Sáng 12/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” (gọi tắt là Dự án).
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự án được phê duyệt và triển khai thực hiện từ tháng 5/2020 đến nay với nhiều hoạt động liên quan thực hiện tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương.
Trong đó, Dự án tập trung thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai và Cần Thơ. Dự án sẽ chính thức kết thúc vào ngày 30/4/2024.
Trong quá trình triển khai, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid nhưng đến nay, về cơ bản Dự án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra ban đầu.
“Là 1 trong 7 quốc gia tham gia chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu, kết quả của Dự án tại Việt Nam được các nhà tài trợ, các đối tác thực hiện và cộng đồng doanh nghiệp tại các địa phương tham gia Dự án đánh giá cao, mang lại hiệu quả thiết thực cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hạ tầng khu công nghiệp và doanh nghiệp thứ cấp tham gia Dự án”, ông Quân nói.
Với những lợi ích đáng kể về kinh tế, môi trường và xã hội từ dự án sẽ góp phần nhân rộng lan tỏa việc thực hiện mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam |
Đánh giá về kết quả xây dựng chính sách, thể chế hóa khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam, ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế cho biết, kể từ khi bắt đầu triển khai dự án thí điểm khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam vào năm 2015, khu công nghiệp sinh thái là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam.
Đến nay, với sự hỗ trợ của SECO, UNIDO và các tổ chức quốc tế, các bộ ngành trung ương, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, mô hình này đã được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, cao nhất là ở cấp Nghị định của Chính phủ (trước đây là Nghị định 82/2018/NĐ-CP và hiện nay là Nghị định số 35/2022/NĐ-CP).
Với những kết quả đạt được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình lấy ý kiến tham vấn Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 35/2022/NĐ-CP, trong đó áp dụng thử nghiệm bộ 23 chỉ số khu công nghiệp sinh thái của Việt Nam. Đồng thời tiến tới việc xây dựng Luật Khu công nghiệp, Khu kinh tế dự kiến thực hiện vào năm 2025.
Còn theo ông Lê Thành Quân, với sự hỗ trợ của Dự án, các cách tiếp cận về cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất thông qua nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tuần hoàn dòng nguyên vật liệu và hướng tới xả thải tối thiểu thông qua cộng sinh công nghiệp cũng được phổ biến tới các nhà quản lý và cộng đồng doang nghiệp trong các khu công nghiệp.
Đến nay, Dự án đã hỗ trợ được 90 doanh nghiệp với 663 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) tại 3 khu công nghiệp Hiệp Phước (TP.HCM), Amata (Đồng Nai) và Đình Vũ (Hải Phòng), trong đó 217 giải pháp đã được thực hiện góp phần tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải CO2 và đem lại lợi ích kinh tế cho ccác doanh nghiệp.
Đồng thời, Dự án cũng đã đề xuất thực hiện 41 giải pháp cộng sinh công nghiệp, 13 cơ hội cộng sinh công nghiệp đô thị cho 5 khu công nghiệp (Hiệp Phước, Amata, Đình Vũ, Hòa Khánh và Trà Nóc) với 18 trường hợp có tính khả thi cao, góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Đặc biệt, việc chuyển đổi từ khu công nghiệp thông thường sang mô hình khu công nghiệp sinh thái không chỉ dừng lại ở các khu công nghiệp được thí điểm mà đã được lan tỏa sang các khu công nghiệp khác với nguồn vốn tự thực hiện từ khu vực tư nhân.
Chẳng hạn như khu công nghiệp Nam Cầu Kiền ở Hải Phòng, các khu công nghiệp của Tập đoàn Becamex; các khu công nghiệp xanh, tiết kiệm năng lượng của tập đoàn VSIP,.....
Đồng thời, các địa phương đã coi mô hình khu công nghiệp sinh thái là xu hướng phát triển tất yếu các khu công nghiệp trong thời gian tới, lồng ghép việc phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từ đó, thể hiện cam kết mạnh mẽ của địa phương trong việc phát triển kinh tế cân bằng với đảm bảo yếu tố môi trường và xã hội.
Bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện Quốc gia UNIDO tại Việt Nam cũng đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong phát triển khu công nghiệp sinh thái và mối quan hệ hợp tác gắn bó chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. “Những lợi ích đáng kể về kinh tế, môi trường và xã hội từ dự án sẽ góp phần nhân rộng lan tỏa việc thực hiện mô hình khu công nghiệp sinh thái để phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững ở Việt Nam”, bà Thảo tin tưởng.