Chiều 12/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO tổ chức Hội nghị thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững.
Bà Nilgun Tas, Chuyên gia quốc tế về kinh tế tuần hoàn, Nguyên Phó Tổng giám đốc UNIDO, cho biết trong nền kinh tế tuyến tính, nguyên liệu thô trở thành sản phẩm mới. Sau khi sử dụng, chúng bị loại ra khỏi nền kinh tế, quay trở lại môi trường dưới dạng chất ô nhiễm.
Nhưng khi chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, có thể nâng cấp các ngành công nghiệp thông qua đổi mới sáng tạo, tăng khả năng cạnh tranh, tạo việc làm mới và tăng khả năng chống chịu, phục hồi của các công ty đa quốc gia.
Các chuyên gia cho rằng mối quan hệ cộng sinh giữa các doanh nghiệp giúp làm giảm nhu cầu tài nguyên, từ đó thúc đẩy tính tuần hoàn. |
Bà Nilgun Tas cho rằng việc thực hiện các chiến lược kinh doanh diện rộng cho nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp thu hẹp, làm chậm lại dòng chảy - cần ít nguyên liệu hơn thông qua việc thiết kế lại, thiết kế sản phẩm để nhẹ hơn. Đồng thời, việc này cũng kéo dài thời gian sử dụng của các sản phẩm thông qua việc bảo trì, sửa chữa, sử dụng đồ cũ.
Trong bối cảnh này, các khu công nghiệp sinh thái là nền tảng quan trọng để nhân rộng việc thực hành kinh tế tuần hoàn, vì có các công nghệ và mô hình kinh doanh ở cấp độ khu công nghiệp và của công ty thành viên cấp được áp dụng trong khu công nghiệp sinh thái.
Trong khi đó, nền kinh tế tuần hoàn hiện đang là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự về năng lực cạnh tranh cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Ví dụ như dệt may, điện tử, nhựa, bao bì, ô tô, kim loại, xi măng và thực phẩm, thức ăn chăn nuôi…, các khu công nghiệp và các doanh nghiệp.
“Các thực hành kinh tế tuần hoàn không chỉ có lợi cho môi trường mà còn hiệu quả về mặt kinh tế, và nhờ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của các khu công nghiệp và các doanh nghiệp thuê đất”, bà nói đồng thời cho rằng việc thực hành kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm việc sử dụng tài nguyên và chi phí từ năng lượng đến vật liệu, hóa chất và nước.
Phân tích thêm về hình thức cộng sinh công nghiệp trong nền kinh tế tuần hoàn, ông Christian Susan, Quản lý Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu của UNIDO, cho rằng cộng sinh công nghiệp là một hình thức giúp các công ty có thể đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua chia sẻ dịch vụ với các công ty khác hoặc các khu vực lân cận; hoặc hợp tác trao đổi sản phẩm cụ thể, năng lượng, nước và sản phẩm phụ với các công ty khác hoặc các khu vực lân cận, từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững.
Theo ông, các khu công nghiệp có nhiều doanh nghiệp tập trung trở thành nền tảng lý tưởng cho việc thúc đẩy các phương pháp tiếp cận hợp lực doanh nghiệp. Mối quan hệ cộng sinh giữa các doanh nghiệp giúp làm giảm nhu cầu tài nguyên và có thể duy trì sử dụng tài nguyên trong thời gian dài hơn và cho nhiều mục đích, từ đó thúc đẩy tính tuần hoàn.
Một góc khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) |
Lấy ví dụ về một số trường hợp thực hành tốt về cộng sinh công nghiệp, chuyên gia đến từ UNIDO cho biết Công ty công nghệ tái chế thúc đẩy tái chế tại khu công nghiệp Orascom (Ai Cập) tái chế phế liệu lốp xe với công suất 10.000 tấn/năm bằng công nghệ nhiệt phân để sản xuất dầu mazut (40 - 45%), muội than (30 - 35%) và dây thép (15 - 20%) và bán sản phẩm cho các doanh nghiệp khác trong khu công nghiệp.
Kết quả, công ty này đã thu 5 - 10% nguyên liệu từ khu công nghiệp Orascom. Đồng thời giảm lượng rác thải chuyển đến bãi chôn lấp với khối lượng 500 - 1000 tấn/năm.
Tương tự, tại khu công nghiệp Robikki (Ai Cập), bùn thải của cơ sở xử lý chất thải cũng được sử dụng để sản xuất điện, phục vụ sản xuất xi măng. Cụ thể, nhà máy xử lý nước thải ở TP. Robbiki Leather có công suất hiện tại là 8.000 m3/ngày và có kế hoạch nâng công suất lên 24.000 m3/ngày. Nhà máy xử lý nước thải tạo ra 80 tấn bùn thải nhiễm Crôm/ngày.
Khi áp dụng công nghệ này, 80 tấn bùn thải/ngày đã được giảm và tăng giá trị chất thải. Đồng thời giảm chôn lấp 33,3 kg Cr/ngày, tránh gây ô nhiễm đất và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Từ kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec – chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) cho biết trong năm nay, công ty sẽ tiến tới “zero” rác thải nhờ áp dụng mô hình cộng sinh công nghiệp.
Chẳng hạn, nếu như trước đây sản xuất thép thành phẩm, xỉ thép phải mang xử lý, và đơn vị sản xuất phải trả 5 triệu đồng/tấn xỉ thép cho đơn vị xử lý thì nay bán thu về được 5 triệu đồng. Đơn vị thu mua xỉ thép mang xử lý ở nhiệt độ cao, phân tách ra các loại nguyên liệu khác để bán cho các nhà máy dùng sản xuất nam châm, chất phụ gia sản xuất xi măng thu được rất nhiều lợi nhuận.
Phế liệu thép cũng được sản xuất trở thành các sản phẩm phụ trợ, linh kiện ngành điện. Lắp ráp linh kiện điện tử, lắp ráp tủ điện, thiết bị điện dân dụng, dây điện cho ngành ô tô; ngành công nghiệp điện tử, dây cáp.
Ví dụ như vậy để thấy rằng, chất thải trở thành nguồn tài nguyên thông qua cộng sinh nguồn chất thải các doanh nghiệp, đầu ra là những thành phẩm thứ cấp. Điều này cũng giúp tạo thị trường lớn hơn cho nguyên liệu và vật liệu tái chế với độ tin cậy và tiêu chuẩn chất lượng cao.
Trong tương lai, để có thể thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ các khu công nghiệp sinh thái, bà Nilgun Tas cho rằng cần duy trì sử dụng nguyên liệu và tài nguyên ở cấp độ khu công nghiệp bằng cách khuyến khích các công ty thành viên tạo ra mạng lưới cộng sinh và cho phép họ trao đổi chất thải và sản phẩm phụ.
Đồng thời, đầu tư vào cơ sở hạ tầng chung và cung cấp dịch vụđể tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên. Ví dụ, mạng lưới hơi nước, nhà máy thu hồi carbon dioxide (CO2), đồng phát/công nghệ nhiệt điện kết hợp sử dụng sinh khối và/hoặc khí sinh học...
Ngoài ra, cần cải tiến thiết kế bằng cách cung cấp đào tạo và xây dựng năng lực cho các công ty khu công nghiệp để triển khai các thực hành kinh tế tuần hoàn, ví dụ như thiết kế có tính tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp, công nghệ sản xuất xanh và ít carbon, số hóa…