| ||
Tiêu dùng của dân cư bị thu hẹp đã tác động tới CPI của cả nước. Ảnh: Hà Thanh |
Một cách thẳng thắn, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh thừa nhận, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với áp lực tăng trưởng, việc làm và lạm phát. Trong khi lạm phát khó có thể tăng cao trong thời gian tới, do tổng cầu suy giảm mạnh, thì tăng trưởng GDP, dự báo trong năm nay, cũng khó có thể đạt mục tiêu đề ra.
“Chúng ta phải có giải pháp để làm sao, nền kinh tế không lâm vào tình trạng trì trệ”, Thứ trưởng Cao Viết Sinh nói.
Thực tế cho thấy, kể từ năm 2008, năm bắt đầu chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những diễn biến bất thường, với tốc độ tăng trưởng thấp, nhưng lạm phát cao (năm 2008, 2011). Cũng có năm lạm phát thấp, tăng trưởng cũng thấp (2009, 2012). Năm ngoái, lạm phát của Việt Nam chỉ ở mức 6,8%, tăng trưởng GDP xuống mức 5,03%. Năm nay, tình hình cũng sẽ không thay đổi, khi lạm phát có rất nhiều khả năng đạt mục tiêu đề ra, còn tăng trưởng, khó vươn tới con số 5,5%.
Số liệu của Cục Thống kê Hà Nội và TP.HCM cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của cả hai thành phố lớn đều tiếp tục giảm so với tháng trước, tương ứng giảm 0,22% và 0,16%. Với kết quả này, dự báo, CPI của cả nước trong tháng 5 sẽ âm, hoặc tăng rất thấp, tương tự con số 0,02% của tháng 4/2013.
Điều đáng nói, theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia thị trường giá cả, là nếu như CPI tháng 3 giảm là do quy luật, giá cả hàng hóa thường giảm sau kỳ nghỉ Tết tăng cao, thì tháng 5, CPI giảm là do tiêu dùng của dân cư đã bị thu hẹp. “Tổng cầu đã suy giảm khá nặng nề”, ông Ánh nói.
Tổng cầu suy giảm, theo các chuyên gia kinh tế, là kết quả của việc Việt Nam đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm giảm tổng cầu, với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của năm 2012. Cả chính sách tiền tệ và tài khóa bị thắt chặt, thậm chí, chính sách tiền tệ bị cho là thắt chặt quá mức, khiến hệ thống doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn, tổng cầu suy giảm, sản xuất đình trệ.
“Năm 2010, tăng trưởng dư nợ tín dụng trên 31%, song đến năm 2011, chỉ còn trên 14% và năm ngoái, xuống mức 8,9%. Ở một nền kinh tế mà tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, trong đó tăng trưởng tín dụng đóng góp phần chủ yếu, khi dư nợ tín dụng tăng thấp, thì khó có mức tăng trưởng GDP cao”, Thứ trưởng Cao Viết Sinh thừa nhận.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ trong mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã mang lại hiệu ứng tích cực và sự ổn định cho nền kinh tế. Song, trên một khía cạnh khác, cũng đã có quan điểm cho rằng, nền kinh tế đang phải trả giá khi theo cách nói của ông Trần Kim Chung (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), đó là đã có thời, Việt Nam “ăn lạm phát, ngủ lạm phát”, nghĩa là lúc nào cũng chỉ bàn biện pháp để kiềm chế lạm phát.
“Nếu để lạm phát thấp quá mức, thì có thể phải trả giá bằng một mức tăng trưởng thấp”, ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói và bày tỏ quan điểm rằng, đối với những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Việt Nam, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phải chấp nhận một mức lạm phát cao hơn là một điều tất yếu. Tuy nhiên, khi lạm phát tăng quá cao lại có tác dụng ngược lại, kéo tăng trưởng kinh tế đi xuống.
“Vì thế, phải có một mức lạm phát hài hòa với mục tiêu tăng trưởng”, ông Hùng nói.
Thực tế, vào thời điểm năm ngoái, khi nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu suy giảm, hệ thống doanh nghiệp gặp khó khăn khi sức mua suy giảm, hàng tồn kho cao…, Thứ trưởng Cao Viết Sinh cũng đã từng nói tới việc phải kiềm chế lạm phát ở một mức “hợp lý”, không nên quá thấp, bên cạnh khái niệm tăng trưởng hợp lý.
Vậy giữ lạm phát ở mức bao nhiêu là chấp nhận được?
Trong điều hành kinh tế vĩ mô hiện thời, khái niệm “thắng lợi kép” tăng trưởng cao - lạm phát thấp đã luôn được đề cập. Nhiều quan điểm cũng đã cho rằng, phải làm sao để kiềm chế lạm phát của Việt Nam chỉ ở mức 5% vào năm 2015. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Thạc Hoát (Học viện Chính sách và Phát triển), thì khó có thể đạt được cả hai mục tiêu trên cùng lúc, tất nhiên là trong ngắn hạn.
“Nếu bằng mọi giá phải đạt bằng được đồng thời hai mục tiêu trên bằng quyết tâm chính trị, thì sẽ đi vào vòng xoáy lạm phát cao, tăng trưởng thấp”, ông Hoát nói.
Chính vì vậy, từ các nghiên cứu của Học viện, ông Đào Văn Hùng cho rằng, trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay, nếu mục tiêu tăng trưởng là 7 - 7,5%, thì cũng phải chấp nhận lạm phát ở ngưỡng tối ưu 7 - 7,5% trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.
Đồng tình quan điểm này, TS. Ngô Phúc Hạnh, Trường đại học Phương Đông, cũng cho rằng, mức lạm phát thấp hơn 5% chỉ phù hợp với các nước đang phát triển với nền kinh tế ổn định. “Còn với nền kinh tế Việt Nam, lạm phát 13 - 14% có thể sẽ gây tâm lý hoang mang, làm thu nhập thực của người dân giảm. Mức lạm phát tối ưu của Việt Nam nên nằm trong khoảng 7 - 12%, ngưỡng lý tưởng là 7 - 8%”, ông Hạnh nói.
Hà Nguyễn