“Dù bạn yêu quý nhân viên của mình đến đâu, cũng đừng coi họ như một gia đình”, Brian Chesky, CEO, Đồng sáng lập nền tảng Airbnb chia sẻ.
Brian Chesky nhận thấy, nhiều công ty có xu hướng xây dựng văn hóa gia đình, đề cao tính gắn kết giữa nhân viên, cung cấp đồ ăn miễn phí, phòng gym, quầy cà phê..., với mong muốn nhân viên dành nhiều thơi gian ở công ty hơn ở nhà.
Chiến lược này có thể giúp nhân viên hạnh phúc, làm việc năng suất hơn, nhưng đồng thời sẽ khiến nhà sáng lập khó ra quyết định trong những lúc cần thiết, ví dụ cắt giảm nhân sự vì ảnh hưởng của dịch bệnh hay suy thoái kinh tế.
“Chúng tôi từng gọi nhau là gia đình, và sau đó, chúng tôi đã phải sa thải nhân viên của mình, trong khi nếu là thành viên gia đình, không ai lại đi sa thải lẫn nhau”, Brian Chesky nói.
Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra, xây dựng văn hóa công ty kiểu “chúng ta là một gia đình” có thể làm giảm năng lực giám sát nội bộ, trong đó, nhân viên có xu hướng che giấu cho nhau, không báo cáo những hành vi sai trái của đồng nghiệp với quản lý bên trên.
Trong cuộc khảo sát đạo đức kinh doanh quốc gia thực hiện năm 2019 tại Mỹ, 45% người được hỏi cho biết, họ đã chứng kiến hành vi sai trái tại nơi làm việc, nhưng khoảng một phần ba không làm gì. Một trong số các nguyên nhân xuất phát từ tình thân và sự quan tâm tới đồng nghiệp, không muốn tố giác.
Vậy nên, mô hình tốt nhất khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp, theo cựu CEO Netflix, Reed Hastings, đó là phát triển như một đội bóng. Ở đó, mỗi nhân sự phải chiến đấu để giành chiến thắng, tức là giữ được công việc của mình. Nếu không cố gắng hết sức, bất cứ nhân viên nào cũng có thể bị “thay người”, hoặc tệ hơn là bị loại bỏ khỏi đội bóng.
Trong một chương trình gameshow truyền hình về nghề nghiệp, ông Hoàng Nam Tiến, nguyên Chủ tịch FPT Software, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng trường, Trường đại học FPT (Tập đoàn FPT) cũng ủng hộ quan điểm xây dựng văn hóa công ty như một đội bóng, hơn là một gia đình.
“Công ty như một gia đình, nghe rất là dễ thương. Thỉnh thoảng, các sếp sẽ dùng bài đấy để nói chuyện với nhân viên. Nhưng đấy là gia đình cho những đứa con ngoan thôi. Gia đình như một bàn tay, có ngón dài, ngón ngắn. Nếu như chẳng may có đứa phạm lỗi, thì trong một gia đình, chúng ta vẫn phải bảo vệ, vẫn phải nuôi nó, không thể đuổi ra khỏi nhà. Thế nhưng, công ty phải như một đội bóng, từ trên xuống dưới phải phấn đấu hết mình mỗi ‘trận đấu’ để giữ được vị trí của mình. Ronaldo có đá hay bao nhiêu, mà 3 trận không ghi bàn, thì cũng xuống dự bị. Vì vậy, công ty phải như đội bóng, không thể như gia đình”, ông Tiến khẳng định.