Doanh nhân
Không ngồi chờ cửa tự mở
Anh Hoa - 12/04/2013 10:17
Bộ sưu tập thời trang Thu - Đông giúp Top 7 Vietnam’s Next Top Model 2012 nổi bật tại Tuần lễ thời trang New York là của Canifa.
TIN LIÊN QUAN

(baodautu.vn) Mong muốn có được một thị trường tiêu dùng thực sự có cá tính, tạo sức ép để nền công nghiệp may mặc của Việt Nam vượt qua giai đoạn gia công, "ráo mồ hôi là hết tiền", Đoàn Thị Bích Ngọc đã không ngừng tìm tòi, tự mở những cánh cửa mới.

Xách va li và đi

“Đi Ấn Độ để tận mắt thấy nơi sản xuất nguyên vật liệu lớn cho ngành công nghiệp thời trang thế giới. Đi Thổ Nhĩ Kỳ để tận mắt xem họ sản xuất ra sao. Đi Thái Lan, Trung Quốc để tận mắt biết được những người hàng xóm xây dựng thương hiệu cho nền công nghiệp dệt may gia công của họ như thế nào”, Đoàn Thị Bích Ngọc, Giám đốc thương hiệu thời trang Canifa, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hoàng Dương (Hà Nội) mở đầu câu chuyện về công việc của mình bằng những động từ “đi” liên tục như vậy.

Đoàn Thị Bích Ngọc đến với nghề không phải từ niềm đam mê bất tận của phụ nữ với thời trang như người ta vẫn tưởng. Khi Công ty Hoàng Dương do hai người anh trai thành lập quyết định quay trở về thị trường trong nước vào năm 2000, Ngọc bị “quẳng” vào một sân chơi chả dính dáng gì tới chuyên ngành xã hội học của mình chỉ với lý do là: giúp các anh. Trong vai trò được các anh phân công là chịu trách nhiệm phát triển thương hiệu, Ngọc đi đăng ký thương hiệu Canifa và bắt tay phát triển thị trường nội địa.

Vị nữ giám đốc thương hiệu thời trang Canifa nhớ lại, lúc đó chẳng biết khó khăn là gì, cứ lăn xả vào thị trường. “Tôi gặp may vì thời điểm đó, thị trường phát triển rất nhanh, Công ty không sản xuất kịp sản phẩm đáp ứng nhu cầu. Nhưng, chợt nghĩ, nếu cứ làm theo kiểu ‘chẳng sợ gì’ thì sao”, Ngọc kể.

Thế là bắt đầu những chuyến đi để tìm câu trả lời cho câu hỏi tự mình chợt đặt ra. “Tôi đi nhiều, cứ xách va li và lên đường. Rồi tìm hiểu về lịch sử của các thương hiệu thời trang trên thế giới, tìm hiểu thị trường tiêu dùng người Việt. Bắt đầu hiểu ra, chúng tôi cần có một mô hình phù hợp cho sự phát triển của Canifa”, Ngọc nói.

Tuy nhiên, sau mỗi chuyến đi đó, Ngọc cũng bắt đầu có cảm giác chạnh lòng khi nhìn thấy sự chuyên nghiệp trong quy trình sản xuất, sự hậu thuẫn của ngành công nghiệp phụ trợ và nhất là sự lớn mạnh của các thương hiệu thời trang thế giới. Trong khi đó, ở Việt Nam, cuộc chơi của các doanh nghiệp trong ngành dường như bắt đầu bởi sự lăn xả, quyết tâm và thậm chí là không biết sợ là chính.

“Tôi đau đầu nhất là sự thiết hụt của nhân sự ngành thiết kế thời trang và tư vấn bán lẻ trong nước. Cùng với điểm yếu là hầu hết nguyên phụ liệu ngành may phải phụ thuộc vào người ngoài, thì các điều kiện để tạo dựng thương hiệu cho ngành may Việt Nam hầu như chưa có”, Ngọc nói về những ngày đầu nhận trách nhiệm xây dựng và phát triển thương hiệu cho Công ty.

Mình phải là duy nhất

Tính đến nay là năm thứ 13, Công ty Hoàng Dương trở lại thị trường nội địa, cũng là năm thứ 13, Đoàn Thị Bích Ngọc thực hiện trọng trách được giao phó là xây dựng và phát triển thị trường cho thương hiệu Canifa, thị trường nội địa của Hoàng Dương đã từ con số 0%, tăng lên 90% tổng sản phẩm của Công ty.

Không những thế, Hoàng Dương đang dẫn đầu thị trường nội địa ở dòng sản phẩm len sợi. Kế hoạch tới mà Giám đốc thương hiệu thời trang của Canifa đang đặt ra, là dẫn đầu dòng sản phẩm cotton, với tốc độ tăng trưởng 30-50%/năm.

Mảng thị trường xuất khẩu của Công ty chỉ còn là phân khúc khách hàng khó tính tại Nhật Bản. Mục tiêu chính là để học hỏi kinh nghiệm chứ không phải là doanh thu.

Bước tiến mạnh mẽ này khiến Đoàn Thị Bích Ngọc tự tin khi chia sẻ triết lý kinh doanh, đó là mục tiêu trở thành công ty duy nhất, chứ không phải lớn nhất trên thị trường. Ngọc cũng khẳng định, hiện Canifa chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh.

Điều này có vẻ phi lý, vì thị trường Việt Nam lâu nay vẫn chịu áp lực chèn ép rất lớn bởi thương hiệu thời trang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, phân tích kỹ, các sản phẩm của Canifa có vẻ đại trà hơn những sản phẩm cùng loại nhập ngoại khác. Yếu tố thời trang vừa đủ khiến mọi người, dù ở độ tuổi, giới tính, cá tính và thu nhập nào, đều có thể chọn sản phẩm của thương hiệu này.

Đây chắc chính là bí quyết làm nên yếu tố duy nhất mà Ngọc đang dẫn hướng cho Canifa. Nhưng không dễ làm được điều này, vì để có được sự vừa mắt chung của các tầng lớp là rất khó, nhất là trong lĩnh vực thời trang. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, mục tiêu đáp ứng nhu cầu của tất cả lại là lời giải tồi cho một phương án kinh doanh mà các chuyên gia về marketing luôn cảnh báo.

“Nhưng đó lại là nghề của tôi”, Ngọc khẳng định. Ngành học xã hội học mà cô được đào tạo tại Trường Đại học xã hội và nhân văn tưởng chẳng có cơ hội phát huy lại trở thành chìa khoá giúp Canifa định vị trong tâm trí người tiêu dùng. “Chúng tôi đặt yêu cầu cao nhất cho các sản phẩm là xuất phát từ nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng. Đôi khi chúng ta cứ nghĩ khách hàng muốn, nhưng mà không lắng nghe họ nói”, Ngọc nói về chiến lược nghiên cứu và thu nhận phản hồi của khách hàng.

Công việc này trở nên vô cùng quan trọng, khi kinh tế - xã hội Việt Nam có sự thay đổi mạnh mẽ. Khách hàng Việt Nam cũng thay đổi nhu cầu, thậm chí là quan niệm về thời trang. Họ bắt đầu tìm đến những sản phẩm thiết kế của các thương hiệu thời trang thay vì lựa chọn những sản phẩm chung chung.

“Tôi cũng muốn có được một thị trường tiêu dùng thực sự có cá tính. Bởi chỉ với yêu cầu đó của người tiêu dùng, nền công nghiệp may mặc của Việt Nam mới có sức ép để vượt qua giai đoạn gia công, ráo mồ hôi là hết tiền. Khi khách hàng chọn sản phẩm thiết kế, các thương hiệu thời trang buộc phải tăng hàm lượng chất xám của mình vào sản phẩm. Canifa đang theo con đường này”, Đoàn Thị Bích Ngọc chia sẻ.

Mới đây nhất, ngoài bộ sưu tập ấn tượng cho Top 7 Vietnam’s Next Top Model 2012, Canifa đã có mặt tại Chương trình Tìm kiếm tài năng thiết kế thời trang (Project Runway Vietnam 2013). Thương hiệu thời trang Canifa đang thay đổi mạnh mẽ, giống như cá tính của người thổi hồn vào nó.

Bắt tay vào chiến lược hội nhập

Trong ngành hàng tiêu dùng, kinh doanh dệt may, thời trang là lành nhất. Sản phẩm này dù lỗi mốt hay tồn kho cũng khó làm một thương hiệu điêu đứng hay khiến nhóm khách hàng trung thành quay lưng như với các doanh nghiệp ngành thực phẩm. Lành vậy, nhưng nếu không có chiến lược bài bản và dứt khoát, thương hiệu thời trang rất khó để lại dấu ấn trong sự lựa chọn của người tiêu dùng, chứ chưa nói tới đặt chân với thế giới của những thương hiệu thời trang thế giới.

Hiện tại, trong chiến lược phát triển của mình, Hoàng Dương có tham vọng phát triển trở thành doanh nghiệp thời trang ứng dụng đứng đầu dành cho các đối tượng tiêu dùng tại Việt Nam và từng bước hội nhập thế giới.

Khi bàn về hội nhập, vị giám đốc thương hiệu của Canifa lý giải ở góc độ là thương hiệu sẽ có chỗ đứng, doanh thu và lợi nhuận, chứ không đơn thuần là có sản phẩm ký gửi ở ngoài siêu thị ở một đất nước nào đó bên ngoài biên giới Việt Nam.

Trước mắt, Canifa sẽ hỗ trợ những đối tác phân phối, bán lẻ muốn đưa thương hiệu này ra thị trường khu vực và thế giới với điều kiện phải giữ đúng được thương hiệu.

“Chúng tôi sẵn sàng giảm lợi nhuận để có các đơn hàng thâm nhập được vào thị trường đó để tham khảo, học hỏi họ. Khi họ kinh doanh nhiều sản phẩm khác nhau mà sản phẩm của mình được người tiêu dùng lựa chọn tại cửa hàng đó thì sẽ biết được chiến lược có thành công tại thị trường mục tiêu đó hay không”, Ngọc chia sẻ.

Trước mắt, bước đi của Canifa sẽ là thâm nhập thị trường phía Nam.

Trò chuyện với doanh nhân Đoàn Thị Bích Ngọc

Khi nào Canifa có mặt tại thị trường phía Nam?

Chúng tôi đang chuẩn bị những khâu cuối cùng về mặt bằng, địa điểm, nhân sự. Có thể năm 2014, Canifa sẽ chính thức đặt chân vào thị trường này.

Một số thương hiệu thời trang cho giới trẻ tại TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn. Chị thấy sao?

Doanh nghiệp không tăng trưởng, không phát triển phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng chứ không phải nhu cầu của họ bị giảm đi. Hoặc có thể, họ chuyển từ thương hiệu này qua thương hiệu khác.

Đặc điểm tâm lý người tiêu dùng phía Nam có ảnh hưởng đến chiến lược của Canifa?

Về giá cả thì không có sự khác biệt giữa 2 miền. Chúng tôi xác định giá cả thống nhất. Nhưng gu thời trang của người tiêu dùng phía Nam thiên về sự thoải mái, đơn giản, nhưng lại ít trung thành với thương hiệu. Đó là điều chúng tôi phải tính kỹ trong chiến lược của mình tại đây.

Canifa có tính đến việc nhượng quyền thương hiệu cho nhà đầu tư khác?

Chắc khoảng 3-5 năm tới.

Tin liên quan
Tin khác