Liên quan đến trường hợp bệnh nhân 11 tuổi ở Cao Bằng tử vong do bệnh bạch hầu, TS.Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết các ổ dịch nhỏ vẫn trong tầm kiểm soát.
Nguy cơ lây nhiễm thành dịch lớn, diện rộng là thấp. "Dù số ca mắc bạch hầu vẫn ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, nhưng đây chưa phải là vấn đề phức tạp," ông Đức nhận định.
Tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng phòng bạch hầu. |
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận 57 trường hợp mắc và 7 trường hợp tử vong.
Từ đầu năm 2024 đến ngày 25/11, đã có 10 trường hợp mắc, trong đó 2 ca tử vong. Các trường hợp bệnh phân bố tại Hà Giang, Nghệ An, Bắc Giang, Thanh Hóa, và Cao Bằng.
Theo ông Đức, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng người lớn không có miễn dịch cũng có thể mắc. Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Vắc-xin này đã được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1985, giúp giảm số ca mắc hàng trăm lần so với trước.
Tuy nhiên, bệnh bạch hầu vẫn xảy ra rải rác tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện triển khai tiêm chủng gặp khó khăn.
Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân xác định mắc bạch hầu cần tự theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà 14 ngày và liên hệ với cán bộ y tế nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương không lạm dụng cách ly rộng rãi, tránh gây hoang mang và xáo trộn đời sống. Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo đưa trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng mở rộng đi tiêm đầy đủ các loại vắc-xin chứa thành phần bạch hầu. Người dân trong khu vực có ổ dịch cần uống thuốc điều trị dự phòng và chấp hành tiêm chủng theo chỉ định.
Mặc dù bệnh bạch hầu đã giảm mạnh sau khi triển khai vắc-xin, nhưng trong vài năm gần đây, các ca bệnh rải rác lại xuất hiện tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Biến chứng của bạch hầu, như viêm cơ tim, loạn nhịp, viêm thần kinh và suy tim, có thể gây tử vong với tỷ lệ từ 5-10%, thậm chí 20% ở trẻ dưới 5 tuổi và người trên 40 tuổi. Vì vậy, phòng bệnh bằng tiêm chủng là giải pháp quan trọng hàng đầu.
Trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh bạch hầu thuộc nhóm B, là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Thực tế, ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5-10%.
Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc-xin, bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là ở nơi có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Sau khi có vắc-xin, tỷ lệ mắc bệnh giảm xuống dưới 0,01/100.000 dân.
Theo chuyên gia, tim là bộ phận dễ bị biến chứng nghiêm trọng nhất. Khoảng 30% bệnh nhân bạch hầu thể nặng có biến chứng viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim và tử vong.
Tiếp theo, bạch hầu có thể gây ra các biến chứng thần kinh, chiếm khoảng 5% trong tổng số ca bệnh nặng. Bệnh có thể gây tổn thương hệ thần kinh ngoại vi và cả hệ thần kinh trung ương.
Nhóm người có nguy cơ tử vong cao thường dưới 15 tuổi, trên 40 tuổi, nhóm người có biến chứng thận và tim mạch, người có sức khỏe yếu, bị suy giảm miễn dịch hoặc bệnh nhân đang đặt phương tiện hỗ trợ trong cơ thể, ví dụ thay van tim nhân tạo hoặc đặt shunt ở não thất, đặt catheter ở tĩnh mạch.
Hiện nay, vắc-xin là biện pháp nhanh chóng, tiết kiệm và an toàn để phòng bệnh bạch hầu. Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ khi vắc-xin ngừa bạch hầu-ho gà-uốn ván được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 1981, số ca bạch hầu tại nước ta đã giảm mạnh.
Trong nhiều năm trở lại đây, bệnh quay trở lại với các ca bệnh rải rác ở các tỉnh miền trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, các tỉnh Tây Nguyên, gần đây là các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua điều tra dịch tễ, đây đều là các vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Bác sỹ Bùi Thị Việt Hoa, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, vắc-xin phòng bạch hầu có trong tất cả các vắc-xin kết hợp 2 trong 1; 3 trong 1; 4 trong 1; 5 trong 1; 6 trong 1. Vắc-xin 6 trong 1 và 5 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuần tuổi đến 2 tuổi. Vắc-xin 4 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 7 tuổi.
Vắc-xin 3 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Ngoài ra, vắc-xin 2 trong 1 ngừa bạch hầu, uốn ván có thể tiêm cho trẻ từ 7 tuổi đến người lớn.
Theo bác sỹ Việt Hoa, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, đủ liều để phòng chống bạch hầu. Bởi nếu không may mắc bệnh thì sẽ có nhiều nguy cơ cho sức khỏe trẻ.
Ngoài ra, theo đại diện hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, với những bệnh có vắc-xin, người dân không nên chần chừ mà cần tiêm chủng để bảo vệ an toàn bản thân và chăm lo sức khỏe cho gia đình mình.