Khu kinh tế Vân Phong hứa hẹn sẽ “cất cánh” trong tương lai gần |
Nhà đầu tư lớn đổ bộ
Một trong những Nghị quyết đáng chú ý mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra là xây dựng vùng động lực Khu kinh tế Vân Phong. Khu vực này sẽ trở thành động lực không chỉ cho Khánh Hòa, mà cho cả khu vực Nam Trung Bộ.
Tính đến nay, có 13 nhà đầu tư tiềm năng mong muốn được đầu tư vào KKT Vân Phong. Trong đó, khu vực Nam Vân Phong có 8 nhà đầu tư, gồm: Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty cổ phần Stavian hóa chất, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam, Công ty cổ phần Sonadezi, Tổng công ty Becamex IDC, Công ty cổ phần SSI, Công ty cổ phần Sinnec và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Những doanh nghiệp này muốn đầu tư vào các lĩnh vực lọc hóa dầu, năng lượng, công nghiệp, xây dựng phát triển khu công nghiệp và xây dựng cảng biển.
Tại khu vực Bắc Vân Phong có 5 tập đoàn, công ty muốn đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, sân bay, cảng biển, đô thị, gồm: Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Novaland, Công ty cổ phần Đầu tư Đất Tâm, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Flamingo Holding Group.
Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng ban quản lý KKT Vân Phong cho biết, Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD, công suất 1.320 MW là dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất tại KKT này.
Theo tiến độ, đến tháng 6/2023, nhà máy sẽ vận hành thử Tổ máy số 1, đến quý III-IV/2023 sẽ vận hành thương mại. Khi đi vào hoạt động, nguồn thu từ dự án này sẽ đóng góp đáng kể cho ngân sách của tỉnh.
Ngoài ra, tại KKT Vân Phong có 98 dự án đã đi vào hoạt động, một số dự án có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nổi bật là Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam, với vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD. Hiện có khoảng 4.000 lao động đang làm việc tại đây. Hàng năm, nhà máy đóng góp cho ngân sách của tỉnh hàng trăm tỷ đồng, đặc biệt là đóng góp khoảng 40% trong tổng tỷ trọng xuất khẩu toàn tỉnh.
Năm 2023, Ban Quản lý KKT Vân Phong đặt mục tiêu thu hút đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký khoảng 30.000 tỷ đồng. Ban sẽ triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án tại KKT Vân Phong sau khi quy hoạch chung và quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt.
Trao cơ chế đặc thù cho nhà đầu tư chiến lược
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ngày 16/6/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 55/2022/QH15 (Nghị quyết 55) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2022 và được thực hiện trong 5 năm.
Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khánh Hòa, tập trung vào các cơ chế chính sách trong quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển KKT Vân Phong và phát triển kinh tế biển.
Không chỉ là tín hiệu vui, mà hơn hết, Nghị quyết 55 còn mở ra cơ hội lớn, tạo bệ phóng cho Khánh Hòa và là sân chơi hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược.
Về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, Nghị quyết 55 quy định, hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu. Khánh Hòa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ…
Về quản lý đất đai, Nghị quyết quy định, HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ...
Mới đây, ngày 27/3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Phê duyệt điều chỉnh này như “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư chiến lược, khơi thông mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, tạo hành lang pháp lý vững chắc, giúp nhà đầu tư an tâm hơn khi rót vốn vào KKT Vân Phong.
Theo quyết định trên, KKT Vân Phong có diện tích khoảng 150.000 ha (phần mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.000 ha), là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư, là động lực phát triển cho các vùng lân cận và cả nước. Trong đó, kinh tế biển là nền tảng, có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác. Đây cũng là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp, có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.
KKT Vân Phong được định hướng trở thành khu vực phát triển đô thị thông minh bền vững với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
Không gian phát triển các khu chức năng trong KKT Vân Phong được điều chỉnh sắp xếp theo hướng các khu du lịch, dịch vụ du lịch… có diện tích đất khoảng 2.613 ha. Ngoài ra, còn có các khu công nghiệp Ninh Thủy (208 ha), Dốc Đá Trắng (288 ha) và Ninh Diêm (290 ha).
Theo quy hoạch điều chỉnh, các khu phát triển dịch vụ, du lịch với các loại hình du lịch sinh thái - vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, casino, công viên chuyên đề, triển lãm du thuyền quốc tế kết hợp các hoạt động tham quan, trải nghiệm... có tổng diện tích khoảng 2.613 ha, tập trung chủ yếu tại khu vực Hòn Lớn, bán đảo Hòn Gốm, Đại Lãnh khoảng 2.027 ha và khu vực Dốc Lết khoảng 200 ha, các khu vực khác khoảng 386 ha.
Cảng biển, các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistics khoảng 509 ha; các khu vực dự kiến phát triển cảng, hậu cần cảng khoảng 961 ha tại Bắc và Nam Vân Phong; các khu vực dự kiến phát triển hậu cần cảng, logistics tại Ninh Phước khoảng 445 ha. Khu vực dự kiến phát triển cảng hàng không khoảng 500 ha tại Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh. Các khu vực phát triển sân golf được bố trí tại đảo Hòn Lớn, khu Đầm Môn, khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang. Khu vực phát triển sân golf đến năm 2030 tại Đầm Môn có diện tích 176 ha, các khu vực sân golf khác có tổng diện tích khoảng 479 ha.
Đáng chú ý, ngày 27/3, sự kiện khánh thành và thông xe Dự án đường giao thông Quốc lộ 1 đi Đầm Môn (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng tiếp tục “mở đường” cho dòng vốn đầu tư vào KKT Vân Phong.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có chuyến công tác khảo sát địa bàn KKT Vân Phong và có chỉ đạo đầu tư xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phân bổ nguồn vốn Trung ương để hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông ven biển từ Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh đến thị xã Ninh Hòa, chiều dài gần 40 km, với nguồn vốn khoảng 3.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, để triển khai các quy hoạch được duyệt, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có chủ trương tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy Khánh Hòa đã thông qua định hướng xây dựng danh mục các dự án ưu tiên đầu tư vào KKT Vân Phong giai đoạn đến 2025, định hướng 2050, gồm 30 dự án, nhóm dự án, thuộc 6 lĩnh vực ngành nghề, ưu tiên thu hút đầu tư theo Nghị quyết số 55.
Khoản 8, Điều 7, Nghị quyết 55/2022/QH15 của Quốc hội quy định, nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào KKT Vân Phong được hưởng ưu đãi gồm: được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và chi phí R&D thực tế được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán.
Được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án đầu tư do nhà đầu tư chiến lược thực hiện tại KKT Vân Phong khi đáp ứng các điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của pháp luật về hải quan và thuế, trừ điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu.
Khoản 1, Điều 7, Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội quy định Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong bao gồm:
a) Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư công nghệ thông tin, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải, công nghệ sinh học, dược liệu biển và sinh thái biển có quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên;
b) Đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính có quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng trở lên;
c) Đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích từ 300 ha trở lên hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân gôn (golf) có quy mô vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên;
d) Đầu tư công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, chế biến dầu khí, điện tử, khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên;
đ) Xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển, bến cảng, khu bến cảng, cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I;
e) Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu phi thuế quan có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.