Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương |
Xin ông cho biết cụ thể việc thoái vốn nhà nước lần này tại Sabeco sẽ như thế nào?
Theo sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco lần này là sẽ là 53,59%. Trong quyết định của Bộ Công thương cũng đã có quy định chi tiết để thực hiện như tỷ lệ sở hữu mà các nhà đầu tư nước ngoài tối đa được mua là 49%, bao gồm cả phần sở hữu hiện hữu của các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay là hơn 9%. Nghĩa là, các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua tối đa 38,59% vốn điều lệ của Sabeco trong đợt này.
Trường hợp tham gia chào bán cạnh tranh, nhà đầu tư không phải thực hiện theo các quy định về chào mua công khai khi có ý định mua đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai quy định tại Luật Chứng khoán. Nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai 25% phải thực hiện báo cáo Ban tổ chức chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước ngày tổ chức chào bán 07 ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua.
Nhà đầu tư cũng phải thực hiện các quy định về thông báo tập trung kinh tế cho Bộ Công thương trước, khi nhà đầu tư là tổ chức cùng ngành với Sabeco đăng ký tham gia chào giá cạnh tranh, mua cổ phần Sabeco có thể dẫn đến việc thị phần kết hợp vượt mức theo quy định của Luật cạnh tranh.
Bộ Công thương sẽ để báo cáo Chính phủ việc vượt các thị phần kết hợp trên thị trường bia của nhà đầu tư và Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định cuối cùng.
Trong lần thoái vốn này, Bộ Công thương có những giải pháp nào để tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài?
Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, chúng tôi đã công khai minh bạch các thông tin cũng như thực hiện các roadshow để quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Sabeco tại London và Singapore. Các quy định của lần thoái vốn tại Sabeco cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong việc đặt cọc, có thể là đặt cọc bằng VND hay ngoại tệ và lần đầu tiên áp dụng bảo lãnh của ngân hàng.
Việc thoái vốn nhà nước tại Vinamilk được chia thành các gói nhỏ, còn với Sabeco lại để nguyên một cục lớn. Vậy theo ông, khả năng thành công của lần thoái vốn này tại Sabeco như thế nào?
Việc thoái vốn của Sabeco được thực hiện với nguyên tắc công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm và mang lại lợi ích cao nhất cho nhà nước nên Chính phủ đã quyết định bán 53,59%. Để thoái vốn Sabeco, Thường trực Chính phủ họp tới 5 phiên từ đầu năm tới giờ và đã lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ và có Nghị quyết riêng về bán cổ phần tại Sabeco. Ngoài giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện là 49%, còn lại các cơ hội đều mở cho các nhà đầu tư được phép tham gia.
Việc bán 53,59% vốn điều lệ của Sabeco rõ ràng sẽ thu hút các nhà đầu tư quan tâm so với việc bán tỷ lệ ít hơn.
Thương vụ thoái vốn 53,59% với giá khởi điểm là 320.000 đồng/cổ phiếu cũng kỳ vọng thu về khoảng cỡ 100.000 tỷ đồng. Nhưng đó là kỳ vọng, còn thực tế thu được bao nhiều thì do thị trường và các nhà đầu tư quyết định. Có thể sẽ xẩy ra thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đặt giá cao hơn nhà đầu tư trong nước nhưng vẫn trượt bởi room cho nhà đầu tư nước ngoài đã hết.
Có nhiều ý kiến cho là giá khởi điểm của Sabeco ở mức 320.000 đồng/cổ phiếu là quá cao, nhất là so với giá mà tư vấn đưa ra, liệu ở đây có sự thao túng giá không, thưa ông?
Việc thao túng giá có thể diễn ra trên cả hai hướng là thao túng giá thấp và thao túng giá cao. Hiện tỷ lệ cổ phiếu SAB giao dịch trên thị trường là quá nhỏ, nên cứ để giá theo thị trường. Mức giá mà tư vấn đưa ra thấp hơn giá thị trường cũng là một hình thức để chặn để không cho trượt giá thấp.
Có thực tế là chỉ trong 10 phút cuối phiên ngày 28/12 - phiên giao dịch cuối cùng trước khi chốt giá khởi điểm, giá cổ phiếu SAB từ 306.000 đồng đã tăng lên 320.000 đồng và toàn các giao dịch thoả thuận. Tuy nhiên, luật cho phép giá dao động trong biên độ 7% nên không cấm được việc giá tăng lên vậy và chúng ta cần tuân thủ tiếng nói từ thị trường.
Việc đánh giá mức giá nào là thấp hay là cao rất khó bởi mỗi người có một góc nhìn khác nhau là rất bình thường. Rất có thể thương thảo 1 lần với nhà đầu tư lại được giá cao hơn nhưng pháp luật hiện hành không cho phép nên phải làm đúng quy định đang có.
Nhiều người cũng lo lắng về câu chuyện mất thương hiệu Sabeco vào tay nước ngoài…
Thực ra nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền ra chính là để mua thương hiệu. Chất liệu và công nghệ làm nên bia là như nhau, dĩ nhiên là có bí quyết riêng để tạo hương vị và gu thưởng thức. Trên thế giới, các các thương hiệu bia lớn mua xong các công ty bia nhỏ cũng chỉ đưa quản trị, công nghệ vào để tăng hiệu quả của thương hiệu bia sẵn có.
Sau đợt bán vốn ngày 18/12/2017, sớm nhất là bao giờ Nhà nước sẽ bán tiếp vốn còn lại tại Sabeco, thưa ông?
Tuỳ thuộc vào kết quả lần bán này và căn cứ vào kết quả kinh doanh của Sabeco, Chính phủ sẽ cân nhắc việc bán tiếp vốn nhà nước vào thời điểm chính xác, tuy nhiên hiện giờ chưa có quyết định cụ thể về vấn đề đó.
Nhiều người cũng quan tâm tới việc thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) bao giờ sẽ được tiến hành?
Hiện Habeco đang giải quyết các vấn đề tồn tại. Vốn nhà nước tại đây cũng thấp hơn nhiều so với Sabeco nên mối quan tâm cũng không như với Sabeco.