Đồng thời, ông Vũ khẳng định Thành phố nếu không đi đầu về các dự án về xanh, ý tưởng về xanh, thí điểm về xanh thì không thể nào thu hút được các nguồn lực lớn, xu thế của thế giới về vấn đề này.
Theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, có 6 trụ cột quan trọng về xanh quan trọng: Điện áp mái; Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông; Thu hút nhà đầu tư chiến lược về năng lượng sạch; Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về năng lượng sạch; Thành lập Sở An toàn thực phẩm.
Về giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh Thành phố, theo ông Vũ, trong dự thảo đang được trình UBND có đề xuất 6 nhóm chính sách: Thứ nhất là nhóm giải pháp về nguồn lực (gồm tài chính xanh và nguồn nhân lực chất lượng xanh).
Thứ hai là kết nối và hợp tác xanh (mạng lưới hệ thống thông tin, dữ liệu; chương trình thu hút đầu tư, kết nối hợp tác quốc tế; quan hệ kết nghĩa và thúc đẩy hợp tác); Thứ ba là nhóm giải pháp về tài nguyên (năng lượng sạch và xanh; nước sạch và hiệu quả sử dụng nước; “tuần hoàn” vật liệu).
Thứ tư là nhóm giải pháp hành vi (tiêu dùng xanh và giao thông xanh); Thứ 5 là tòa nhà xanh và hiệu quả năng lượng (tiêu chuẩn công trình xanh; thí điểm xây dựng điều chỉnh biểu giá điện tăng bậc thang; nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng; thu gom và trao đổi các sản phẩm tiêu thụ điện kém hiệu quả).
Cuối cùng là nhóm giải pháp kinh tế trọng tâm (sản xuất xanh và công nghệ cao; khởi nghiệp, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; du lịch xanh; nông nghiệp và rừng; hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ).
Về cách thức thực hiện, Viện đã đề xuất cơ chế hợp tác 4 nhà để nâng cao giá trị, phát triển bền vững kinh tế xanh: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
“Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố rất ủng hộ và tương đồng với những đề xuất của Ngân hàng Thế giới, các dự án quản lý đô thị về xây dựng, năng lượng tái tạo, về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đây là những nền tảng quan trọng để thúc đẩy kinh tế xanh Thành phố phát triển nhanh”, ông Vũ khẳng định.