Nhiều đại biểu QH đã đồng tình với phương án giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay, đồng thời giảm tuổi nghỉ hưu đối với một số ngành nghề nặng nhọc, nguy hiểm |
Về chế độ hưu trí, theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH- sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày trước QH đã quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng theo hướng trước tiên, từ năm 2016 trở đi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; sau đó từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại.
Cụ thể như sau: Từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Tuổi nghỉ hưu đối với lực lượng vũ trang thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân. Riêng đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên tuổi nghỉ hưu vẫn thực hiện như quy định hiện hành.
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, có 2 luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến tán thành với dự thảo Luật quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo phương án này, thì phải đến năm 2031 (sau 15 năm) thì tuổi nghỉ hưu của nữ mới đạt 60 tuổi và đến năm 2022 (sau 6 năm) thì tuổi nghỉ hưu của nam mới đạt 62 tuổi.
Nhưng có luồng ý kiến đề nghị thực hiện Điều 187 của Bộ luật Lao động đó là, nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác.
Bà Mai cho biết, Ủy ban tán thành với loại ý kiến thứ hai và thấy rằng, cần điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian tham gia BHXH đồng bộ với việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu dài do tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên.
“Mặc dù, Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” với lực lượng lao động đã đạt tới 52,3 triệu người nhưng đồng thời cũng đã bước vào giai đoạn già hóa dân số (năm 2012, tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi của Việt Nam là hơn 9 triệu người, chiếm hơn 10% dân số; tỷ lệ người cao tuổi trên 65 tuổi chiếm 7,1% dân số). Hiện nay, Bộ luật Lao động đã cho phép điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng, đồng thời, đối với một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, một số địa bàn sẽ được giảm tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn”, bà Trương Thị Mai cho hay.
Được biết, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau khi Bộ luật Lao động được sửa đổi. Nhiều đại biểu QH đã đồng tình với phương án giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay, đồng thời giảm tuổi nghỉ hưu đối với một số ngành nghề nặng nhọc, nguy hiểm, bởi nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu trong trường hợp này, thì người lao động sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Vấn đề này chỉ mới được "xới" lên khi cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất để tránh vỡ Quỹ BHXH.
Công thức mới tính lương hưu Trong dự thảo Luật cũng sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu theo hướng từ năm 2016 trở đi mỗi năm tăng thêm 1 năm cho đến khi 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45%. Ngoài ra, tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. |
Ngày Lao động, nói chuyện lương hưu, tuổi nghỉ hưu Nâng tuổi nghỉ hưu và thay đổi cách tính lương hưu công chức, viên chức đang là hai vấn đề nổi bật, gây nhiều tranh cãi trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi khi tăng nhiều nghĩa vụ nhưng lại giảm quyền lợi của người lao động. |
Minh Anh (Theo Báo Hải Quan)