Hiểu đúng về chu kỳ kinh tế và khủng hoảng kinh tế
Khi nói đến vấn đề chu kỳ và khủng hoảng kinh tế, cần xác định cho rõ vấn đề khái niệm. Chu kỳ kinh tế (business cycle) là một hiện tượng tất yếu. Nó diễn ra vì có chu kỳ thắt - mở của chính sách tiền tệ, sự biến đổi trong tâm lý tiêu dùng và đỉnh - đáy của lạm phát cùng tăng trưởng. Vì vậy, khi nói đến chu kỳ kinh tế, các yếu tố căn bản nhất là đỉnh - đáy của tăng trưởng, các giai đoạn mở rộng (expansion) và thu hẹp (contraction) của nền kinh tế.
. |
Theo đó, kinh tế Việt Nam và thế giới sau một giai đoạn mở rộng với tăng trưởng kinh tế khả quan, lãi suất và lạm phát thấp, đầu tư và niềm tin tiêu dùng cao tất yếu sẽ đi vào giai đoạn thu hẹp với tốc độ tăng trưởng chậm lại, lãi suất và lạm phát đều tăng và niềm tin tiêu dùng yếu đi. Vì vậy, tồn tại chu kỳ kinh tế biến động từ đỉnh đến đáy rồi lại quay lại đỉnh.
Đó là diễn biến “động” của nền kinh tế và có tính quy luật. Nhưng đó không phải do “lời nguyền 10 năm hay 20 năm”, mà là hệ quả có tính chu kỳ trong chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư vốn và lợi nhuận doanh nghiệp trên toàn thế giới và lạm phát. Các năm 1979, 1989, 1999 và 2009 mà người ta nói tới ở Việt Nam vô tình trùng khớp với các đỉnh của chu kỳ kinh tế tháng 1/1980, tháng 7/1990 của Mỹ, khủng hoảng kinh tế châu Á và khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa rồi.
Những đỉnh và đáy đó là do các chu kỳ bùng nổ và đổ vỡ của doanh nghiệp ở một số loại hình, chu kỳ nới lỏng và siết lại của lãi suất cùng chính sách tiền tệ nói chung. Hạn định10 năm là một sự trùng hợp. Nếu nhìn lại trước năm 1980 theo biên niên sử về chu kỳ kinh tế của NBER (Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Hoa Kỳ), thì không có bất kỳ một quy luật 10 năm nào, với các đỉnh của kinh tế vào các năm 1973, 69, 60, 57 và 53. Nghĩa là, có những chu kỳ kinh tế ngắn hơn 10 năm và không có quy luật gì liên quan đến số năm cả.
Trong mỗi chu kỳ kinh tế, trong giai đoạn đi từ đỉnh về đáy (giai đoạn thu hẹp), có lúc xảy ra khủng hoảng (chẳng hạn giai đoạn khủng hoảng vừa rồi từ đỉnh tới đáy kéo dài tới 18 tháng ở Mỹ), có lúc chỉ là xảy ra suy giảm tăng trưởng 8 - 9 tháng mà thôi. Vì vậy, khi chu kỳ chuyển từ đỉnh về đáy, không thể kết luận ngay là xảy ra khủng hoảng kinh tế, bởi có thể đơn giản là một giai đoạn suy giảm tăng trưởng.
Từ đỉnh tới đáy của chu kỳ kinh tế hiện tại ở Việt Nam: khủng hoảng hay suy giảm tăng trưởng?
Việt Nam có lẽ đang ở rất gần điểm đỉnh của chu kỳ kinh tế với tăng trưởng kinh tế khả quan, lạm phát không cao và chính sách tiền tệ vẫn đang hỗ trợ tốt cho lạm phát. Tuy nhiên, ở khía cạnh toàn cầu, Mỹ đang bắt đầu đi vào giai đoạn tăng lãi suất và nhiều nước khác sẽ sớm hay muộn phải đi theo. Ở Việt Nam, người ta bắt đầu lo ngại về lạm phát và bong bóng nhà đất trở lại, do đó tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể phải chậm lại và lãi suất rồi sẽ phải tăng để đón đầu lạm phát.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, kinh tế Trung Quốc đang vào giai đoạn giảm tốc và nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế này có thể sẽ vỡ nợ. Với độ mở hiện tại của nền kinh tế Việt Nam, tác động tiêu cực là khó tránh khỏi, dù ít hay nhiều.
Tuy nhiên, từ đỉnh đi xuống đáy của nền kinh tế lần này, mất bao lâu, độ sụt giảm tăng trưởng là bao nhiêu thì rất khó có thể biết được. Các chuyên gia kinh tế hầu như khi nào cũng dự đoán sai về những chuyện này vì tính liên hệ lẫn nhau của hệ thống kinh tế quá phức tạp so với những mô hình kinh tế đơn giản hóa được sử dụng. Vì vậy, rất khó nói lần này Việt Nam sẽ khủng hoảng hay chỉ điều chỉnh kinh tế nhẹ.
Hiện tại, Việt Nam có những điểm sáng nhất định so với khi ở đỉnh của chu kỳ kinh tế diễn ra sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2009.
Thứ nhất, chất lượng tài sản ở các ngân hàng đã có sự chắc chắn nhất định do Việt Nam vừa trải qua một đợt thanh lọc ngân hàng.
Thứ hai, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Các dòng vốn ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn đổ vào Việt Nam, nhất là ở lĩnh vực bất động sản. Diễn biến này tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có điều kiện mua tăng dự trữ ngoại hối và đảm bảo cho thị trường ngoại hối đủ ổn định.
Vì vậy, nếu lạm phát tiếp tục trong vòng kiểm soát và lãi suất không tăng nhanh, khả năng Việt Nam đi vào khủng hoảng trong đợt chu kỳ kinh tế đi xuống từ đỉnh lần này không cao. Có thể đó sẽ là một đợt điều chỉnh suy giảm tăng trưởng và lạm phát tăng lên, nhưng ở mức độ trong tầm kiểm soát. Tất nhiên, mọi việc đều có thể thay đổi vì diễn biến chiến tranh thương mại và độ bất ổn của các nước láng giềng như Trung Quốc, Malaysia... đang tăng lên.
Cách tốt nhất để làm giảm nhẹ ảnh hưởng của đợt điều chỉnh cuối chu kỳ kinh tế mở rộng này là tiến hành những cải cách kinh tế để giảm thiểu chi phí thương mại, cải thiện hạ tầng và nâng cao độ lan tỏa của công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp nội, làm cho môi trường kinh doanh “sáng” lên. Doanh nghiệp làm ăn được, niềm tin sẽ lan tỏa sang nhà đầu tư và người tiêu dùng. Niềm tin kinh doanh và tiêu dùng càng mạnh thì điều chỉnh thu hẹp kinh tế sẽ càng ít.