Năm 2024, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 7.599 tỷ đồng, hoàn thành 101,33% kế hoạch ĐHĐCĐ giao. Lợi nhuận để lại chưa phân phối sau nộp thuế và trích lập các quỹ năm 2024 của ngân hàng này là gần 4.852 tỷ đồng. Tuy nhiên, TPBank không trình cổ đông tại ĐHĐCĐ vào ngày 24/4 tới về kế hoạch chia cổ tức trong năm nay.
Năm 2025, TPBank đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng 20%, lợi nhuận tăng 18% so với năm trước, nợ xấu dưới mốc 2,5%.
Tại SeABank, lợi nhuận còn lại sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ năm 2024 là 3.625 tỷ đồng; lợi nhuận chưa phân phối lũy kế còn lại sau khi trích lập các quỹ là 3.743 tỷ đồng. SeABank cho biết, phần lợi nhuận chưa phân phối lũy kế còn lại sau khi trích lập các quỹ năm 2024 sẽ được giữ lại, không chia cổ tức trong năm 2025, nhằm tăng cường năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn kinh doanh thời gian tới.
Trong năm 2025, SeABank tiếp tục có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 28.450 tỷ đồng lên 28.650 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) của năm 2025. Ngân hàng dự kiến phát hành 20 triệu cổ phần ESOP, tăng vốn điều lệ thêm 200 tỷ đồng. SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.458 tỷ đồng, tăng 7% so với mức thực hiện năm 2024; lợi nhuận sau thuế đạt 5.158 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến sẽ tăng trưởng 10%, lên mức 358.268 tỷ đồng, tăng trưởng nguồn vốn huy động dự kiến là 16%. Tăng trưởng tín dụng SeABank được định hướng đạt 15%.
HĐQT ABBank cũng đề xuất để lại toàn bộ số lợi nhuận còn lại chưa phân phối nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của ngân hàng này trong năm 2024 là 470,4 tỷ đồng. Cùng với lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABBank là 2.311 tỷ đồng. Tuy nhiên, ABBank không chia cổ tức trong năm nay.
Không ít ngân hàng chưa chia lợi tức trong năm 2025, mà chờ sau khi hoàn thành tái cơ cấu. Điển hình là, Sacombank chưa có kế hoạch chia cổ tức trong năm 2025, dù lợi nhuận giữ lại lũy kế của nhà băng này ở mức “khủng” gần 25.352 tỷ đồng. Đây là năm thứ 9, ngân hàng này không chia cổ tức cho cổ đông, do Ngân hàng chưa hoàn tất tái cấu trúc.
Theo phương án phân phối lợi nhuận năm tài chính 2024, sau khi trừ đi thuế và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại năm ngoái của Sacombank là hơn 7.013 tỷ đồng. Lợi nhuận giữ lại các năm trước là gần 18.339 tỷ đồng. Như vậy, tổng lợi nhuận giữ lại lũy kế của ngân hàng này đang ở mức 25.352 tỷ đồng. Dẫu vậy, cũng như những năm trước, Sacombank tiếp tục không có kế hoạch chia cổ tức. Tính đến cuối năm 2024, vốn điều lệ của ngân hàng này đạt 18.852 tỷ đồng. Lần cuối cùng Sacombank ghi nhận vốn điều lệ tăng lên là vào năm 2015, sau thương vụ sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).
Trước đó, giải thích về việc chưa chia cổ tức, Chủ tịch HĐQT, ông Dương Công Minh cho biết, Sacombank là ngân hàng tái cơ cấu, sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam. Hiện nay, Sacombank đã xử lý nợ xấu cơ bản và còn lại khoản duy nhất là phần cổ phiếu của ông Trầm Bê.
Sacombank đã trình lên Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng mua lại, bán đấu giá và đang chờ phê duyệt. Điều kiện để chia cổ tức là Ngân hàng phải tái cơ cấu thành công. Ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% đối với dư nợ gốc của khoản nợ xấu trên, cũng như đã thoái hoàn toàn lãi dự thu từ cuối quý II/2022. Việc xét duyệt để Sacombank xử lý lô cổ phiếu cũng như ghi nhận hoàn thành tái cơ cấu sẽ cần có thời gian.
Ngoài ra, đối với các khoản nợ thuộc Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank đã bán đấu giá thành công khoản nợ sau 18 phiên đấu giá trong năm 2023, với giá bán là 7.934 tỷ đồng, cao hơn so với nghĩa vụ nợ của khách hàng. Đến nay, Sacombank đã thực thu hồi 1.587 tỷ đồng và dự kiến thu hồi đầy đủ trong năm 2025.
Năm 2025, Sacombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế ở mức 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện năm 2024.
Trong khi đó, Eximbank ghi nhận lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ của năm 2024 là 2.431 tỷ đồng, lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối đến năm 2024 là 2.526 tỷ đồng. Song ngân hàng này cho biết sẽ không thực hiện chia cổ tức năm 2024 nhằm củng cố năng lực tài chính.
HĐQT Eximbank dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tổng tài sản đạt 265.500 tỷ đồng, tăng 10,7%. Huy động vốn (bao gồm huy động vốn từ tổ chức kinh tế, dân cư và phát hành giấy tờ có giá) đạt 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5%; dư nợ tín dụng đạt 195.500 tỷ đồng, tăng 16,2%. Đối với tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng giảm 0,54%, xuống còn 1,99%.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng và huy động vốn ở mức hai con số, Eximbank kỳ vọng đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.188 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 2024.