Lý giải về sự trùng hợp ngẫu nhiên này, tại cuộc Họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính sáng nay, 19/7, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá khẳng định, Bộ Tài chính và Bộ Công thương không nhằm lúc người dân tập trung xem trận bóng đá để tăng giá bán lẻ xăng dầu.
| ||
Mỗi lần tăng giá xăng dầu, thị trường còn bị tác động bởi tâm lý “té nước theo mưa” |
“Điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không chỉ điều chỉnh ở địa bàn Hà Nội (nơi diễn ra trận bóng đá giao hữu giữa Câu lạc bộ Arsenal với Đội tuyển Việt Nam) mà là điều chỉnh trên cả nước. Thời điểm điều chỉnh được tính toán, cân nhắc sao cho phù hợp với diễn biến của tình hình kinh doanh xăng dầu và phù hợp với tình hình thống kê giá xăng dầu”, ông Tuấn giải thích.
Ông Tuấn khẳng định, liên Bộ Tài chính - Công thương điều hành giá xăng dầu rất nghiêm túc theo đúng tinh thần của Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, giá cơ sở (bao gồm giá CIF cảng Việt Nam, thuế nhập khẩu hiện hành, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, lợi nhuận định mức, trích Quỹ bình ổn giá…) được tính bình quân 30 ngày, trong trường hợp giá cơ sở tăng thì tối thiểu 10 ngày, doanh nghiệp mới được điều chỉnh tăng giá, ngược lại bất kỳ lúc giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ thì doanh nghiệp phải giảm ngay giá bán lẻ. Trong vòng tối đa 10 ngày, nếu giá cơ sở giảm mà doanh nghiệp không giảm giá bán lẻ thì liên Bộ Tài chính - Công thương sẽ có công văn yêu cầu buộc doanh nghiệp phải giảm giá bán lẻ.
Trước 20 giờ ngày 17/7/2013, giá cơ sở các mặt hàng xăng, dầu (trừ dầu mazut) cao hơn so với giá bán hiện hành từ 726 đồng đến 988 đồng/lít, số dư Quỹ bình ổn giá chỉ còn 61 tỷ đồng (thời điểm ngày 10/7/2013), trong đó nhiều doanh nghiệp bị âm Quỹ bình ổn giá.
| ||
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá |
“Mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ rất cao, nếu cho doanh nghiệp điều chỉnh đủ mức chênh lệch sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của người dân. Vì vậy, sau khi cân nhắc, tính toán, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp cắt giảm 2/3 lợi nhuận định mức đối với mặt hàng xăng, từ 300 đồng xuống còn 100 đồng/lít; cho doanh nghiệp sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng, diesel và dầu hỏa 300 đồng/lít. Với phương án này, giá cơ sở vẫn cao hơn giá bán lẻ hiện hành từ 426 đồng đến 470 đồng/lít”, ông Tuấn nói thêm.
Theo tính toán của ông Tuấn, với mức điều chỉnh giá xăng dầu tối đa từ 426 đồng đến 470 đồng/lít sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng thêm 0,1%.
“Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng 2,4%. Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 6 - 7%. Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về giá, chúng tôi cố gắng điều hành các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bình ổn giá linh hoạt, diễn biến theo giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước để đạt mục tiêu lạm phát mà Chính phủ đã đặt ra”, ông Tuấn nói.
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, tính toán tác động của việc tăng giá xăng dầu lên lạm phát của Bộ Tài chính mới chỉ tính tới việc tác động trực tiếp đối với những lĩnh vực, ngành hàng sản xuất sử dụng xăng dầu, tức là chỉ tính được ở vòng 1.
“Sau khi tăng giá xăng dầu, chỉ số giá tiêu dùng bị tác động trực tiếp do làm tăng giá đầu vào của những ngành hàng, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu. Giá thành sản xuất của một số ngành hàng, lĩnh vực chịu tác động trực tiếp tăng sẽ gián tiếp đẩy giá các mặt hàng hóa, dịch vụ không liên quan trực tiếp tới xăng dầu ở vòng 2 rất khó tính toán. Ngoài ra, mỗi lần tăng giá xăng dầu, thị trường còn bị tác động bởi tâm lý “té nước theo mưa” của các ngành hàng, lĩnh vực không liên quan gì đến xăng dầu cũng góp phần làm cho lạm phát tăng lên”, ông Thỏa nói.
Hàn Tín