Hy Lạp đang tiến gần đến bờ vực phá sản và có nguy cơ rời khỏi Eurozone |
“Sẽ không có cuộc đàm phán nào trong những ngày tới. Chúng tôi sẽ chỉ đơn giản là chờ kết quả bỏ phiếu thôi", Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước eurozone (Eurogroup), ông Jeroen Dijsselboem, cho biết sau buổi họp về đề nghị cấp gói giải cứu thứ 3 của Hy Lạp. Ông Jeroen Dijsselboem nhận xét, tình hình chính trị hiện tại không có chuyển biến so với tuần trước và không có nền tảng để thực hiện đàm phán. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng quyết định không tăng trần hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp, sau khi nước này bị tuyên bố vỡ nợ. Hiện các ngân hàng Hy Lạp vẫn đóng cửa và hạn chế số tiền có thể rút từ ATM mỗi ngày là 60 euro.
Trước đó, tối ngày 30/6, chỉ vài giờ trước khi bị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố vỡ nợ do không hoàn trả đúng hạn khoản vay 1,5 tỷ euro, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã gửi một lá thư đến nhóm chủ nợ. Trong đó, ông cho biết, có thể chấp thuận các điều kiện thắt chặt và chỉ đề xuất vài thay đổi nhỏ. Bức thư cũng đề nghị một chương trình cứu trợ trị giá 32 tỷ USD, kéo dài 2 năm từ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM). Nếu được chấp thuận, đây sẽ là gói giải cứu thứ 3 mà châu Âu cấp cho Hy Lạp kể từ năm 2010.
Bộ trưởng Tài chính Đức, ông Wolfgang Schuble cho rằng, đề nghị của Hy Lạp "không thể là nền tảng cho các giải pháp nghiêm túc", do thiếu "sự rõ ràng". Phát biểu trước Quốc hội Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho biết, Đức vẫn sẵn sàng khôi phục đàm phán về cứu trợ tài chính với Hy Lạp, nhưng sẽ không tiến đến thỏa thuận bằng mọi giá. Bà Merkel nhấn mạnh, Thủ tướng Tsipras phải đáp ứng các điều kiện, nếu muốn nhận thêm tiền cứu trợ và sẽ đợi cho đến khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra về việc có chấp nhận các điều kiện thắt lưng buộc bụng của nhóm chủ nợ để đổi lấy tiền giải cứu hay không.
Việc Hy Lạp đang tiến gần đến bờ vực phá sản và có nguy cơ rời khỏi Eurozone có thể đe doạ không chỉ kinh tế toàn châu Âu, mà còn khiến Mỹ lo lắng về khả năng Hy Lạp quay sang Nga để tìm kiếm sự trợ giúp. Song, không có gì đảm bảo rằng một khi ra khỏi Eurozone, kinh tế Hy Lạp có thể khởi sắc. Ngân hàng Trung ương Hy Lạp đã vẽ ra một bức tranh hết sức ảm đạm về viễn cảnh kinh tế nước này sau khi ra khỏi khối, đó là: chìm vào suy thoái sâu, thất nghiệp tăng vọt và thu nhập của người dân giảm sút. Các khoản tiết kiệm của người dân Hy Lạp sẽ bị mất giá, trong khi nước này sẽ càng khó vay vốn trên thị trường nợ quốc tế, khiến cho việc hồi phục kinh tế càng trở nên xa vời.
Trong khi đó, Mỹ bày tỏ lo ngại về tác động của việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone, có thể tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới. Điều khiến các quan chức Liên minh châu Âu (EU) lo lắng nhất hiện nay là nếu Hy Lạp rời khỏi khối, điều này sẽ tạo nên hiệu ứng domino. Thực tế, EU đã có những bước đi nhằm tách các tổ chức tài chính đang gặp khó khăn ra khỏi các tổ chức khác.
Nếu Hy Lạp phải rời EU, đó có thể là lúc kinh tế châu Âu ít nhiều đã hồi phục. Nhưng tình trạng “tắc nghẽn” trong hệ thống tài chính tại châu Âu vẫn có thể xảy ra và những nước từng phải sử dụng các gói trợ giúp tài chính khẩn cấp như Ireland và Bồ Đào Nha có thể sẽ bị kéo trở lại khủng hoảng. Chủ tịch Ngân hàng quốc gia Hy Lạp Louka Katseli còn nhận định, việc để Hy Lạp ra đi không khác gì bật đèn xanh cho các thành viên có tiềm lực tài chính yếu thuộc Eurozone.
Cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp còn có khả năng ảnh hưởng tới một loạt nước khác, bởi kinh tế - chính trị tại châu Âu có ảnh hưởng rất lớn lẫn nhau, vì thế dù cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp diễn biến theo chiều hướng nào, tác động của nó đều có thể thấy rõ ở các nước láng giềng. Ngoài ra, kinh tế thế giới cũng chịu một số ảnh hưởng. Mặc dù Hy Lạp chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế toàn cầu, song nước này lại là một thành viên của khối đồng tiền chung châu Âu và euro là một trong những đồng tiền chủ chốt của thế giới. Điều này có nghĩa là những diễn biến tại Hy Lạp đều có tác động đến toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng, giảm theo những suy đoán về việc Hy Lạp có thể đạt thoả thuận với các chủ nợ hay không. Nếu Hy Lạp vỡ nợ, các chủ nợ như Ngân hàng Trung ương châu Âu và các quốc gia châu Âu khác có thể cũng phải chịu thiệt hại.